Mỹ có thể thu hồi kênh đào Panama?

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vừa qua đã gây chấn động, khi đề xuất Mỹ nên lấy lại quyền kiểm soát kênh đào Panama. Tại sao ông lại đưa ra đề xuất kỳ lạ như vậy, và liệu điều đó có thực hiện được không?

Giành quyền kiểm soát bằng sức mạnh

Trước khi kênh đào Panama hoàn thành, các tàu thuyền di chuyển giữa bờ biển phía Đông và phía Tây của châu Mỹ phải đi vòng qua mũi Horn, cực Nam của Nam Mỹ. Hải trình này khiến hành trình dài thêm hàng nghìn dặm và mất thêm vài tháng. Việc tạo ra một tuyến đường thủy giúp rút ngắn hành trình đó là mục tiêu lớn của một số đế chế có thuộc địa ở châu Mỹ.

Nỗ lực xây dựng một kênh đào qua Panama do kỹ sư người Pháp Ferdinand de Lesseps - người xây dựng kênh đào Suez của Ai Cập, đã khởi xướng vào năm 1880 và chỉ tiến triển được hơn 9 năm trước khi phá sản. Nguyên nhân do sốt rét, sốt vàng da và các bệnh nhiệt đới khác đã tàn phá lực lượng lao động, vì phải vật lộn với địa hình đặc biệt nguy hiểm và điều kiện làm việc khắc nghiệt trong rừng rậm, cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người.

Có rất ít khả năng Mỹ chiếm lại kênh đào Panama, trừ khi Mỹ xâm lược lần thứ 2 để giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama. Hiện Panama là đối tác của Mỹ trong việc ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ Nam Mỹ

Vào đầu thế kỷ 20, Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt, coi việc hoàn thành tuyến đường thủy này là ưu tiên hàng đầu. Lãnh thổ này vào thời điểm đó do Cộng hòa Colombia kiểm soát.

Nước này đã từ chối phê chuẩn Hiệp ước năm 1901 để cấp phép cho Mỹ xây dựng kênh đào. Tổng thống Roosevelt đã đáp trả bằng cách điều động các tàu chiến đến bờ biển Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Và một cuộc nổi loạn do Mỹ hậu thuẫn đã dẫn đến sự chia cắt Panama và Colombia, nước Cộng hòa Panama thành lập vào tháng 11-1903.

Theo đó, Mỹ cũng đã soạn thảo trước một bản hiến pháp sẵn sàng sau khi Panama giành được độc lập, và trao cho lực lượng Mỹ "quyền can thiệp vào bất kỳ khu vực nào của Panama". Cùng năm đó, Mỹ và nước cộng hòa mới thành lập đã ký một hiệp ước, Mỹ được quyền kiểm soát một dải đất dài 10 dặm để xây dựng kênh đào này.

Tại sao Mỹ từ bỏ quyền kiểm soát?

Kênh đào được hoàn thành vào năm 1914, củng cố vị thế của Mỹ như một siêu cường về kỹ thuật và công nghệ. Tính thực tế của kênh đào đã được chứng minh trong Thế chiến II, khi nó được sử dụng làm tuyến đường quan trọng cho nỗ lực chiến tranh của Đồng minh giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, mối quan hệ này dần tan rã, do những bất đồng về quyền kiểm soát kênh đào, cách đối xử với công nhân Panama, và những câu hỏi về việc liệu cờ Mỹ và Panama có nên được treo chung trên khu vực kênh đào hay không. Ngay từ khi kênh đào khai trương, một số người Panama đã bắt đầu đặt câu hỏi về tính hợp lệ về quyền kiểm soát của Mỹ, dẫn đến cái mà người dân nước này gọi là "cuộc đấu tranh thế hệ" để tiếp quản.

Căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào ngày 9-1-1964, khi các cuộc bạo loạn chống Mỹ dẫn đến một số người chết ở khu vực kênh đào, và hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao trong thời gian ngắn. Đến những năm 1970, khi chi phí hành chính tăng mạnh, Washington đã dành nhiều năm đàm phán với Panama để nhượng lại quyền kiểm soát tuyến đường thủy này.

Nhiều năm đàm phán để có một thỏa thuận công bằng hơn, đã dẫn đến 2 hiệp ước trong thời kỳ chính quyền của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter. Các thỏa thuận tuyên bố kênh đào là trung lập, mở cửa cho tất cả các tàu thuyền và quy định quyền kiểm soát chung của Mỹ và Panama đối với lãnh thổ này cho đến cuối năm 1999. Khi đó Panama sẽ được trao toàn quyền kiểm soát kênh đào.

Tổng thống Carter phát biểu trước người Mỹ sau khi các hiệp ước được ký kết, rằng “Mỹ sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của Panama, và hành động quân sự của Mỹ sẽ không bao giờ nhằm vào sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc nền độc lập chính trị của Panama”. Tuy nhiên, không phải ai cũng ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Carter.

Vào cuối những năm 1970, khi các hiệp ước chuyển giao đang được thảo luận và phê chuẩn, các cuộc thăm dò cho thấy khoảng một nửa người Mỹ phản đối. Trong bài phát biểu năm 1976, ứng cử viên Tổng thống khi đó là Ronald Reagan đã nói rằng “người dân Mỹ là chủ sở hữu hợp pháp của khu vực kênh đào”.

Căng thẳng về kênh đào lại leo thang vào cuối những năm 1980 dưới thời nhà độc tài quân sự Panama Manuel Noriega, người đã bị phế truất sau khi Mỹ tấn công Panama như một phần của “cuộc chiến chống ma túy”.

Và Mỹ có thể lấy lại kênh đào?

Ngay sau khi người Panama nắm quyền kiểm soát hoàn toàn kênh đào vào năm 2000, khối lượng vận chuyển nhanh chóng vượt quá khả năng của tuyến đường thủy này. Một dự án mở rộng lớn đã bắt đầu vào năm 2007 và hoàn thành gần 1 thập kỷ sau đó. Thế nhưng, gần đây khu vực xung quanh kênh đào đã trải qua hạn hán nghiêm trọng, dẫn đến mực nước thấp hơn, cản trở khả năng hoạt động bình thường của kênh đào. Các nhà chức trách kênh đào đã đặt ra các hạn chế đối với giao thông và áp dụng mức phí cao hơn.

Những khoản phí đó dường như là một phần trong lý do khiến ông Trump nổi giận. Tổng thống đắc cử cho biết Mỹ đang bị “lừa” và “tôi sẽ không chấp nhận điều đó”. Theo ông Trump, hiệp ước năm 1977 đã trao kênh đào cho Panama có những điều khoản bất công với Mỹ.

Tuy nhiên, Jorge Luis Quijano, người giữ chức vụ quản lý tuyến đường thủy này từ năm 2014-2019 cho biết: “Hiệp ước trung lập trao cho Mỹ quyền hành động nếu hoạt động của kênh đào bị đe dọa do xung đột quân sự, nhưng không phải để khẳng định lại quyền kiểm soát. Thực tế, không có điều khoản nào trong thỏa thuận trung lập cho phép lấy lại kênh đào”.

Ông Trump cho đến nay vẫn chưa nói cách ông có thể thực hiện lời đe dọa của mình, nhưng theo giới quan sát điều đó là không thể. “Có rất ít khả năng, trừ khi Mỹ xâm lược Panama lần thứ 2 để giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama"- Benjamin Gedan, Giám đốc Chương trình Mỹ Latinh tại Trung tâm Học giả quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, cho biết.

Ông Gedan cho rằng, lập trường của ông Trump đặc biệt khó hiểu, vì Tổng thống Mulino là người đã "có nhiều động thái chứng tỏ Panama muốn có mối quan hệ đặc biệt với Mỹ".

Ông cũng lưu ý rằng, Panama trong những năm gần đây đã xích lại gần Trung Quốc nên Mỹ cần phải duy trì mối quan hệ thân thiện với quốc gia Trung Mỹ này, thay vì chọn cách đối đầu. Đặc biệt, Panama cũng là đối tác của Mỹ trong việc ngăn chặn tình trạng nhập cư bất hợp pháp từ Nam Mỹ, cũng là chính sách lớn nhất của ông Trump hiện nay.

VĨNH CẨM

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/my-co-the-thu-hoi-kenh-dao-panama-post119581.html
Zalo