Muốn giải quyết hiệu quả vấn đề khí hậu, phải hiểu gốc rễ khí nhà kính phát thải từ nguồn nào?

Hiểu được gốc rễ của những nguồn phát thải khí nhà kính sẽ giúp cho các nhà quản lý định hướng được kế hoạch cắt giảm khí thải từ cấp quốc gia cho tới tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Sự phát triển trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, công nghiệp cho tới khoa học, công nghệ đã đem tới biết bao tiện ích cho nhân loại nhưng cũng là nguồn cơn gây ra biến đổi khí hậu. Nguồn cơn sự nổi giận của thiên nhiên đều bắt nguồn từ khí thải mang tên khí nhà kính. Tính từ năm 1990 đến 2021, lượng khí nhà kính toàn cầu đã tăng vọt 51%. Loại khí thải này đang khiến Trái đất nóng lên với tốc độ báo động, đồng thời góp phần gây ra những thảm họa thiên nhiên như bão, lũ lụt, hỏa hoạn và sóng nhiệt gay gắt.

Khí thải nhà kính đến từ đâu?

Nhận biết được gốc rễ nguồn gốc của phát thải chính là điều cần thiết để ngăn chặn nhiệt độ Trái đất tăng cao, xây dựng các giải pháp về khí hậu, đồng thời làm giảm thiểu tác động của thiên tai. Để giải quyết tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu, con người cần phải hiểu được nguyên nhân gốc rễ vấn đề. Theo công cụ thu thập dữ liệu Climate Watch của Viện Tài nguyên Thế giới (World Resources Institute - WRI), khí thải nhà kính chủ yếu do 5 ngành chính bao gồm: năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, chất thải và sử dụng đất.

 2 trong số những ngành phát thải khí nhà kính nhiều nhất toàn cầu.

2 trong số những ngành phát thải khí nhà kính nhiều nhất toàn cầu.

Xét theo ngành và mục đích sử dụng, ngành năng lượng phát thải nhiều nhất chiếm tới 75,7% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Ngành năng lượng bao gồm khí thải từ sản xuất điện và nhiệt chiếm 29,7%; giao thông vận tải chiếm 13,7%; sản xuất và xây dựng chiếm 12,7% và vận hành tòa nhà chiếm 6,6%. Ngoài ra, khí thải ra trong quá trình sản xuất và đốt nhiên liệu hóa thạch, các nhiên liệu khác cũng đều được xếp vào khí thải ngành năng lượng.

Có thể ít để ý tới nhưng các tòa nhà chiếm tỷ trọng phát thải lớn nhất của ngành năng lượng với 12,5% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Cụ thể, khí nhà kính của tòa nhà bao gồm các hoạt động sản xuất nhiệt, điện và sử dụng trực tiếp nhiên liệu hóa thạch như khí gas như nấu ăn hay sưởi ấm…

Bên cạnh năng lượng là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất thì tổng các nghành phi năng lượng còn lại mới chiếm khoảng ¼ tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Trong đó, nông nghiệp là ngành phát thải lớn thứ hai chỉ sau năng lượng với 11,7% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Nguồn phát thải chính của ngành nông nghiệp xuất phát từ chăn nuôi gia súc và trồng trọt đất nông nghiệp.

Xếp thứ ba là ngành công nghiệp với 6,5% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Lượng khí thải này đến từ các hoạt động sản xuất hóa chất, xi măng và các sản phẩm khác. Ngoài ra, lượng khí thải từ bãi chôn lấp như metan, nitơ cũng chiếm một phần không nhỏ tương đương 3,4% tổng lượng khí nhà kính toàn cầu. Chiếm ít lượng khí nhà kính nhất là lâm nghiệp và sử dụng đất chỉ với 2,7%. Tổng lượng khí nhà kính do ngành này thải ra bao gồm đất và rừng.

Mặc dù lượng khí thải không chiếm nhiều bằng các ngành khác nhưng công nghiệp lại có tốc độ phát thải nhanh nhất. Kể từ năm 1990 đến nay, 4 nguồn phát thải tăng trưởng nhanh nhất bao gồm quy trình công nghiệp tăng 225%; nhiệt và điện tăng 88%; giao thông vận tải tăng 66% và sản xuất - xây dựng tăng 60%.

Muốn giải quyết triệt để vấn đề biến đổi khí hậu, phải hiểu được gốc rễ

Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải có góc nhìn sâu rộng hơn khi xây dựng kế hoạch hành động gìn giữ khí hậu. Cụ thể, ngoài những thông tin về phát thải, chúng ta cần nắm được mục đích sử dụng cuối cùng của ngành hay cách các ngành tương tác với nhau như thế nào để tránh bị gò bó và hạn hẹn trong tầm nhìn.

 Biến đổi khí hậu 92% là do việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra. Ảnh: News weekly.

Biến đổi khí hậu 92% là do việc con người sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ra. Ảnh: News weekly.

Có thể thấy, 29,7% lượng khí nhà kính đến từ năng lượng bao gồm nhiệt điện. Trong đó, điện cho các tòa nhà chiếm 7,5%. Khi phân tích theo các nhánh nhỏ, các nhà quản lý sẽ nhìn nhận thấy dòng chảy của khí nhà kính trong nền kinh tế như thế nào, từ đó quyết định phải hành động thắt chặt tại đâu để giảm khí thải.

Trong những năm gần đây, thế giới càng ngày phải đối mặt với những hậu quả chết người do biến đổi khí hậu gây ra. Để tránh bị tác động nguy hiểm và tốn kém từ biến đổi khí hậu, toàn cầu cần giữ cho nhiệt độ Trái đất không nóng quá 1,5 độ C. Theo đúng quy tắc giải quyết từ gốc rễ, các nền kinh tế lớn, phát thải cao cần phải thúc đẩy kế hoạch khí hậu của mình hơn nữa. Ngoài kế hoạch khí hậu quốc gia NDC, các quốc gia giàu có cần có chiến lược khí hậu dài hạn để đạt được Net Zero càng sớm càng tốt.

Hơn thế, các nguồn phát thải lớn nhất hiện nay cần được ưu tiên xóa bỏ hoặc cắt giảm hàng đầu. Muốn làm được điều này, các quốc gia cần có những chuyển đổi thần tốc và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực và hệ thống. Đơn giản như muốn giảm khí nhà kính của ngành năng lượng, các quốc gia phải cùng nỗ lực bỏ đốt than cho sản xuất điện. Cùng với đó là tăng cường sử dụng nhiên liệu carbon thấp trong giao thông vận tải, ngăn chặn nạn phá rừng và mở rộng quỹ tài chính khí hậu.

Cát Ân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/muon-giai-quyet-hieu-qua-van-de-khi-hau-phai-hieu-goc-re-khi-nha-kinh-phat-thai-tu-nguon-nao-96073.html
Zalo