Muốn bớt thói xấu nơi công cộng, người lớn làm gương trẻ sẽ biết tự học hỏi

Việc giáo dục văn hóa ứng xử và tham gia giao thông là hoạt động vô cùng cần thiết giúp các em học sinh hình thành nhân cách, góp phần tạo nên xã hội văn minh.

Tình trạng tham gia giao thông “điền vào chỗ trống” từ lâu đã trở thành một hiện tượng xấu, gây ùn tắc giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị đã luôn là một vấn đề nhức nhối, báo động đến văn hóa tham gia giao thông của một bộ phận người dân.

Gần đây nhất, sự việc du khách (cả người lớn và trẻ nhỏ) trèo lên hiện vật ở bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, thậm chí còn phơi quần áo trên lan can, ăn uống vương vãi ra sàn,...đã tạo nên hình ảnh xấu xí, phản cảm cho du khách cùng tham quan.

Nhiều ý kiến cho rằng, sự việc trên như một hồi chuông cảnh tỉnh về văn hóa ứng xử nơi công cộng của một bộ phận người dân. Cũng từ đó, đặt ra những băn khoăn về việc phổ biến, giáo dục văn hóa tham gia giao thông, văn hóa ứng xử cho người dân, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh.

Những cư xử thiếu chuẩn mực trong xã hội có thể ảnh hưởng tới nhận thức của thế hệ trẻ

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Lộc - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ba Tơ (Quảng Ngãi) chia sẻ: “Cả hai tình trạng trên có thể gây ra nhiều hệ lụy cho giới trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học sinh.

Ở độ tuổi của các em, rất dễ bị tác động bởi những việc làm sai trái, thiếu văn hóa bởi các em nghĩ rằng đó là việc làm bình thường. Điều này rất nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và quá trình hình thành nhân cách của các em.

Tình trạng này có thể khiến các bạn trẻ vô cảm trước những hiện tượng, sự việc xảy ra xung quanh mình, trong đó, có việc tham gia giao thông, các em sẽ thiếu trách nhiệm với mọi người và chính bản thân mình”.

Cô Hoàng Thị Bích Thu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) cho biết, khi tham gia các hoạt động trong cộng đồng, tham quan những danh thắng lịch sử nhà trường quan tâm công tác chuẩn bị, xây dựng kế hoạch, phân công phụ trách quản lý, hướng dẫn học sinh,...Đặc biệt, giáo dục học sinh ý thức trách nhiệm thực hiện các quy định nơi đến tham quan, giữ gìn bảo tồn để lan tỏa những ý nghĩa giáo dục truyền thống, trong đó giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Từ nhiều năm nay, Trường Tiểu học Ái Mộ B luôn quan tâm đến xây dựng văn hóa ứng xử cho học sinh thông qua nhiều hoạt động giáo dục phong phú, đa dạng.

“Có thể nói rằng, hiện tượng trèo lên hiện vật ở Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam vừa qua là một sự lo lắng trong việc giáo dục học sinh. Điều này chứng tỏ vẫn còn sự xao nhãng trong công tác giáo dục các em về văn hóa ứng xử.

Theo tôi, các nhà trường cần có nhiều hơn nữa những hoạt động tích cực rèn luyện kỹ năng, thói quen tốt cho các em trong văn hóa ứng xử”, cô Thu chia sẻ.

 Một số hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Một số hoạt động giáo dục của Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Cô Kmah Ri Lan - Giáo viên chủ nhiệm lớp 9B, Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) cho hay, hiện tượng tham gia giao thông hay trèo lên hiện vật ở bảo tàng chủ yếu xuất phát từ ý thức của bộ phận du khách, người lớn chưa có những chỉ dẫn con cái về văn hóa ứng xử nơi công cộng.

“Theo tôi, các em học sinh rất dễ bị tác động bởi những việc làm sai trái, thiếu văn hóa vì các em nghĩ rằng đó là điều bình thường. Thấy người lớn làm thì các em bắt chước làm theo.

Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Tơ ý thức được rằng một hành động nhỏ thiếu văn hóa của các em có thể sẽ ảnh hưởng tới nhiều hành động khác. Do vậy, nhà trường, các thầy cô giáo thường xuyên giáo dục và tuyên truyền về văn hóa ứng xử nơi công cộng, văn hóa tham gia giao thông, giúp các em tự ý thức được hành động của mình để có những cư xử văn minh, lịch sự trong nhà trường và nơi công cộng”, cô Lan cho biết.

Các nhà trường cần xây dựng bộ quy tắc về văn hóa ứng xử

Để giáo dục văn hóa ứng xử trong nhà trường và nơi công cộng, văn hóa tham gia giao thông cho học sinh, Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như:

Phổ biến, giáo dục học sinh thực hiện tốt bộ quy tắc ứng xử văn hóa của nhà trường, nội quy học sinh. Trong đó, có những điều khoản quy định cụ thể về văn hóa tham gia giao thông, văn hóa ứng xử trong nhà trường và nơi công cộng.

Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức cho học sinh ký cam kết việc thực hiện nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, gắn trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm lớp đối với việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.

Xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, ban hành quy chế hoạt động và các quy định cụ thể về thực hiện cổng trường an toàn giao thông đối với thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh.

Thầy Lộc cho hay, nhằm giáo dục nhận thức cho học sinh, giúp các em có kỹ năng và văn hóa trong tham gia giao thông, ứng xử ngoài cộng đồng, trong các hoạt động, nội dung giáo dục của nhà trường đều lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử, an toàn giao thông. Bên cạnh đó, nhà trường cũng tổ chức dạy học gắn với di sản một cách phù hợp, việc này giúp các em tôn trọng, yêu và trân quý các giá trị lịch sử của địa phương, đất nước.

 Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024. Ảnh: NTCC.

Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) hưởng ứng chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2024. Ảnh: NTCC.

“Trường Trung học cơ sở Ba Tơ thường xuyên tổ chức các cuộc thi, sân khấu hóa, sinh hoạt chuyên đề để tăng cường giáo dục học sinh về văn hóa ứng xử, văn hóa tham gia giao thông.

Đặc biệt, nhà trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, các cuộc hành trình "Đến địa chỉ đỏ" để giáo dục học sinh về lòng yêu nước, yêu lịch sử, yêu cái đẹp, giúp các em sống có nghĩa, có tình, văn minh hơn, góp phần nâng cao nhận thức và hình thành nhân cách cho các em”, thầy Lộc nhấn mạnh.

 Hành trình "Đến địa chỉ đỏ" là hoạt động nhằm giáo dục học sinh về lòng yêu nước, yêu lịch sử địa phương, đất nước. Ảnh: NTCC.

Hành trình "Đến địa chỉ đỏ" là hoạt động nhằm giáo dục học sinh về lòng yêu nước, yêu lịch sử địa phương, đất nước. Ảnh: NTCC.

Theo vị hiệu trưởng, công tác giáo dục văn hóa ứng xử, văn hóa tham gia giao thông cho học sinh nhà trường rất cần sự đồng hành của phụ huynh. Phụ huynh cần có trách nhiệm nêu gương và phối hợp với nhà trường để cùng giáo dục văn hóa tham gia giao thông, văn hóa ứng xử cho các em. Song song với đó, các thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên trong nhà trường cần có lối sống chuẩn mực, hành vi đúng đắn trong mọi vấn đề, đặc biệt trong văn hóa ứng xử và văn hóa tham gia giao thông để làm gương cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi không có quan niệm rằng học sinh phải chào các thầy cô giáo trước. Đôi lúc các em đang mải chơi, khi đi qua các thầy cô chủ động chào các em, và các em cũng sẽ chào lại.

Việc tạo thói quen cho học sinh cũng cần xuất phát từ sự chủ động của các thầy cô giáo, không phải là các em không chào thì sẽ bị phê bình, nhắc nhở, mà các thầy cô sẽ là người làm gương”.

Về việc tham gia giao thông, nhà trường gửi đến phụ huynh học sinh với thông điệp hãy cùng nhà trường xây dựng cho các con thói quen đội mũ bảo hiểm, tham gia giao thông có văn hóa và đảm bảo an toàn.

Cô Thu nhấn mạnh, quan điểm của Trường Tiểu học Ái mộ B (Long Biên, Hà Nội) là rèn luyện thói quen tốt cho học sinh, khi thói quen được hình thành sẽ đi theo lối sống của các em và gắn kết chặt chẽ trong quá trình hình thành nhân cách, giúp các em trở thành những công dân văn minh, lịch thiệp.

 Học sinh Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) được rèn luyện thói chào hỏi, lễ phép với người lớn. Ảnh: NTCC.

Học sinh Trường Tiểu học Ái Mộ B (Long Biên, Hà Nội) được rèn luyện thói chào hỏi, lễ phép với người lớn. Ảnh: NTCC.

Cô Kmah Ri Lan chia sẻ, dựa trên nội quy chung của nhà trường, cô sẽ tổ chức cho các em học sinh xây dựng nội quy riêng của lớp. Nội quy sẽ do các em học sinh trong lớp cùng thảo luận, soạn thảo và đưa ra thống nhất chung, đồng thời các em phải đảm bảo thực hiện tốt 100%. Điều này sẽ giúp các em tự ý thức, trách nhiệm với những nội quy mình đã đề ra.

“Tôi không áp đặt các em phải thực hiện mà chỉ định hướng các em theo các nội quy của nhà trường. Từ việc các em tự đề ra nội quy, tôi nghĩ sẽ giúp các em sẽ thực hiện với tinh thần tự giác cao hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng thường xuyên trao đổi, phối hợp với phụ huynh để cùng giáo dục các em về văn hóa ứng xử, văn hóa tham gia giao thông để đạt hiệu quả tốt nhất.

Theo tôi, việc đồng hành với phụ huynh trong giáo dục văn hóa ứng xử, văn hóa tham gia giao thông cho các em là vô cùng cần thiết. Để khi ở lớp, giáo viên sẽ là người đồng hành cùng các em và phụ huynh sẽ là người quan tâm đến các em khi ở nhà.

Là giáo viên chủ nhiệm, tôi thấy mình cũng giống như người mẹ thứ hai của các em, vì vậy tôi luôn lắng nghe và thấu hiểu những chia sẻ của các em để cùng phụ huynh đưa ra các định hướng đúng đắn giúp các em thực hiện tốt những gì đã đề ra”, cô Lan chia sẻ.

Chia sẻ về hiệu quả của những phương pháp giáo dục đã áp dụng, cô Lan cho hay, ban đầu, những lớp do cô chủ nhiệm rất nhiều học sinh vi phạm nội quy nhà trường nhưng sau khi áp dụng phương pháp giáo dục linh hoạt, "giao quyền" chủ động, các bạn đều hợp tác và cho thấy kết quả rất tích cực.

 Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp với Chủ đề "Trách nhiệm với bản thân" - "Em với tác phong Quân đội" của học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: NTCC.

Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp với Chủ đề "Trách nhiệm với bản thân" - "Em với tác phong Quân đội" của học sinh Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ảnh: NTCC.

Nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, văn minh với những hành động đẹp trong cách ứng xử và tham gia giao thông, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Ba Tơ (Quảng Ngãi) đề xuất các nhà trường cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa phù hợp. Đồng thời, đề cao việc ứng xử văn hóa giữa cá nhân với cá nhân và với tập thể; gắn yếu tố văn hóa vào trong quá trình làm việc và thực hiện mọi lúc, mọi nơi.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về quy tắc giao thông đường bộ để tạo ý thức tốt và thói quen chấp hành luật khi tham gia giao thông.

“Các nhà trường cần tổ chức tốt Tổ Giáo dục pháp luật, Tổ Tư vấn học sinh nhằm hỗ trợ, tư vấn kịp thời cho học sinh về mọi vấn đề, trong đó, lồng ghép giáo dục văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông.

Về phía các cơ quan quản lý, cần thực thi nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch, nghiêm túc để tạo sự răn đe chung đối với các trường hợp vi phạm, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh", thầy Nguyễn Văn Lộc cho hay.

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn nhận được các bài viết từ chính các em học sinh, sinh viên, thầy cô, quý độc giả chia sẻ quan điểm, góp ý giải pháp làm sao để hạn chế thói xấu trong một bộ phận giới trẻ, học sinh hiện nay, từ đó nhân lên lối sống đẹp trong học sinh, nhà trường và xã hội nói chung. Bài viết vui lòng gửi về mail toasoan@giaoduc.net.vn.

Thúy Quỳnh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/muon-bot-thoi-xau-noi-cong-cong-nguoi-lon-lam-guong-tre-se-biet-tu-hoc-hoi-post247790.gd
Zalo