Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long đồng lòng mục tiêu 'thoát trũng'

Giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có bước tiến bứt phá, nhiều chỉ số quan trọng được cải thiện, tiệm cận với mức bình quân của cả nước.

Học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ). Ảnh: Thành Thật

Học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng (TP Cần Thơ). Ảnh: Thành Thật

Để “thoát trũng” và phát triển bền vững, ngành Giáo dục vùng này cần những giải pháp phù hợp, khắc phục khó khăn và vượt lên trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau: Tháo gỡ… điểm nghẽn

 Ông Nguyễn Minh Luân.

Ông Nguyễn Minh Luân.

Xuất phát điểm giáo dục ĐBSCL thấp, điều đó chúng ta đều biết. Nhưng, ngoài yếu tố có tính lịch sử, vấn đề căn cốt của vùng là chưa làm tốt công tác đánh giá cơ cấu, phân bổ nguồn nhân lực để có quy hoạch, điều chỉnh đáp ứng kịp thời cho phát triển kinh tế và sự tiến bộ của xã hội. Trong khi đó, những “điểm nghẽn” của giáo dục như việc phân bổ nguồn lực đầu tư còn hạn chế, thiếu đồng bộ, giải pháp chưa đủ mạnh.

Đối với nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách thì thiếu định hướng, thông tin; đưa ra khuyến cáo không kịp thời... Mặc dù chúng ta rất cố gắng, nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai, nhưng tác dụng và hiệu quả chưa được như mong muốn.

Vấn đề đầu tiên là phải khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là những môn còn thiếu ở cấp tiểu học, như: Ngoại ngữ, Mỹ thuật, Tin học, Âm nhạc... Ở cấp trung học là Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Quốc phòng - An ninh và các môn tổ hợp đáp ứng Chương trình GDPT 2018. Ngay cấp học mầm non cũng rất thiếu.

Từng địa phương cần có chính sách đặt hàng, gắn liền với rà soát nhu cầu trước mắt và tầm nhìn cho năm, mười năm tới. Chính sách đặt hàng nếu làm tốt chắc chắn sẽ thu hút được học sinh giỏi đi theo nghề sư phạm. Việc này, Bộ GD&ĐT chỉ tạo cơ chế, không nên giữ vai trò điều phối, cứ giao cho địa phương và trường đại học tự phối hợp thực hiện.

Thứ hai là quan tâm đến nguồn nhân lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số ở các địa phương trong vùng. Nguồn nhân lực này đang thiếu cả về số lượng và người đảm đương được công việc. Điều này không chỉ ở khu vực công mà ngay cả khu vực tư cũng thiếu. Việc gì cũng vậy, điều kiện tiên quyết vẫn là con người và chuyển đổi số.

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu này càng cao và cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhân lực số nhất định phải được các nhà hoạch định tính toán và có giải pháp mạnh mẽ để cả vùng không vấp phải những sai lầm tương tự và không bị thua ngay trên “sân nhà”.

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ: Nhiệm vụ chiến lược là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ

 Ông Trần Thanh Bình.

Ông Trần Thanh Bình.

TP Cần Thơ hiện có trên 13.000 công chức, viên chức, người lao động ngành GD-ĐT. Thời gian qua, các thầy, cô giáo luôn vững vàng về bản lĩnh chính trị, tận tụy, tâm huyết với nghề, qua đó góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển GD-ĐT, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên ở các cấp học, bậc học; tỷ lệ học sinh giỏi các cấp không ngừng tăng; công tác giáo dục mũi nhọn được chú trọng, nhiều học sinh đoạt giải cao tại các cuộc thi quốc gia, quốc tế và luôn giữ vị trí dẫn đầu khu vực ĐBSCL.

Ngành Giáo dục thành phố xác định khó khăn hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp, bậc học; nhất là thiếu giáo viên cấp tiểu học. Giải pháp tháo gỡ trước nhất là thực hiện việc tuyển dụng bổ sung. Đối với các đơn vị trực thuộc, sở chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức tuyển dụng bổ sung giáo viên giảng dạy. Đối với các đơn vị do quận, huyện quản lý, đề nghị UBND quận, huyện chỉ đạo phòng Nội vụ, phòng GD&ĐT khẩn trương tham mưu thực hiện việc tuyển dụng viên chức bổ sung cho số lượng giáo viên còn thiếu…

Năm 2024, ngành GD-ĐT thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như chú trọng phát huy truyền thống cao quý của nhà giáo; đẩy mạnh thực hiện công tác đổi mới căn bản công tác quản lý GD-ĐT. Để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp, thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành tăng cường công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Xem đào tạo, bồi dưỡng là nhiệm vụ chiến lược trong việc phát triển đội ngũ nhà giáo. Trong đào tạo phải gắn với nhu cầu, theo địa chỉ; kết hợp đồng thời đào tạo với nâng cao chất lượng tuyển sinh các ngành sư phạm.

Tháng 2/2023, tại Hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá, giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL trong 10 năm qua có bước tiến, bứt phá với nhiều kết quả quan trọng. “Căn cứ vào minh chứng các số liệu có thể khẳng định, ĐBSCL đã thoát khỏi “vùng trũng” về giáo dục, thậm chí còn có những điểm khả quan, đáng mừng”, Bộ trưởng nói.

Ngành còn phối hợp với các cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng giáo viên với nội dung như: Bồi dưỡng giáo viên dạy các môn học mới, đào tạo văn bằng 2… Bên cạnh đó, đa dạng nội dung, hình thức bồi dưỡng: Thường xuyên, chuyên đề, nâng cao trình độ lý luận chính trị… gắn việc bồi dưỡng lý thuyết với tham quan các mô hình tốt, cách làm hay, những hoạt động chia sẻ kinh nghiệm…

Với sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố; phối hợp, hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương; chung tay góp sức của nhân dân đối với sự phát triển giáo dục thành phố và sự nỗ lực quyết tâm của đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo toàn ngành. Tin tưởng rằng, ngành GD-ĐT thành phố sẽ tiếp tục duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về giáo dục được giao; hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố…

ThS Hồ Sỹ Anh - chuyên gia giáo dục: Kết quả khả quan

 ThS Hồ Sỹ Anh.

ThS Hồ Sỹ Anh.

Dù còn nhiều khó khăn, nhưng chất lượng giáo dục phổ thông vùng ĐBSCL có nhiều tiến bộ, thoát khỏi “vùng trũng” và có sự bứt phá về chất lượng giáo dục THPT từ kết quả các kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024. Trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, sự quan tâm của chính quyền các địa phương, chất lượng giáo dục của ĐBSCL đã đạt được những kết quả quan trọng.

Trên cơ sở trung bình điểm thi (TBĐT) tốt nghiệp THPT từng năm của các địa phương trong cả nước do Bộ GD&ĐT công bố. Trong đó, TBĐT của ĐBSCL xếp thứ 3 trong 6 vùng của cả 5 kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời bình quân TBĐT 5 năm của vùng này đạt 6,48 (gần mức khá, theo cách tính của tác giả - PV).

Với kết quả này, có thể khẳng định rằng, chất lượng giáo dục đại trà cấp THPT của vùng ĐBSCL đã thoát khỏi vùng trũng, khi kết quả luôn xếp cao hơn miền Trung, Tây Nguyên và miền núi phía Bắc. Một số địa phương như An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp… có TBĐT cao hơn bình quân toàn quốc. Đáng chú ý, An Giang là địa phương có 3 năm (2020, 2021, 2023), Bạc Liêu có 2 năm (2020, 2021) và Vĩnh Long có 1 năm (năm 2021) đứng trong top 10 toàn quốc.

Giai đoạn 2010 - 2024, các ngành, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng. Phổ cập giáo dục tiểu học và THCS được củng cố, từng bước đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Giai đoạn 2010 - 2020, cơ sở giáo dục đại học tăng từ 13 lên 21 và quy mô sinh viên tăng từ 42.500 lên hơn 149.700.

Mặc dù, một số địa phương đạt kết quả chưa cao, như Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, nhưng kết quả chung toàn vùng xếp thứ 3 trong 6 vùng của cả nước là một thành tựu đáng ghi nhận và tự hào của giáo dục vùng ĐBSCL trong giai đoạn 2020 - 2024. Thành tựu này khẳng định vùng ĐBSCL đã thoát khỏi “vùng trũng” về chất lượng giáo dục.

Bước vào giai đoạn mới, các địa phương vùng ĐBSCL cần tuyên truyền cho xã hội biết về chính sách, chủ trương tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tuyên truyền cho xã hội biết những thành tựu cũng như hạn chế khó khăn của từng địa phương để tạo sự đồng thuận của xã hội, giữ vững và phát huy thành tựu đã đạt được trong 5 năm qua.

Đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên đảm bảo tăng tỷ lệ huy động học sinh các cấp học đến trường, từ mầm non, tiểu học, THCS, THPT và sau THPT. Ngành Giáo dục và nhà trường thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện về dạy và học, đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi cử theo các yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực quy định trong chương trình.

Đổi mới toàn diện các kỳ thi, như thi tuyển sinh THPT, thi học sinh giỏi, thi giáo viên dạy giỏi. Đặc biệt là Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 - kỳ thi đánh dấu mốc quan trọng khi chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực học sinh nói chung và phát huy cao nhất khả năng, tiềm năng của mỗi cá nhân.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, điểm bình quân của học sinh tỉnh Trà Vinh đạt 6,63 (tăng 0,56 điểm so với cùng kỳ). Đặc biệt, điểm thi môn Ngữ văn, học sinh của tỉnh đạt trung bình 8,094 điểm, đứng thứ 2 trong 63 tỉnh thành, tăng 49 bậc so với năm 2023. Bà Nguyễn Thị Bạch Vân - Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh cho biết: Chất lượng giáo dục nói chung, dạy học bộ môn Ngữ văn nói riêng được đánh giá dựa trên quá trình dạy học trong năm kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT. Kết quả này cho thấy sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của tỉnh, ngành Giáo dục, nhà trường, các bậc phụ huynh, từng thầy cô và nhất là sự nỗ lực vươn lên của từng học sinh.

Quốc Ngữ - Lê Nam (Thực hiện)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc-dong-bang-song-cuu-long-dong-long-muc-tieu-thoat-trung-post712187.html
Zalo