Đề xuất thành lập Trường THCS và THPT Sư phạm tại Vĩnh Phúc
Đề xuất thành lập Trường THCS và THPT Sư phạm trực thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tại tỉnh Vĩnh Phúc được cho là sẽ góp phần giải quyết được nhu cầu học tập bậc THCS và THPT, giúp người học có thêm lựa chọn môi trường học tập chất lượng cao sau khi tốt nghiệp THCS.
Đề xuất thêm môi trường học tập chất lượng cao
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 vừa có công văn đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc cho phép thành lập Trường THCS và THPT Sư phạm, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2025-2026 với quy mô 440 học sinh gồm 2 lớp 6; 7 lớp 10; và 1 lớp 11.
Theo nội dung đề xuất của nhà trường gửi UBND tỉnh và Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, Trường THCS và THPT Sư phạm có địa điểm nằm trong khuôn viên giảng đường của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (tại phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên).
Trường sẽ hoạt động theo mô hình tự chủ về tài chính, đây cũng là mô hình mới trên địa bàn. Tỉnh Vĩnh Phúc không cần đầu tư cơ sở vật chất và đội ngũ, bởi Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ tận dụng, phát huy tiềm lực về cơ sở vật chất tại chỗ và đội ngũ hiện có.
Nội dung đề xuất của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cũng cho biết, hiện tại, nhà trường có đội ngũ đông đảo giảng viên trình độ cao, đã tham gia xây dựng chính sách giáo dục quốc gia, chủ biên sách giáo khoa các cấp học, bồi dưỡng phát triển chương trình giáo dục cho giáo viên cốt cán của nhiều địa phương, có kinh nghiệm giảng dạy, tư vấn tâm lý học đường, giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; cơ sở vật chất hiện đại (giảng đường, phòng thí nghiệm về công nghệ sinh học, công nghệ vật lý, hóa học…)”.
Theo phân tích của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, điều kiện hiện có của hệ thống giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Phúc Yên nói riêng (gồm 3 trường THPT; 1 trung tâm GDNN-GDTX; 12 trường THCS; 12 trường tiểu học; 17 trường mầm non), đặc biệt ở cấp THCS, THPT là chưa đáp ứng được so với nhu cầu học tập của người học, khi mà dân số cơ học được dự báo tăng nhanh các năm tới.
Việc đào tạo bậc THCS và THPT trong trường là một trong những hướng đi quan trọng trong việc tạo một cơ sở thực hành sư phạm, là nơi triển khai và ứng dụng các thành tựu mới về nghiên cứu khoa học giáo dục. Mặt khác, Trường THCS và THPT Sư phạm (được thành lập) cũng là nguồn đầu vào chất lượng cao cho đào tạo bậc đại học. Do vậy, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 chủ trương đầu tư thỏa đáng việc phát triển trường THCS và THPT trong giai đoạn sắp tới.
Theo dự kiến, quy mô tuyển sinh khối THPT của trường sẽ lên đến gần 1.000 học sinh tính đến năm học 2027-2028; khối THCS sẽ đạt trên 300 học sinh đến năm học 2028-2029.
Giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10 ngay từ năm học 2025 - 2026
Liên quan đến nội dung này, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, việc đề xuất thành lập Trường THCS và THPT Sư phạm diễn ra đúng thời điểm ngành GD&ĐT Vĩnh Phúc đang tập trung tham mưu với tỉnh thực hiện nhiều giải pháp tổng thể để giải quyết các vấn đề: tình trạng thiếu/quá tải trường lớp; giảm bớt áp lực thi cử, tăng tỷ lệ học sinh được vào học THPT công lập sau khi tốt nghiệp THCS; thiếu đội ngũ, cơ sở vật chất trường học nhiều nơi xuống cấp… nhằm bảo đảm mục tiêu duy trì, giữ vững vị trí chất lượng giáo dục. Đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các mục tiêu của Đề án Phát triển giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo ông Nguyễn Phú Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học tiếp cấp THPT của tỉnh Vĩnh Phúc giảm dần, từ khoảng 70% năm 2019 xuống còn khoảng 63% năm 2024. Điều này đã tạo áp lực rất lớn đối với xã hội trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT.
Sở GD&ĐT đang khẩn trương tham mưu UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh phân luồng theo hướng, tăng số lượng học sinh lớp 9 được tuyển vào lớp 10 bảo đảm nguyên tắc không tăng số lớp, không tăng giáo viên so với năm học 2024-2025, chỉ tăng số học sinh/lớp (từ 40 lên 45 học sinh/lớp).
“Cấp THPT công lập toàn tỉnh hiện có 1.100 lớp. Nếu tăng mỗi lớp 5 học sinh, ngay từ lớp 10 năm học tới, sẽ có thêm từ 1.500-1.700 học sinh được vào THPT công lập với quy mô khoảng 350 lớp, tương đương với mức tăng 10%, nâng tỷ lệ phân luồng từ 63% học sinh học lớp 10 công lập năm học 2024-2025 lên 73% vào năm học tới. Các giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ đề xuất tỉnh cho phép tăng từ 80 đến trên 80% học sinh vào lớp 10 công lập” - ông Nguyễn Phú Sơn cho biết.