Mùa xuân - Miền cội nguồn ý nghĩa!
Từ miền thượng nguồn nguyên thủy, dòng xuân mùa xuân chảy vào văn hóa nhân loại làm sinh sôi, nảy nở, tốt tươi biết bao những rừng cây biểu tượng mới. Xin phép được đi tìm những cội nguồn ý nghĩa ban đầu.
Thần thoại Hy Lạp kể, trong một thung lũng đẹp như cảnh thần tiên, Pecxêphôn cùng bầy tiên nữ tung tăng chơi đùa ngắm hoa nở, nghe chim hót, cùng nhau vui đùa dưới ánh mặt trời ấm áp... Bỗng nàng Pecxêphôn bị rơi xuống vực thẳm. Đang trên Ôlanhpơ thiên giới, nữ thần Ðêmête vĩ đại - vị thần Lúa mì, đất đai, trồng trọt và mùa màng lao vút xuống hạ giới tìm con.
Đi khắp nơi, đến ngày thứ mười, thần Mặt trời Hêliôt báo cho biết con nàng bị thần cai quản thế giới âm phủ Hađet bắt xuống đó làm vợ. Quá đau đớn, nữ thần biến thành một bà già mặc áo dài đen, đi lang thang ở thành Aten. Vì không còn ai trông nom đất đai, cây cỏ, hoa màu, không có mưa móc, đất đai khô cằn, cây cỏ rũ héo... Dớt vội triệu tập một buổi họp đặc biệt để tìm giải pháp đối phó. Chỉ có một cách là mời Ðêmête trở về. Nhưng đều thất bại... Dớt đành hạ lệnh Hađet phải trả lại Pecxêphôn cho mẹ nàng!
![Tranh minh họa Nữ thần Pecxêphôn vui đùa cùng bầy tiên nữ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_285_51444997/fd7b354b0105e85bb114.jpg)
Tranh minh họa Nữ thần Pecxêphôn vui đùa cùng bầy tiên nữ.
Vui mừng cực độ, Pecxêphôn không hề biết Hađet dễ dàng chịu thua cuộc. Hắn đã dùng phép lạ để nàng không rời bỏ hẳn được cõi âm.
Trở về với trần gian là được về với thế giới của ánh sáng, hoa thơm và cỏ ngọt. Đang đau đớn buồn bã, được gặp mẹ, khuôn mặt Pecxêphôn bừng lên hạnh phúc rạng rỡ. Nàng từ cõi chết về với cõi sống. Nhưng, mỗi năm do bùa phép thâm hiểm của Hađet, nàng phải xa mẹ bốn tháng để xuống âm phủ chịu kiếp làm vợ vị chúa tể âm ty. Đó là những ngày buồn của cả thế gian, cây trên cành gầy guộc. Lá úa vàng, rụng rơi. Đất khô rắn lại. Sông hồ đóng băng... Tất cả một màu thê lương. Đó là những ngày cuối thu và suốt cả mùa đông... Tuần hoàn một năm, khi Pecxêphôn từ âm phủ trở về là đầu xuân sinh sôi ấm áp rồi mùa hè rực rỡ tràn trề sức sống, tiếp đến là mùa thu óng ả nhưng đượm buồn màu của chia ly...
Tên gọi Pecxêphôn, theo nghĩa Hy Lạp cổ vừa có nghĩa là "mang lại, đem đến" vừa có nghĩa "gây ra cái chết". Thì ra cái triết lý sâu xa của người cổ xưa thật thâm thúy: trong sinh sôi có chứa mầm hủy diệt, trong phát triển đã có sự lụi tàn. Một năm nàng Pecxêphôn được hưởng chín tháng hạnh phúc, chỉ phải chịu bốn tháng buồn đau. Là con yêu của vị thần trông coi Hạnh phúc còn thế, huống là con người thường? Trong quy luật đời sống, cái chết là sự kết thúc nhưng mở ra sự sống khác. Cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác mở ra.
Về sau nhân loại mới hiểu câu chuyện nói về chu trình sự sống cũng chính là chu trình gieo trồng: giống gieo xuống đất hay nàng Hađet bị bắt cóc xuống âm ty; sẽ thành những hạt mầm khi Hađet hợp nguyên vai trò vừa là tiên vừa là vợ vua âm phủ; được trở về với mẹ Ðêmête sẽ nảy mầm hy vọng tốt tươi… Đó là một quá trình gieo mầm, cựa mình "hoài thai" rồi nảy nở… của thế giới thực vật, bắt đầu là chồi nụ mùa xuân rồi kết trái vào mùa thu… Vì lẽ này nhân loại coi Pecxêphôn vừa là nữ thần Mùa xuân cũng là nữ thần Thiên nhiên (goddess of Nature).
Thế là mùa xuân trở thành biểu tượng của sinh sôi, nảy nở, phát triển và hy vọng.
Thần thoại Hy Lạp còn có câu chuyện tiếng sáo thần Pan chăn dê - vị thần của sự hoang dã đồng quê, của những người du mục cùng các đàn gia súc, của tự nhiên và những ngọn núi hoang vu cùng việc săn bắn. Sau này âm nhạc đồng quê tôn Pan làm ông Tổ. Bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp "pan" có nghĩa là "gặm cỏ", có hình thù một nửa thân dưới của loài dê, lại có cặp sừng dê nên Pan được xem là vị thần của những cánh đồng, những khu rừng nhỏ và thung lũng nên được gắn với khả năng sinh sôi và mùa xuân.
![Một màn hát Xoan.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_11_285_51444997/0dc0d8f0ecbe05e05caf.jpg)
Một màn hát Xoan.
Văn hóa thảo nguyên phương Đông tôn loài sói là vật tổ (totem) cũng có nét nghĩa gắn liền với mùa xuân sinh sôi. Từ xưa thiên địch của sói là chính con người. Để tồn tại, phát triển, sói có tập quán chỉ đẻ con vào mùa xuân? Vì thời điểm đó người phải chăm sóc cừu đang mùa sinh sản nên ít có thời gian đào hang bắt sói con. Sói bố mẹ cũng dễ bắt cừu non mang về để sói con tập săn mồi… Sói còn rất tình nghĩa. Đi săn về sói luôn mang "chiến lợi phẩm" - những con mồi tươi ngon nhất cho sói già, sói non.
Gia đình sói là hình mẫu để con người học tập về tình yêu thương, đoàn kết, chở che lẫn nhau. Vợ chồng sói chung thủy với nhau suốt đời. Khi bị người đuổi bắt, sói chồng sẽ làm "mồi nhử" để người tránh xa hang ổ gia đình nó… Thế là con người lại phải học tập sói, "thiêng hóa" sói thành "vật tổ". Sói đi vào văn hóa thảo nguyên gắn liền với mùa xuân (nghĩa biểu vật) và chỉ những gì nảy nở, sinh sôi và sự yêu thương, đoàn tụ, hạnh phúc (nghĩa biểu niệm).
Văn hóa Việt tự hào có nhiều truyền thuyết rất hay về mùa xuân. Chùm truyền thuyết Vua Hùng kể, vào cữ xuân, vợ vua Hùng tới kỳ "mãn nguyệt khai hoa" mà chưa đẻ được. Một hầu nữ hiến kế: mời nàng Quế Hoa xinh đẹp, hát hay, múa giỏi về "biểu diễn" có thể làm đỡ đau và dễ đẻ.
Quả nhiên được xem/nghe những lời hát mới lạ, những điệu múa mê hoặc, vợ Vua Hùng như quên đau mà sinh hạ một lúc ba người con trai. Vua Hùng vui mừng khôn xiết hết lời khen ngợi Quế Hoa và truyền các mỵ nương (con gái) học các điệu múa hát ấy, vua gọi là Hát Xuân. Về sau kiêng tên húy của một người con gái Vua Hùng có tên Xuân Nương mà gọi chệch là Hát Xoan.
Một truyền thuyết khác kể ở làng Hương Nộn (Tam Nông), nữ tướng Xuân Nương cùng Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đuổi quân nhà Hán. Một lần vào dịp xuân dẫn quân qua làng Hương Nộn thấy điệu múa lạ, lời hát hay Bà bèn cho quân lính học. Từ đó để tưởng nhớ người anh hùng có công với nước, làng tổ chức Hát Xuân. Vì tên bà là Xuân Nương nên đổi chệch là Hát Xoan.
Những truyền thuyết trên có thể khẳng định thời điểm ra đời của Hát Xoan có từ thời Hùng Vương, gắn liền mảnh đất cổ Phong Châu (Phú Thọ, Việt Trì, Lâm Thao, Tam Nông, Tản Viên…). Tại sao nhiều truyền thuyết gắn liền với việc sinh đẻ?
Dân số thời Hùng Vương chỉ khoảng 40,50 vạn, mà nước Văn Lang đã phải đối phó với nhiều kẻ thù, lắm thiên tai nên rất cần nhân lực. Do vậy việc sinh đẻ rất được coi trọng. Nhưng "người chửa cửa mả" (tức gần với cái chết) nên con người càng quý (câu tục ngữ "Người ta là hoa đất" chắc có từ rất sớm). Nếu người phụ nữ sinh ra một con người, một sinh mệnh mới, thì Hát Xoan tái sinh con người, tạo ra một con người mới lớn lao, trưởng thành hơn về tâm hồn, về tình cảm, tinh thần. Chi tiết nhờ xem múa hát mà đẻ được vừa gắn Hát Xoan với niềm vui lớn nhất của con người nhưng cái chính là ca ngợi sức chinh phục, thu phục, thuyết phục của Hát Xoan.
Trước đây mỗi năm có 3 cuộc Hát Xoan được tổ chức vào ngày mồng 3 tháng Giêng; mồng 10 tháng 3 (ngày giỗ Vua Hùng) và mồng 10 tháng 9 (lễ thờ Vua Hùng). Xoan cổ có 14 làn điệu (quả cách) mở đầu là "Mời vua" (hát tràng mai) rồi mới đến "rãy cách", "ngâm cách"… "cài huê cách".
Mỗi làn điệu có kép (nam) và đào (nữ), chỉ với hai nhạc cụ chính là trống và phách. Mở đầu là trống và phách rồi đến đào hát kết hợp với tay múa, chân nhón, mắt hướng vào Thượng cung. Tất cả đều được diễn xướng nhịp nhàng. Trang phục truyền thống là áo tứ thân màu sậm, váy đụp và chít khăn mỏ quạ… Những câu hát, điệu múa, trang phục đều tập trung ca ngợi thiên nhiên mùa xuân tốt tươi, ca ngợi con người chăm chỉ, cần cù, yêu thương cùng nhau đoàn kết hướng về nguồn cội Hùng Vương!
Thời Vua Hùng có tục lấy nắm đất và gói muối làm vật tượng trưng cho hôn nhân. Tập tục ấy ánh xạ trong làn hát Xoan "Mời rượu": "Tay nâng chén muối (ối a) ố mấy gừng (gừng đĩa gừng)/ ố mấy rằng gừng cay, gừng cay muối mặn/ (ối a) ố mấy đừng (đừng xin đừng) xin đừng quên nhau (ố mấy ru tình ru, ố mấy ta ru hời)…". Trên đời này có gì quý hơn đất đâu, có gì mặn hơn muối đâu. Cái quý nhất, cái mặn mà nhất là tinh hoa của hôn nhân để kết trái hạnh phúc. Đó chẳng phải là triết lý để hôm nay chúng ta phải học tập sao?
Năm nay, theo quan niệm phương Đông là năm con Rắn, chỉ hướng nam - đông nam, mang khí dương, sinh sôi, mạnh mẽ. Theo thần thoại Hy Lạp thì Zeus - vị thần tối cao, khi mùa xuân đến thần sẽ xuất hiện dưới dạng một con rắn cùng với nữ thần cai quản trái đất Rhea cũng mang hình rắn. Như vậy năm Rắn sẽ là năm tốt lành, may mắn, thịnh vượng!