Mở lối về cho những người lầm lỡ

Khi hoa đào, hoa mận trên các sườn đồi đua nhau nở rộ, cũng là lúc mọi người, mọi nhà chuẩn bị đón mùa xuân mới. Với những người từng lầm lỡ trở về địa phương thì đây là cái Tết vui và có ý nghĩa nhất, được quây quần, sum họp bên gia đình với niềm tin vào tương lai tươi sáng phía trước, khi được Đảng, Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế theo Quyết định 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù.

Đây là chính sách nhân văn, nhân đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho những trường hợp chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, vượt qua mặc cảm để trở thành công dân có ích cho xã hội. Công an tỉnh Sơn La đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện có hiệu quả quyết định này, góp phần giảm thiểu tỷ lệ tái phạm tội, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn, góp phần mang đến mùa xuân bình yên cho mọi gia đình.

Đoàn công tác Công an tỉnh và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại gia đình anh Hà Văn Hưng.

Đoàn công tác Công an tỉnh và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay tại gia đình anh Hà Văn Hưng.

Những mảnh đời lầm lỡ

Anh Lò Văn Hoa, sinh năm 1973, bản Nặm Ngùa, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là một trong những hộ khó khăn của bản. Gia đình anh có mẹ già và 3 đứa con dù đã xây dựng gia đình riêng nhưng vẫn sống chung cùng bố mẹ. Trong những ngày tháng khó khăn, do nghe theo lời dụ dỗ của người xấu, anh đã phạm tội buôn bán trái phép chất ma túy vào tháng 9/2021. Anh bị bắt và kết án 2 năm tù. Những ngày trong tù, Lò Văn Hoa mới thấm thía cái giá phải trả cho sai lầm của bản thân mình. Anh đã cố gắng cải tạo, chấp hành tốt nội quy, quy định của trại giam và được giảm án 5 tháng.

Sau khi chấp hành xong án phạt tù, anh trở về địa phương với mong muốn làm lại cuộc đời, sớm tái hòa nhập cộng đồng. Thời gian anh ở trong trại giam, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu vắng bàn tay của người trụ cột gia đình. Khi trở về, anh lại tiếp tục đối mặt với cuộc sống khó khăn cùng mẹ già, người vợ sức khỏe yếu do năm tháng lam lũ và đàn con cháu nheo nhóc. Tài sản duy nhất anh có lúc này là ngôi nhà cũ và mảnh nương cằn cỗi lâu ngày chưa được cày xới, canh tác.

Anh Trần Viết Công, xóm 2, sinh năm 1993, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai là một thanh niên trẻ tuổi. Thay vì tu chí làm ăn, Công lại mải chơi bời, đua đòi với đám bạn xấu. Rồi trong một lần đi chơi ở Hà Nội cùng bạn, nghe bạn bè rủ rê đã tham gia một nhóm cướp tài sản và bị Công an TP Hà Nội bắt giữ cuối năm 2018, bị kết án 36 tháng tù giam, thụ án tại Trại giam Thanh Xuân, Hà Nội. Tuổi đời còn trẻ, bao nhiêu hoài bão, ước mơ còn đang dang dở mà giờ phải chấp hành án trong trại giam đã khiến chàng trai trẻ nhiều đêm mất ngủ. Anh đã cố gắng cải tạo, chấp hành tốt nội quy của trại giam và sau 29 tháng chấp hành án thì anh được giảm án, trở về địa phương. Được tự do nhưng Công lại đối mặt với khó khăn khác khi không có việc làm, không biết làm gì để kiếm sống lo cho mẹ già và tương lai sau này.

Anh Bùi Minh Hảo phát triển mô hình homestay tại gia đình từ nguồn vốn vay theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Anh Bùi Minh Hảo phát triển mô hình homestay tại gia đình từ nguồn vốn vay theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La vốn là địa bàn phức tạp về tội phạm ma túy với những chuyến hàng “khủng” mà các đối tượng mua bán, vận chuyển từ khu vực biên giới vào địa bàn huyện rồi mang đi các tỉnh dưới xuôi tiêu thụ. Cuốn theo vòng xoáy ấy, anh Hà Văn Hưng, sinh năm 1977, ở bản Hương Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu vì muốn giàu có nhanh chóng mà không phải lao động vất vả nên đã tham gia mua bán trái phép chất ma túy. Năm 2012, anh bị bắt về hành vi mua bán trái phép 5 kg thuốc phiện, bị kết án 18 năm tù. Thế là với Hưng, cuộc đời gần như khép lại. Thật may mắn, do cải tạo và chấp hành tốt nội quy của trại giam, sau khi chấp hành án 11 năm, năm 2023, anh được trở về với gia đình. Thấy mọi người trong xóm ai cũng có nhà cửa khang trang, vườn cây ăn quả phát triển tốt, thu nhập cao, trong khi gia đình mình thì khó khăn, nương chè cằn cỗi, anh Hưng không khỏi chạnh lòng nhưng chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu.

Trao cơ hội cho những người lầm lỡ

Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định 22), có hiệu lực từ 10/10/2023. Theo đó, người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 4 triệu đồng/tháng để đào tạo nghề, vay tối đa 100 triệu đồng/người để sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đối với cơ sở sản xuất kinh doanh có lao động chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa 2 tỷ đồng cho 1 dự án. Việc vay vốn được thực hiện qua Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi bằng lãi suất cho vay hộ nghèo.
Công an tỉnh Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành hệ thống văn bản triển khai thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn toàn tỉnh. Đã tổ chức ký quy chế phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, chỉ đạo công an các huyện, thành phố rà soát các trường hợp chấp hành xong án phạt tù đủ điều kiện vay vốn, tuyên truyền, phổ biến cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn về chính sách vay vốn theo Quyết định 22; phối hợp theo dõi, giám sát, quản lý các trường hợp vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả.

Công an tỉnh Sơn La và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh ký kết quy chế phối hợp thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Công an tỉnh Sơn La và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh ký kết quy chế phối hợp thực hiện Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Anh Hà Văn Hưng, ở bản Hương Sơn, xã Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu là một trong những trường hợp đầu tiên được tiếp cận nguồn vốn này. Anh cho biết: Đang trong lúc khó khăn chưa biết xoay xở ra sao thì có Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ, thông qua các tổ chức chính trị xã hội, tôi được vay 100 triệu đồng để cải tạo đồi chè, trồng xen cây ăn quả với tổng diện tích 3 ha. Sau gần 1 năm, diện tích cây chè, cây ăn quả phát triển tốt, dự kiến năm nay thu khoảng 3 tấn chè và thu hoạch cây ăn quả, trị giá hơn 50 triệu đồng. Số tiền ấy đã tạo điều kiện cho anh có cơ hội vươn lên, làm lại cuộc đời.

Còn anh Bùi Minh Hảo, tiểu khu 6, thị trấn Mộc Châu thì cuộc đời cũng bước sang trang mới khi được cấp ủy, chính quyền quan tâm, động viên, giúp anh xốc lại tinh thần, quyết tâm làm lại cuộc đời. Cùng số tiền vay 100 triệu đồng theo Quyết định 22, anh đã huy động thêm vốn của người thân, tận dụng đất của gia đình để xây dựng homestay phục vụ khách du lịch và lưu trú, mở thêm dịch vụ tư vấn tour, thuê xe du lịch, trừ chi phí mỗi tháng, thu nhập trên 40 triệu đồng, tạo việc làm cho 2 lao động địa phương với số tiền thu nhập 7-8 triệu đồng/tháng.

Đầu năm 2024, anh Lò Văn Hoa, ở bản Nặm Ngùa, xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai cũng nằm trong diện tiếp cận nguồn vốn theo Quyết định 22. Anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho vay vốn 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Anh đã đầu tư mua 5 con bò giống, mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ và trồng 2 ha sắn. Sau gần 1 năm, đàn bò của gia đình anh hiện đã có 9 con, cửa hàng tạp hóa thường xuyên có khách đến mua hàng và 2 ha sắn đang đến kỳ thu hoạch, dự kiến thu khoảng 30 tấn, trị giá gần 60 triệu đồng. Hiện tại cuộc sống của gia đình đã tương đối ổn định, đàn bò đang phát triển tốt, nương sắn cũng cho thu hoạch, anh cảm ơn Đảng và Nhà nước rất nhiều.

Đoàn công tác Công an tỉnh và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thăm, động viên gia đình anh Lò Văn Hoa.

Đoàn công tác Công an tỉnh và Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thăm, động viên gia đình anh Lò Văn Hoa.

Đối với anh Trần Viết Công, xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai thì cũng có thể nói Quyết định 22 đã giúp anh thay đổi cuộc đời. Sau khi ra tù, để có công việc ổn định, anh đã học nghề và mở một quán cắt tóc nhỏ. Tháng 11/2024, công an địa phương và Ngân hàng Chính sách giới thiệu, anh đã làm đơn và được tiếp cận vay 50 triệu đồng. Anh đã dùng số tiền này để mở rộng kinh doanh làm đẹp và bán mỹ phẩm trên TikTok. Hiện nay, thu nhập từ việc kinh doanh, làm đẹp của gia đình anh đã tương đối ổn định, trung bình 15 triệu/tháng.

Với sự vào cuộc chủ động, tích cực của lực lượng Công an, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, đến nay, toàn tỉnh đã có 132 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền hơn 11,8 tỷ đồng, trong đó đã 10 trường hợp trả hết nợ với số tiền 802 triệu đồng.

Anh Trần Viết Công dùng vốn vay ưu đãi kinh doanh dịch vụ cắt tóc, làm đẹp.

Anh Trần Viết Công dùng vốn vay ưu đãi kinh doanh dịch vụ cắt tóc, làm đẹp.

Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sơn La cho biết: Mặc dù mức vay không cao nhưng quá trình triển khai thực hiện, chúng tôi thấy những người được vay vốn đã sử dụng đúng mục đích, đầu tư phát triển kinh tế có hiệu quả. Có nhiều người đã trả nợ xong và gửi được tiết kiệm, mở rộng quy mô phát triển kinh tế. Có thể nói rằng, đây là một chính sách rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, đã tạo điều kiện cho những người lầm lỡ có cơ hội được làm lại cuộc đời, ổn định cuộc sống, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo. Thời gian tới, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, rà soát các đối tượng đã chấp hành xong án phạt tù để tham mưu với cấp trên xin bổ sung nguồn vốn nhằm giúp được nhiều người được vay vốn hơn trong diện Quyết định 22.

Thượng tá Lường Khánh Toàn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Sơn La cho biết thêm: Hiện nay, toàn tỉnh đang quản lý 3.203 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nhiều người khi mới trở về thường mặc cảm, tự ti, chưa dám mạnh dạn vay vốn. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 22, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, trở thành động lực để người chấp hành xong án phạt tù nỗ lực làm lại cuộc đời.

Minh Phong - Minh Phượng

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/phong-su/mo-loi-ve-cho-nhung-nguoi-lam-lo-i758736/
Zalo