Mùa vui nay đã về
Cảm ơn những chuyến đi đã đưa những người con trở về đón Tết, để thương yêu hơn quê nhà và dáng hình đất nước. Mùa vui nay đã về.
Tôi viết những dòng này trên chuyến tàu SE7 chạy dọc đất nước, trong hành trình về thăm quê ngoại vào những ngày áp Tết.
Tiễn tôi lên tàu là sân ga Huế rực rỡ với những khóm cúc vàng hòa hợp đến vẹn toàn với màu đỏ cờ Tổ quốc, những chiếc đèn lồng treo cao trên sân ga cùng tiếng nói cười ríu ran của hành khách. Ngoài cửa sổ của khoang tàu vẫn là nắng nóng.
Cùng với chúng tôi, có cả những hành khách đến từ các nước châu Âu cũng háo hức chờ chuyến tàu Thống Nhất khởi hành. “Chúng tôi đã lưu trú tại Việt Nam gần 1 tháng. Kết thúc chuyến đi, chúng tôi thật may mắn khi chọn được hành trình khám phá Việt Nam trong dịp Tết – đây chính là kỷ niệm thật đẹp trong tôi”, Angelie, một du khách đến từ Pháp hồ hởi nói như thế.
Và cũng như Angelie, tôi thấy vô cùng may mắn vì được đi trên hành trình này.
Tàu qua Đông Hà, Đồng Hới, rồi Vinh, Thanh Hóa… Tôi náo nức thu vào ống kính máy ảnh biết bao đổi mới của chặng đường tôi đã nhiều lần được đi về cùng mẹ. Này là những ruộng đồng xanh mướt mát và rộng thênh thang, thay cho những ô bàn cờ bé xíu những ngày còn làm ăn manh mún. Này là cầu đường rộng thênh thang. Và cơ man nhà cao tầng, chung cư, đô thị… lướt qua ô cửa sổ tàu.
Ngắm dọc dài đất nước, tôi càng xúc động, thương nhớ những chuyến đi xưa có mẹ đi cùng. Thoáng trong ký ức thơ bé của tôi, còn như thấy những toa tàu khách năm nào chật cứng người, hàng hóa cùng mùi dầu máy, mùi khói thuốc... Mẹ luôn phải nắm chắc tay tôi, tay xách nách mang bao thứ đồ đạc, quà cáp. Cả tuần trời chuẩn bị, lăn lóc tàu xe, mẹ con tôi mới về được đến quê ăn Tết, rồi lại tất tả xếp hàng, chen chúc lên tàu, xuống xe để trở về với quê hương mới. Năm nào mẹ cũng đùm theo cơm nắm, muối vừng phòng lúc tàu phải tăng bo, mẹ con còn cái ăn dằn bụng. Có năm phong phanh từ miền Trung nắng gió với vài manh áo mỏng, gặp mưa phùn gió bấc ở quê làm răng tôi va vào nhau lập cập.
Giai điệu tha thiết của ca khúc “Tàu anh qua núi” của nhạc sĩ Phan Lạc Hoa vang lên khi con tàu từ từ đi qua đèo Hải Vân khiến tất cả hành khách đều xúc động. Từ chuyến tàu nối liền Bắc - Nam đầu tiên vào năm 1976, cứ hết mỗi ga lại đợi 3 - 4 tiếng để đi tiếp, bố mẹ tôi – những người nông dân Ninh Giang (Hải Dương) đi làm kinh tế mới không biết đã tốn biết bao nhiêu thời gian cho những hành trình về quê?
Bây giờ, đã đổi mới quá nhiều.
Trong toa tàu, có hành khách đang nói chuyện với các bạn Pháp. Có ai đó đang nói về những nông dân Việt Nam năng động, sáng tạo chuyển đổi cây trồng để Việt Nam đã đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo.
Rồi chuyện về cà phê Việt Nam nhân lúc nhân viên tàu đẩy xe cà phê thơm nức qua mời khách. Angelie gật gù khen cà phê Việt Nam đã xuất khẩu hơn 80 quốc gia…
Và cả chuyện những chuyến đi.
Có bạn Pháp đang nói về những chuyến tàu cao tốc TGV - là một loại tàu hỏa chạy bằng điện, thường dùng để chuyên chở hành khách trên các tuyến trong nước Pháp cũng như kết nối với các nước lân cận. TGV đạt tốc độ tối đa 574,8 km/h vào năm 2007. Trong các chuyến chở khách, TGV chạy với vận tốc trung bình 320 km/h…
Tôi đã mường tượng ra những chuyến tàu Thống Nhất sẽ chạy nhanh hơn nữa, như nhiều người đang mong “ăn sáng ở Hà Nội, cà phê tối ở Sài Gòn”. Đường tôi về quê Ninh Giang hằng năm có thể sẽ chỉ còn bằng một giấc ngủ trưa.
Đường về quê đang thật gần. Và xóa tan mọi lo lắng của tôi, quê nhà đã xanh tươi, trù phú ngay sau bão số 3. Qua điện thoại, đã thấy mọi người, mọi nhà đang tíu tít, tưng bừng với đào, với hoa, với bánh chưng, đụng lợn… Tôi thấy cả những gốc mai vàng to, đẹp – vốn chỉ thấy ở miền Nam, nay được vận chuyển dễ dàng tới quê tôi.
Lòng rộn ràng nghĩ tới những điều mới mẻ, tôi thấy hương Xuân, vị Tết đã về trên mỗi nẻo tàu qua, tới mỗi nếp nhà.
Mùa vui mới đang về bắt đầu cho những hy vọng mới.