Mùi xuân, vị tết ( Bài 1): Hương sắc xuân miền biên viễn

Trên bước thiên di của thời gian, qua muôn nẻo đường đời, những hồi ức, kỷ niệm đẹp về những ngày tết đến xuân về luôn đằm sâu trong tiềm thức của mỗi người. Để rồi chỉ cần đâu đó gợn lên chút thanh âm, mùi, vị cũng đủ khiến lòng người chộn rộn nhớ thương...

Nhắc về mùa xuân, về tết nguyên đán cổ truyền, người Việt chẳng bao giờ thôi nhớ chuyện bên những cành đào, cành mai. Như buổi chiều nay, tôi thảnh thơi nhấm nháp tách trà cam quế, ngắm cây đào thế đang dần bung xòe sắc thắm. Từ miền kí ức, hoài niệm, lòng tôi lại nhớ về vẻ đẹp, hương thơm từ những cành đào vẫn thường theo chân bố từ miền biên viễn Bát Mọt, Thường Xuân về trang hoàng, làm đẹp cho ngôi nhà của chúng tôi.

Khác với không khí gấp gáp, khẩn trương những ngày tết, gia đình tôi bao giờ cũng chuẩn bị cho dịp lễ lớn nhất trong năm này bằng tâm thế điềm tĩnh, thong dong. Hầu như năm nào cũng vậy, mặc người ta nườm nượp bán mua, bố cứ thủng thẳng bảo: “Vội gì đâu, tầm 27 - 28 tết ra ngã tư chọn một cây đào về trưng trong nhà vậy là có cả mùa xuân rồi”.

Chẳng biết vì lí do gì, trong rất nhiều lựa chọn cây cảnh ngày tết, bố luôn dành sự ưu tiên cho cây đào. Có năm con rể muốn “đổi gió”, mua tặng cho nhà bố mẹ vợ cây quất tạo thế trong chum khá đẹp mắt nhưng xem chừng bố vợ vẫn thích “chơi” đào hơn.

Bản nhỏ bình yên tại xã biên giới Bát Mọt, Thường Xuân.

Bản nhỏ bình yên tại xã biên giới Bát Mọt, Thường Xuân.

Bố tôi là người kín tiếng, mạnh mẽ, ít khi tâm sự hay bộc bạch nỗi lòng. Vậy nên chúng tôi đâu hiểu hết, với bố, cây đào trong những ngày tết không đơn thuần là lựa chọn mà ở đó còn là tình yêu, nỗi nhớ bố dành cho mảnh đất Bát Mọt – nơi bố đã sống và cống hiến suốt hơn 20 năm, cho bà con dân bản và các đồng chí, đồng đội trong đơn vị cũ. Những cành đào bố mang về từ miền rừng núi này cũng là một phần tươi đẹp, êm ái đong đầy hồi ức, kỷ niệm của chúng tôi.

Những ngày xưa ấy, đường xá đi lại xa xôi, vất vả lắm. Đơn vị bố công tác cách nhà hơn 100km. Ngày mới lấy nhau, kinh tế chưa dư dả, mỗi lần trở lại đơn vị, bố phải lên phố bắt xe khách, xe dừng trả khách ở đoạn nào lại tiếp tục thuê xe ôm chở lên. Dần dà điều kiện tốt hơn, bố mẹ bàn nhau, quyết tâm mua chiếc xe máy để bố đi lại cho chủ động. Vậy là kể từ đó, trong mỗi lần trở về nhà vào dịp tết, bên hông xe bố luôn mang theo cành đào ướp đượm hương vị núi rừng.

Nói về cái sự “đèo bòng” ấy có cơ man là nỗi vất vả, nguy cơ. Cành đào được bố chằng buộc cẩn thận, chắc chắn, thẳng đứng bên hông xe. Tôi cứ tưởng tượng, dẫu cành lớn hay bé thì nó đều phải chịu áp lực của gió khiến tay lái bị ghì, nặng. Đi một quãng không sao nhưng suốt chặng đường hơn 100km ấy thì quả là thử thách đối với người cầm lái. Tôi không hiểu bố đã đi qua hành trình ấy như thế nào nhưng mỗi lần hình dung lại, trái tim tôi như bị ai đó bóp nghẹt, khóe mắt rưng rưng. Thương đến vô chừng!

Nhưng ngày đó chị em chúng tôi còn nhỏ vô tâm vô tư, đã biết nghĩ ngợi gì. Năm nào không phải trực tết đợt 1, thấy bố mang đào về là chúng tôi reo lên sung sướng, háo hức xoay quanh ngắm nghía, thấy bông hoa nào đã nở là dí mũi vào hít hà.

Dẫu có nhiều lựa chọn cây cảnh ngày tết nhưng cây đào vẫn mang ý nghĩa biểu trưng đặc biệt.

Dẫu có nhiều lựa chọn cây cảnh ngày tết nhưng cây đào vẫn mang ý nghĩa biểu trưng đặc biệt.

Những cành đào bố tôi mang từ Bát Mọt về, dẫu không phải là loại đào khai thác trong rừng tự nhiên nhưng cũng được người dân trồng lâu năm trong vườn nhà, uống khí trời và hấp thu nguồn dinh dưỡng từ trong mạch đất ấy nên có nhiều điểm khác biệt so với các loại đào nhà vườn dưới xuôi. Loại đào này thân cành xù xì khẳng khiu, nhiều rêu mốc và ít hoa nhưng hoa khỏe, có màu phơn phớt hồng.

Chị em chúng tôi chỉ đợi cành đào tết của bố để ra sức bày biện, trang trí theo ý thích. Có những năm, chị em tôi ngồi cả buổi với tập giấy màu, cắt cắt dán dán hình bông hoa, làm cả lồng đèn bằng giấy đỏ nữa để treo lên cành đào, nghĩ lại vui biết bao nhiêu. Trong từng khoảnh khắc khi nghĩ về kỉ niệm thơ ấu với ngày tết, màu sắc và hương thơm dìu dịu của hoa đào ướp đượm nét môi cười.

Có điều đặc biệt, chẳng biết là kinh nghiệm dân gian hay kiến thức khoa học nào, bao giờ trước khi cắm đào vào bình, bố thường mang nó hơ qua lửa cho đến khi mặt cắt khô se lại, chuyển sang màu xam xám. Bố bảo: Làm vậy chỗ vết cắt của cành đào không bị chảy nhựa, đào sẽ tươi được lâu, “nuôi” hoa nở đẹp.

Không biết bao lần, mẹ thấy bố trở về nhà với chiếc xe máy bám đầy bùn đất vàng, bên hông buộc cành đào khệ nệ, vướng víu. Mẹ xót lòng khuyên: “Đường xá đi lại xa xôi, vất vả lắm rồi, anh còn đèo bòng làm chi? Ở quê giờ cũng có thiếu chỗ bày bán đào đẹp đâu”. Nhưng bố gạt đi: “Đây chủ yếu là tình cảm của bà con dân bản tặng cho. Năm nào bà con cũng “để phần” cho cành đào to, đẹp, dặn tết đến phải mang về nhà cho đẹp. Anh mang quà biên cương về cho mấy mẹ con đấy chứ”.

Một trong những niềm vui của con trẻ ngày tết là được tự tay trang trí cây đào thêm sinh động, rực rỡ.

Một trong những niềm vui của con trẻ ngày tết là được tự tay trang trí cây đào thêm sinh động, rực rỡ.

Ở vùng đất còn nhiều thiếu khó ấy, mùa xuân đẹp đến nao lòng. Đâu đâu cũng thấy sắc hoa đào, hoa mận bung nở. Đào trồng ngay phía hông nhà, trước ngõ, lưng chừng dốc cũng nở bung cánh thắm... Bà con quý bộ đội biên phòng như cháu, con của bản; mùa xuân muốn bày tỏ tình cảm, gửi gắm lời cảm ơn “cán bộ” nên nhà có gì tặng cái đó, thật cái tâm, cái bụng. Vì thế nên xa xôi, nặng nhọc mấy, bố cũng không từ chối. Bố như mang cả sắc xuân miền biên viễn xuôi về, mang theo tấm chân tình người miền ngược...

Tháng 7/2024 bố chính thức nhận quyết định nghỉ hưu. Từ trước đó, bố đã “tính chuyện” với con rể: “Năm mới sang, hai bố con đi Bát Mọt chơi nhé! Xem như là đi du xuân luôn”. Con rể hào hứng lắm, gật gù ngay.

Vẫn theo lệ cũ, tết năm nay, con rể lại “đi tết” bố mẹ vợ cây đào bung biêng hoa, nụ. Công việc trang trí cây được “bàn giao” lại cho cô em út và con gái tôi. Hai dì cháu í ới rủ nhau đi mua cỏ giả đắp dưới gốc, mua lồng đèn đỏ, câu đối, chuỗi tiền tài, đèn nháy... đủ cả. Thật vui vì những kỉ niệm, hồi ức về tết của chúng lại được đắp bồi bởi sắc hương hoa đào... Trong nụ cười của chúng, tôi bỗng thấy mình của rất nhiều năm về trước, vô tư hồn nhiên, thấy lại hình ảnh bố chở mùa xuân về từ Bát Mọt xa mà nhớ...

Hoàng Linh

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mui-xuan-vi-tet-bai-1-huong-sac-xuan-mien-bien-vien-35259.htm
Zalo