'Mùa sạch' của Trần Dần trở lại với bạn đọc

Ấn bản mới tập thơ 'Mùa sạch' của Trần Dần sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 2 này, với bản thảo chữ viết tay và tranh minh họa của tác giả.

Mùa sạch là tập thơ Trần Dần viết năm 1964, được Nhà xuất bản Văn học phát hành năm 1997. Với sáng tạo ngôn ngữ độc đáo, tác phẩm được cho là mở đầu giai đoạn đổi mới thơ quyết liệt của ông. Một phần dung lượng trong Mùa sạch thể hiện khát khao về thành phố sạch, môi trường, đời sống… sạch.

 Mùa sạch ấn bản 1997 (trái) và Mùa sạch - Lịch Việt Nam ấn bản 2025.

Mùa sạch ấn bản 1997 (trái) và Mùa sạch - Lịch Việt Nam ấn bản 2025.

Vừa qua, ấn bản mới của Mùa sạch, với tên gọi Mùa sạch - Lịch Việt Nam được thông tin sẽ ra mắt bạn đọc vào cuối tháng 2, do Nhà xuất bản Văn học và đơn vị liên kết Thời Độ phát hành.

Chia sẻ với Tri thức - ZNews, ông Trần Trọng Văn, con trai nhà thơ Trần Dần, người lưu giữ bản thảo của bố, cho biết từ khoảng đầu năm 2024, đại diện Thời Độ đã liên hệ để xin phép gia đình và tiến hành chuẩn bị. Bản thảo Mùa sạch vốn được chủ một quá cà phê tại Hà Nội lưu giữ và trao tặng lại gia đình cố nhà thơ vào cuối thập niên 90.

Ấn bản mới này in lại nguyên trạng bản thảo viết tay cùng nhiều tranh minh họa của tác giả, tái hiện thiết kế cuốn sách của chính nhà thơ, kèm theo một ghi chú về văn bản và một vài phụ lục.

Ông Trọng Văn kể nhà thơ Trần Dần thường xuyên tự vẽ minh họa, lên thiết kế, đưa ra hình dung diện mạo các tác phẩm của mình. Tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn trong ấn bản năm 2022 do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Cổ phần Văn hóa Nhã Nam phát hành cũng có tên sách và hình họa đều do Trần Dần vẽ.

Theo con trai nhà thơ, Mùa sạch - Lịch Việt Nam được làm chỉn chu bởi những người yêu mến và kính trọng tác giả nhằm hướng đến kỷ niệm trăm năm ngày sinh Trần Dần (1926-2026), dù khổ sách có phần nhỏ và chưa gồm phần giới thiệu tác giả - tác phẩm dành cho bạn đọc còn xa lạ với tên tuổi ông. Một lượng đáng kể sách đã được đặt trước do độc giả mong ngóng cầm sách trên tay vào ngay ngày phát hành.

Mùa sạch được nhiều nhà nghiên cứu, học giả nhận định là một bước chuyển mình trong con đường sáng tác của Trần Dần, cũng là một đột phá của văn chương - nghệ thuật Việt Nam.

Một cách tân thơ

Trong lời đề bạt của ấn bản Mùa sạch năm 1997, nhà thơ, dịch giả Dương Tường - đàn em và bạn thơ lâu năm của Trần Dần, gọi tác phẩm là "bước ngoặt đánh dấu một độ chín mới của phong cách đa bội Trần Dần". So sánh với Nguyễn Tư Nghiêm "quay về vục cảm xúc từ điêu khắc và kiến trúc đình chùa để đi đến một ngôn ngữ tạo hình hiện đại", Dương Tường nhận định Trần Dần "trằm mình vào suối nguồn ca dao - đồng dao để tạo nên một hôn phối kỳ thú giữa truyền thống và hiện đại".

 Trích sách Mùa sạch - Lịch Việt Nam: mục lục (trái, giữa) và tranh tự họa của tác giả. Ảnh: hopsach.

Trích sách Mùa sạch - Lịch Việt Nam: mục lục (trái, giữa) và tranh tự họa của tác giả. Ảnh: hopsach.

Dương Tường gọi Mùa sạch là "tổ khúc giao hưởng" lấy bốn từ TRONG - SẠCH - SÁNG - MÙA làm chủ đề chính, phát triển thành nhiều biến tấu, tạo một nền "âm - chữ siêu ngữ nghĩa, thường trực và da diết hay, để dùng một thuật ngữ âm nhạc, một basso ostinato (bè trầm trì tục)". Trần Dần vận dụng triệt để cách điệp từ điệp âm trong ca dao, tục ngữ Việt Nam mà ông yêu thích.

Qua tập thơ này, Trần Dần bày tỏ "khát khao sạch, khát khao trong ở cả cấp vi mô lần vĩ mô, ở cả cái cụ thể lẫn cái trừu tượng: quê sạch, diệc mạ sạch, cây tre sạch, duyên sạch, tư duy sạch, bút sạch, đàn sạch...; phố trong, giờ trong, hành tinh trong, sao trong, địa cầu trong, (cả) tối (cũng) trong, (cả) bùn (cũng) trong...".

Lịch Việt Nam là lời "tôn vinh đất mẹ Việt Nam" nơi Trần Dần lên lịch cho mọi phạm trù: lịch xuân, lịch hè, lịch thu, lịch đông, lịch họ hàng, lịch con cái, lịch tươi, lịch sáng, lịch sao, lịch đất, lịch lúa, lịch hạt... "Những trang lịch lúp búp của phồn thực chữ sinh sôi - phôi chữ, hạt chữ, mầm chữ nở lúa túa trong dạt dào hơi thở của ca dao - đồng dao. Với lương tâm một người làm vườn quốc ngữ, Trần Dần tận tụy ươm chữ cho một mùa chữ Việt sáng - sạch - trong", Dương Tường viết.

Nhà nghiên cứu Thụy Khuê đánh giá tập Mùa sạch "tìm đến thơ độc âm, như một thử nghiệm triệt để". Theo đó, bà lý giải, mỗi bài xoay quanh một âm chính, ví dụ Hành trình trong, với âm "trong":

Phố trong

Bộ hành trong

Giờ trong

Tắcxi trong…

Bài Lịch xuân, với âm "xuân":

….Nơi ngâm hạt xuân

Nơi tưới màu xuân

Nơi đóng tàn xuân

Nơi bắc cầu xuân

Nơi đúc thép xuân

Nơi rỡ mành xuân…

Nhà nghiên cứu cho rằng nhà thơ đã tìm cách lạ hóa và tạo ra một loại đồng dao mới, không chỉ nhằm “tả tình”, “tả cảnh” như ca dao đồng dao ngày trước, mà có thể có những chức năng hoàn toàn khác, biến đổi tùy theo bài hát.

Thử nghiệm độc âm này khiến nhịp điệu thường bị gò bó, có câu trở thành khiên cưỡng, eo hẹp. "Nhưng thật ra, không biết Trần Dần có cố ý cách tân thơ, hay là ông chỉ muốn chứng minh một điều: ở tận cùng của gò bó, nhà thơ vẫn làm việc", bà Thụy Khuê nhận định.

Nhà phê bình, nhà thơ Nguyễn Như Huy đánh giá Mùa sạch là "bước đi kỳ lạ nếu so sánh với tất cả các tập thơ của các nhà thơ khác cùng thời (trước thời, thậm chí sau thời) và cả những bài thơ lẻ, tập thơ khác của ông". Ông gọi đây là "tác phẩm trọn vẹn nhất của Nghệ Thuật Ý Niệm (conceptual art)" còn Trần Dần là "nhà Ý Niệm (conceptualist) đầu tiên của văn nghệ Việt Nam".

Trần Dần (1926 - 1997) là nhà thơ, nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại. Ông sinh ra tại thành phố Nam Định và là một trong những hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1957.

Trần Dần bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ từ những năm kháng chiến chống Pháp. Ông được biết đến qua nhiều tác phẩm nổi bật như Người người lớp lớp (1954), Đêm núm sen (viết 1961, xuất bản 2017), Những ngã tư và những cột đèn (viết 1966, xuất bản 2010), Cổng tỉnh (1994), Mùa sạch (viết 1964, xuất bản 1997). Ông đã có những đóng góp quan trọng trong việc phát triển thơ ca Việt Nam, được xem là nhà cách tân thơ với lối viết mang tính hình tượng và triết lý sâu sắc.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/mua-sach-cua-tran-dan-tro-lai-voi-ban-doc-post1532887.html
Zalo