Mua nhà phải chuyển khoản

Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực từ 1/8 năm nay quy định mua bán nhà từ chủ đầu tư bắt buộc thanh toán qua chuyển khoản và ghi nhận giá trị thực của giao dịch trong hợp đồng.

Nhà đất vẫn đang là kênh đầu tư có khả năng sinh lời. Tuy nhiên, nhiều người lợi dụng kẽ hở của pháp luật để lách luật, trốn thuế. Như cuối tháng 9/2024, một “đại gia” mua đất 9 tỷ đồng nhưng làm hợp đồng chuyển nhượng chỉ hơn 400 triệu đồng, bị Công an tỉnh Đăk Nông khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Theo cơ quan công an, bà Thúy nhận chuyển nhượng quyền sử dụng 1 thửa đất tại phường Nghĩa Thành, TP Gia Nghĩa với giá trị thực tế 9 tỉ đồng nhưng chỉ kê khai trong hợp đồng chuyển nhượng 440 triệu đồng. Ngoài ra, bà này cũng chuyển nhượng quyền sử dụng 4 thửa đất khác tại huyện Đăk Song, giá trị thực tế là trên 6,9 tỉ đồng nhưng kê khai hợp đồng là 400 triệu đồng- gây thất thoát thuế của nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Những vụ án như thế này không mới. Nguyên nhân được cho là do luật và chế tài xử lý chưa đủ mạnh, còn nhiều kẽ hở.

Luật Kinh doanh bất động sản 2023, có hiệu lực từ 1/8 năm nay, quy định mua bán nhà từ chủ đầu tư bắt buộc thanh toán qua chuyển khoản và ghi nhận giá trị thực của giao dịch trong hợp đồng. Nói cách khác: Luật 2023 chỉ quy định việc chuyển khoản qua ngân hàng trong giao dịch giữa chủ đầu tư dự án và người mua chứ chưa đề cập tới các giao dịch cá nhân với cá nhân. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, để một nền kinh tế phát triển ổn định, minh bạch… thì hoàn toàn có thể áp dụng quy định này với cá nhân.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho biết: “Chênh lệch 2 giá khiến cơ quan quản lý nhà nước mất kiểm soát về thị trường, còn khách hàng thì rủi ro lớn về mặt pháp luật khi lách thuế. Do vậy, việc quy định thanh toán qua Ngân hàng là bước đi đúng đắn và cần thiết”.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS thành phố Hồ Chí Minh: “Trong khi luật yêu cầu chặt chẽ với doanh nghiệp thì cá nhân chưa bắt buộc. Họ có thể vác bao tiền đi thanh toán, đi mua bất động sản. Nhưng quy định này từ từ cũng sẽ áp dụng đối với cá nhân và việc thanh toán bằng tiền mặt dần dần sẽ được đưa vào khuôn khổ”.

Thống kê cho thấy, trong năm 2023, có tới 30% giao dịch bất động sản được thực hiện bằng tiền mặt. Điều này tạo ra khoảng trống lớn trong quản lý dòng tiền. Bên cạnh đó, tình trạng 2 hợp đồng 2 giá khá phổ biến. Theo Tổng cục Thuế, ngân sách nhà nước mỗi năm thất thu khoảng 7.500 tỷ đồng do việc kê khai thấp hơn thực tế trong giao dịch bất động sản.

Ông Hoàng Hướng, Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết: “Hầu như khi mua bán nhà là đều 2 giá. Vấn đề đó, tôi cho rằng cần phải tăng cường các chính sách về thuế và xử lý theo các chế tài phù hợp thì mới có thể ngăn cản được tình trạng này, tránh những bất cập về quản lý nhà nước".

Việc yêu cầu ghi nhận giá trị thực trong hợp đồng được đánh giá hạn chế thất thu thuế và tạo nên số liệu chính xác làm cơ sở dữ liệu nhà đất. Mặc dù có thể gặp một số khó khăn ban đầu khi thực hiện, nhưng về lâu dài, đây là bước đi cần thiết để xây dựng một thị trường bền vững. Đây cũng là hướng đi mà nhiều nước đã áp dụng thành công. Ví dụ khi Singapore áp dụng các quy định tương tự từ năm 2013, chỉ số minh bạch bất động sản đã tăng 15% sau 5 năm thực hiện.

Liên Phương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/mua-nha-phai-chuyen-khoan-272808.htm
Zalo