Mua nhà ở xã hội: Nhà chưa xây, giấy đã chất!
Tích góp hàng trăm triệu đồng, chắt chiu từng khoản chi tiêu, nhưng mua nhà ở xã hội vẫn xa vời với nhiều người…
![Một dự án nhà ở xã hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_341_51475870/a5215dec6fa286fcdfb3.jpg)
Một dự án nhà ở xã hội
Hàng trăm nghìn người mong muốn sở hữu nhà ở xã hội, nhưng số lượng có hạn, thủ tục phức tạp, giá cả vẫn vượt quá khả năng, Không chỉ người dân gặp khó, ngay cả doanh nghiệp cũng loay hoay trong bài toán đầu tư loại hình này.
KHÓ CHẠM
Dù nhà ở xã hội được xem là giải pháp an cư cho người thu nhập thấp, nhưng trên thực tế, nhiều người vẫn chật vật, chưa có nhà để ở. Như trường hợp của anh Nguyễn Văn Hùng, 35 tuổi, là công nhân làm việc tại một khu công nghiệp ở Hà Nội dù muốn mua nhà ở xã hội, nhưng mãi không được.
Theo anh Hùng, thu nhập của vợ chồng anh mỗi tháng khoảng 15 - 18 triệu đồng. Anh Hùng đang ấp ủ giấc mơ mua một căn nhà ở xã hội để vợ con có nơi ở ổn định, nhưng giấc mơ ấy vẫn ngoài tầm với.
“Chúng tôi đã lập kế hoạch tích lũy để mua nhà ở xã hội, nên mỗi tháng vợ chồng chắt bóp để dư ra được 6 - 7 triệu đồng. Hiện nhà tôi đang có khoản dư hơn 250 triệu đồng. Với số tiền này, muốn mua nhà ở xã hội thì nhà tôi phải vay ngân hàng. Mà mức thu nhập như thế, quả thật vợ chồng tôi không thể kham nổi”, anh Hùng tâm sự.
![Người dân xếp hàng dài để bốc thăm mua nhà tại 1 dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_341_51475870/3a74c7b9f5f71ca945e6.jpg)
Người dân xếp hàng dài để bốc thăm mua nhà tại 1 dự án nhà ở xã hội ở Hà Nội
Trong khi đó, nhà chị Thu, 28 tuổi, đã có tiền nhưng cũng không mua được nhà ở xã hội. Vợ chồng chị thu có sẵn hơn 1 tỷ đồng để mua nhà, số tiền này được cả chị và chồng tích góp từ trước hôn nhân, tiền mừng cưới và cả ông bà nội ngoại cho thêm.
Số tiền này, vợ chồng chị Thu tính sẽ mua nhà, nhưng sau khi tìm hiểu giá nhà ở quá cao, nên họ quyết định tìm hiểu để mua nhà ở xã hội. Xét thấy mình đủ điều kiện mua, chị thu đã làm hồ sơ nộp vài dự án, nhưng đều “tạch”.
“Tỷ lệ chọi quá cao, 1 dự án có mấy trăm căn, mà hồ sơ nộp vào đến hàng nghìn. Lá số may mắn không thể đến với gia đình tôi”, chị Thu bày tỏ.
Về vấn đề này, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, hiện nay, số lượng dự án nhà ở xã hội triển khai, mở bán ở các đô thị rất hạn chế. Phần lớn các dự án nằm ở ngoại ô, xa trung tâm, không thuận tiện cho người lao động làm việc tại đô thị.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn mua khắt khe, quá trình xét duyệt còn phức tạp; việc xác minh các điều kiện, đặc biệt là thu nhập còn “tắc”. Một số trường hợp, nhà ở xã hội bị chuyển nhượng trái phép hoặc mua đi bán lại bởi các đối tượng không thuộc diện ưu tiên, làm giảm cơ hội tiếp cận của người có nhu cầu thực sự.
Hơn nữa, người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay; lãi suất vay tăng cao và thời gian vay ngắn. Giá mua nhà ở xã hội thực tế vẫn vượt khả năng chi trả của nhiều người trong khi giá thuê quá cao.
![Thực trạng triển khai phân khúc nhà ở xã hội. Nguồn: VARS](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_341_51475870/5d155dd86f9686c8df87.jpg)
Thực trạng triển khai phân khúc nhà ở xã hội. Nguồn: VARS
Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, trong giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội là 428.000 căn và nhu cầu thực tế là 1,24 triệu căn. Trên thực tế, lũy kế từ năm 2021 - cuối năm 2024, mới chỉ hoàn thành 57.652 căn nhà ở xã hội, đạt 13,5% kế hoạch đề ra.
NHÀ CHƯA XÂY, GIẤY ĐÃ CHẤT
Một vị chủ doanh nghiệp bất động sản có kinh nghiệm lâu năm làm nhà ở xã hội cho biết, thủ tục hành chính là nhà ở xã hội hiện nay thực sự rất phức tạp.
Việc thực hiện phải tuân theo các Thông tư, Nghị định hướng dẫn mới, trong khi có những trường hợp tương tự ở các dự án trước đây nay lại phải làm thủ tục lại từ đầu. Quá trình xét duyệt cũng kéo dài do thủ tục phê duyệt chưa hoàn tất, khiến việc triển khai gặp không ít trở ngại.
Vị doanh nhân này nói thêm, có những khoản phải bù đắp từ kinh doanh nhà ở thương mại, nhưng doanh nghiệp vẫn kiên định với mục tiêu phát triển. Ngoài lợi ích kinh doanh, doanh nghiệp cũng ý thức rõ về trách nhiệm đối với xã hội và cam kết thực hiện nghĩa vụ này. Tuy nhiên, việc dồn toàn bộ nguồn lực và tâm huyết vào một mục tiêu cụ thể vẫn là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp của họ ở thời điểm hiện tại.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Lê Thành cho biết, nhà ở xã hội đang là phân khúc nhận được sự quan tâm lớn từ Trung ương đến địa phương khi có nhiều chính sách hỗ trợ tích cực cho phân khúc này.
Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai, đầu tư xây dựng, thanh kiểm tra, hậu kiểm và thậm chí cả việc phê duyệt giá bán nhà ở xã hội. Điều này khiến việc phê duyệt các dự án nhà ở xã hội tại địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Bên cạnh đó, lợi nhuận giới hạn ở mức 10% là quá thấp khi thủ tục kéo dài đến 5 năm, giai đoạn đầu tư mất thêm 2 năm. Tính bình quân, trong 7 năm mỗi năm chỉ đạt khoảng 1,3-1,5% lợi nhuận – không đủ để tái đầu tư.
![Doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi triển khai nhà ở xã hội](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_341_51475870/a45ca19193df7a8123ce.jpg)
Doanh nghiệp gặp nhiều vướng mắc khi triển khai nhà ở xã hội
Ông Nghĩa bộc bạch: “Doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng. Nhưng sau đó, lại gặp trở ngại trong quá trình kiểm toán tài chính, qua nhiều vòng thủ tục, phải duyệt lên, duyệt xuống rất mất thời gian. Đây là do sự khác biệt giá đất dẫn đến câu chuyện giá thành nhà ở xã hội do nhà nước cấp có sự chênh lệch lớn so với giá nhà ở xã hội do doanh nghiệp tự xây dựng.
Vì thế, Tổng Giám đốc Xây dựng Lê Thành đề xuất cần cân đối giữa người mua, chủ đầu tư để cả bên phát triển dự án lẫn bên mua được tiếp cận các gói hỗ trợ về vốn. Nếu không có chính sách đặc biệt về vốn và lãi suất cho doanh nghiệp thì cả khi luật sửa đổi có hiệu lực, vẫn ít doanh nghiệp quan tâm đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ đợi thủ tục pháp lý, tập trung vào sáng tạo và ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm nhà ở xã hội có chất lượng cao với giá thành hợp lý. Khi có cơ chế vận hành tốt giữa cung - cầu - lợi nhuận, các doanh nghiệp sẽ quan tâm và tập trung phát triển sản phẩm này.