Mưa lớn gây sạt lở, giao thông chia cắt, hơn 2.000 hộ dân bị ảnh hưởng

Mưa lớn khiến nhiều tuyến đường dân sinh ở Hà Tĩnh bị sạt lở, nước ngập sâu. Ngành chức năng đã lên phương án sẵn sàng di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở.

Ngày 13/10, ông Võ Tiến Sửu, Chủ tịch UBND xã Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh) cho biết, mưa lớn nhiều ngày qua khiến hàng trăm m3 đất đá, cây cối sạt lở xuống mặt đường tuyến Tỉnh lộ 551. Đoạn đường sạt lở dài khoảng 50m, gây chia cắt tuyến đường qua thôn Nam Phong (xã Kỳ Phong) với thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung (huyện Kỳ Anh).

“Khu vực này trước đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng sạt lở đất đá khi có mưa lũ. Xã đã huy động lực lượng lập rào chắn, biển cảnh báo và huy động máy móc giải phóng điểm sạt lở”, ông Sửu thông tin.

Huy động máy móc xử lý sạt lở trên Tỉnh lộ 551 qua xã Kỳ Phong.

Huy động máy móc xử lý sạt lở trên Tỉnh lộ 551 qua xã Kỳ Phong.

Cùng ngày, tại xã Kỳ Lạc (huyện Kỳ Anh), mưa lớn cũng khiến ít nhất 3 cầu dân sinh trên địa bàn bị ngập sâu khoảng 1m, chia cắt nhiều vùng, cô lập nhiều hộ dân. Trong đó, điểm ngập sâu nhất là tại cầu rào Lạc Xuân, Lạc Trung, bắc qua sông Rào Trổ; cầu Cây Ổi bắc qua Khe Vong.

Chính quyền địa phương đã lập rào chắn, bố trí người gác trực, ngăn người dân và phương tiện qua lại khu vực nguy hiểm. Các tuyến đường khác không ngập cũng được địa phương hướng dẫn cho người dân qua lại.

Hiện trên địa bàn huyện Kỳ Anh đang có mưa to, lượng nước từ thượng nguồn đổ về mạnh, nước trên sông chảy cuồn cuộn. UBND huyện Kỳ Anh đã khẩn trương chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục theo dõi, nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết, chủ động tham mưu các phương án kịp thời phòng, chống và ứng phó với mưa, lũ.

Theo rà soát của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, trên địa bàn Hà Tĩnh có hơn 2.000 hộ dân với hơn 7.000 nhân khẩu nằm trong vùng nguy cơ ảnh hưởng về sạt lở, tập trung nhiều ở các địa phương như: Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang, huyện Kỳ Anh, Can Lộc...

Nhiều cầu dân sinh bị ngập sâu, chia cắt một số vùng.

Nhiều cầu dân sinh bị ngập sâu, chia cắt một số vùng.

Trong các mùa mưa lũ những năm trước, trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đã xảy ra khá nhiều vụ sạt lở đồi núi, ảnh hưởng tới các tuyến giao thông, khu dân cư.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai một số nhiệm vụ ứng phó, trong đó tổ chức rà soát các hộ dân, nắm số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu.

Các địa phương phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Địa phương cắm biển cảnh báo, hướng dẫn người dân không di chuyển qua vùng nguy hiểm.

Địa phương cắm biển cảnh báo, hướng dẫn người dân không di chuyển qua vùng nguy hiểm.

Theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Hà Tĩnh, từ 13/10 đến sáng 15/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với đới gió đông trên cao nên khu vực Hà Tĩnh có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Mưa tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển. Lượng mưa phổ biến 150 - 350 mm, có nơi trên 400 mm. Nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở khu vực vùng núi và ngập úng vùng thấp trũng. Trên các sông ở khu vực Hà Tĩnh có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ khả năng ở mức báo động 1 đến báo động 2.

Phạm Trường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/mua-lon-gay-sat-lo-giao-thong-chia-cat-hon-2000-ho-dan-bi-anh-huong-post1577917.tpo
Zalo