Mù mắt do uống rượu pha cồn
Thời gian qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) liên tục tiếp nhận các bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol (cồn công nghiệp). Có 3 trường hợp bị mù mắt hoàn toàn.
TS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết, đa số trường hợp ngộ độc methanol là do uống phải loại rượu trắng “3 không”: không nhãn mác - không nguồn gốc - không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này đã bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận.
Về 3 bệnh nhân bị mù mắt do rượu, TS Nguyên cho hay: “Cồn công nghiệp methanol lúc đầu gây say như rượu thông thường, sau đó chuyển hóa thành axit formic rồi gây tổn thương các tế bào khác nhau, đặc biệt là mắt và não, gây tổn thương dây thần kinh thị giác, sưng phù, giảm thị lực, thậm chí mù...”.
Bệnh nhân đầu tiên được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mê sảng và mắt không nhìn thấy gì. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có uống rượu và rượu mua ở đâu gia đình không biết. Một bệnh nhân khác, trước khi vào viện đã đi khám tại chuyên khoa mắt và các bác sĩ tuyến dưới, nghi ngộ độc rượu nên đã chuyển viện. Bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo và chỉ thấy đau đầu. Xét nghiệm rượu 2 bệnh nhân đã uống phát hiện có methanol, với hàm lượng trên 24 mg/l.
Bác sĩ điều trị thông tin, 2 bệnh nhân được chẩn đoán mù mắt do uống rượu pha cồn công nghiệp, tiên lượng phục hồi rất kém do đến viện muộn khiến mắt bị tổn thương nặng. Bệnh nhân còn lại bị biến chứng mù mắt do ngộ độc rượu. Bác sĩ cho hay, số ca ngộ độc rượu thường có xu hướng gia tăng trong dịp cuối năm, trước và sau Tết Nguyên đán.
“Điều đáng nói, ngộ độc methanol do uống phải rượu giả khiến người uống không biết và nghĩ rằng bị say rượu . Thậm chí, biểu hiện khi ngộ độc rượu methanol lại chậm và âm thầm nên phần lớn bệnh nhân đến viện muộn, khi đã bị tổn thương não, mắt.
Mặc dù được điều trị tích cực, tỉ lệ tử vong vẫn chiếm 30-50%. Nếu bệnh nhân không tử vong cũng dễ bị di chứng mù mắt, hoặc di chứng ở não, gan...”, bác sĩ Nguyên nói.
Dấu hiệu nhận biết ngộ độc methanol mờ nhạt
Theo bác sĩ, Th.s Lê Thị Phương Thảo, Phòng Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), rượu được hấp thu vào hệ tuần hoàn, phân bố tới não và toàn bộ các mô, vì rượu hòa tan hoàn toàn trong nước ở cơ thể. Do đó, rượu gây ảnh hưởng đến não, gan và nhiều cơ quan khác.
Các chuyên gia chống độc cảnh báo, tình trạng ngộ độc do uống rượu pha methanol có xu hướng gia tăng. Đây là chất rất độc, chỉ cần uống 5 - 15ml có thể gây ngộ độc nặng; từ 15ml trở lên có thể gây mù lòa; từ 30ml trở lên có thể gây tử vong.
Trong khi đó, rượu chứa cồn công nghiệp rất khó phân biệt với rượu thực phẩm. Khi xuất hiện các dấu hiệu điển hình như hôn mê hoặc mù mắt, bệnh nhân lúc này đã trong tình trạng nặng. Thống kê từ những trường hợp nhập viện do ngộ độc rượu cho thấy, rượu trắng pha cồn công nghiệp methanol là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tiếp đến là rượu ngâm cỏ cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu, rượu ngâm động vật...
Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có 1 điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn.
Theo bác sĩ Nguyên, đây cũng là lí do các trường hợp ngộ độc methanol ghi nhận ở nước ta thường để lại hậu quả rất đáng tiếc.
Cụ thể, sau khi cồn methanol thâm nhập vào cơ thể, phải mất ít nhất 8 tiếng và đa phần là 1-2 ngày sau thì cơ thể mới xuất hiện các triệu chứng rõ rệt của ngộ độc methanol như: mờ mắt, lơ mơ, lẫn lộn, thở nhanh và thở sâu như bị khó thở, co giật và dần hôn mê.
Khi các triệu chứng đã biểu hiện rõ như vậy thì đã quá muộn vì lúc này, bệnh nhân đã bị tổn thương mắt dẫn đến mờ mắt và thậm chí là mù mắt vĩnh viễn; não bị hoại tử.
Theo Tiền phong