VPBank lộ diện 'lá bài tẩy' trong tham vọng trở thành tập đoàn tài chính

Tổng giám đốc của VPBank Nguyễn Đức Vinh nhìn nhận, hiệu quả của mô hình tập đoàn tài chính nằm ở khả năng tận dụng được sức mạnh cộng hưởng của cả hệ thống.

Đại hội cổ đông thường niên VPBank 2025. Ảnh: VPB

Đại hội cổ đông thường niên VPBank 2025. Ảnh: VPB

Đại hội cổ đông năm 2025 của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hôm nay đã thông qua tờ trình quan trọng về đầu tư góp vốn, thành lập công ty con trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ. Trong đó, riêng công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Hải Quân, Phó chủ tịch VPBank chia sẻ, nhà băng đã vượt qua khỏi khuôn khổ một ngân hàng đơn lẻ và đang phát triển thành một tập đoàn tài chính đa ngành.

Trong bức tranh tổng thể đó, VPBank đã có ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES).

Hệ sinh thái mở rộng khác biệt của VPBank và các công ty thành viên hướng tới việc khai thác tối đa tiềm năng của tệp khách hàng rộng lớn với tổng quy mô hơn 30 triệu người.

“Chúng tôi muốn hoàn thiện hệ sinh thái với hai thành viên nữa là bảo hiểm nhân thọ và quản lý quỹ”, ông Quân cho biết.

Dù việc thành lập công ty này sẽ liên quan đến một số vấn đề thủ tục và cam kết với đối tác hiện tại, nhưng ban lãnh đạo VPBank cho biết sẽ sớm đạt được phương án hợp lý và có lợi nhất cho ngân hàng.

Phó chủ tịch VPBank cho biết, nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, VPBank sẽ luôn bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh và đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc khách hàng.

Do đó, nhà băng xác định phải chủ động nguồn kinh doanh, từ sản phẩm cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác.

Mặt khác, bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng.

Với kinh nghiệm vận hành OPES, VPBank tin rằng việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ lần này sẽ giúp tổ chức này vận hành hiệu quả, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ ngay từ đầu và mang lại hiệu quả tối ưu. Công ty mới này cũng sẽ vận hành độc lập về tài chính, vốn chủ sở hữu.

Hoàn thiện bức tranh tập đoàn tài chính

Trở thành tập đoàn tài chính là chiến lược được VPBank theo đuổi nhiều năm qua, và nó càng có ý nghĩa trong năm 2025 – năm cuối cùng trong chiến lược phát triển 5 năm của ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc của VPBank cho biết, sự hiệu quả của mô hình tập đoàn tài chính không nằm ở việc ngân hàng có nhiều công ty con, mà tận dụng được sức mạnh cộng hưởng của hệ thống này.

"Chúng tôi có thể tối đa hóa nguồn lực thông qua việc tạo ra các trung tâm chia sẻ dịch vụ. Chẳng hạn, các thành viên có thể chia sẻ công nghệ chung, mua sắm chung, điều hành nguồn vốn chung… Điều này giúp giảm chi phí vốn, chi phí vận hành, cải thiện về mặt hiệu suất hoạt động", ông Vinh chia sẻ.

Vai trò của các thành viên trong hệ sinh thái của VPBank cũng ngày càng chuyên biệt và rõ ràng hơn. Trong năm 2024, từng thành viên trong hệ sinh thái của VPBank đều sẽ đóng góp lợi nhuận đáng kể.

Đặc biệt, FE Credit - công ty tài chính lớn nhất Việt Nam, đã đánh dấu mốc quan trọng khi có lãi trở lại sau hai năm liên tục lỗ.

Bước sang năm 2025, tỷ trọng đóng góp của các thành viên ngày càng đáng kể. Cụ thể, nhà băng đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2024.

Trong đó, lợi nhuận của của ngân hàng mẹ là 22.219 tỷ đồng, lợi nhuận của FE Credit 1.126 tỷ đồng (tăng 120%), VPBankS 2.003 tỷ đồng (tăng 64%) và Bảo hiểm OPES 636 tỷ đồng (tăng 34%).

Nhận định về năm 2025, ông Vinh cho biết nền kinh tế có những thuận lợi nhất định như mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên của Chính phủ.

Ở chiều ngược lại, thị trường cũng có thách thức như nhu cầu thị trường chưa phục hồi rõ rệt và ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại toàn cầu. Việc Ngân hàng Nhà nước duy trì môi trường lãi suất thấp cũng ảnh hưởng đáng kể tới biên lãi thuần (NIM) của ngân hàng.

Mặc dù vậy, lãnh đạo VPBank cho biết nhà băng quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Năm 2025, VPBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng hợp nhất đạt 25%, tương ứng với dư nợ cấp tín dụng hơn 887.000 tỷ đồng.

Tổng tài sản hợp nhất VPBank dự kiến tăng 23% lên hơn 1,1 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ theo Thông tư 11 dự kiến được kiểm soát dưới 3%.

Kết thúc quý đầu tiên của năm 2025, tổng tài sản hợp nhất của VPBank đạt hơn 994.000 tỷ đồng. Tín dụng vượt 747.000 tỷ đồng, tăng 5,2% so với đầu năm. Lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 5.000 tỷ đồng, đạt khoảng 20% kế hoạch.

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ tại ĐHCĐ. Ảnh: VPB

Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh chia sẻ tại ĐHCĐ. Ảnh: VPB

Cập nhật thêm về tình hình kinh doanh mới nhất của VPBank, ông Vinh cho biết đến cuối tháng 4, CASA ngân hàng đã tăng 25% dự kiến đến cuối năm tăng hơn 100.000 tỷ, tăng trưởng 7% so với năm trước.

"Dự kiến trong khoảng 2 đến 3 tháng nữa tổng tài sản VPBank sẽ vượt mốc 1 triệu tỷ đồng, lớn nhất hệ thống ngân hàng thương mại”, ông Vinh chia sẻ.

“Lá bài tẩy” GPBank

Một mảnh ghép quan trọng khác trong hệ sinh thái của VPBank, vừa được nhà băng nhận về đầu năm nay chính là ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc GPBank.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, ngân hàng đã chuẩn bị kỹ lưỡng để khôi phục hoạt động của GPBank.

Gần đây, VPBank đã bổ nhiệm bà Phạm Thị Nhung giữ chức Chủ tịch GPBank – bước đầu tiên của việc xây dựng lại hệ thống quản trị của ngân hàng này.

Ông Dũng tiết lộ, trước khi chuyển giao, GPBank lỗ bình quân mỗi năm khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm nay, ông Dũng tự tin GPBank sẽ ngay lập tức có lãi 500 tỷ đồng.

“Chúng tôi tin tưởng là sẽ tái cơ cấu GPBank thành công”, ông Dũng đánh giá.

Việc tham gia đề án tái cơ cấu GPBank còn mang lại lợi ích lớn cho VPBank. Ông Vinh cho biết, mục tiêu lớn nhất khi nhận chuyển giao GPBank không phải là tài chính mà là việc có thể được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 35% trong vòng 5 năm.

Với một ngân hàng tập trung vào nhóm khách hàng số đông và thu nhập thấp, tăng trưởng quy mô là nhu cầu đầu tiên của VPBank.

Mặt khác, một lợi thế khác của VPBank khi nhận về GPBank là được phép nới room ngoại lên 49%. Theo ban lãnh đạo VPBank, đây là cơ hội để mời đối tác chiến lược là SMBC tăng sở hữu tại VPBank hoặc nhà băng cũng có thể tìm kiếm đối tác mới.

“Việc được nới room lên 49% là rất cần thiết, là cơ hội của VPBank”, ông Vinh chia sẻ.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/vpbank-lo-dien-la-bai-tay-trong-tham-vong-tro-thanh-tap-doan-tai-chinh-d39940.html
Zalo