Một tháng sau sự kiện 'Ngày Giải phóng', thế giới đã xoay xở thế nào với chính sách thuế quan mới của ông Trump?
Bắc Kinh đã có các biện pháp trả đũa mạnh mẽ đối với mức thuế quan cao kỷ lục từ Washington, trong khi mỗi đối tác thương mại lại chọn cách tiếp cận khác nhau.

Tổng thống Donald Trump tiết lộ rằng mặc dù chưa có thỏa thuận cụ thể nào được hoàn tất, song các cuộc đàm phán đang diễn ra tích cực. (Nguồn: Getty Images)
Một tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch thuế quan “có đi có lại” vào ngày 2/4 – ngày mà ông chủ Nhà Trắng gọi là “Ngày giải phóng”, các đối tác thương mại chủ chốt của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã lựa chọn những cách ứng phó khác nhau.
Dưới đây là tổng quan các phản ứng từ các quốc gia là đối tác thương mại chính của Hoa Kỳ sau sự kiện thuế quan.
Trung Quốc phản công, “chiến đấu đến cùng”
Lập trường: Ngày 11/4, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian khẳng định: “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình và duy trì hệ thống thương mại đa phương và trật tự kinh tế quốc tế”.
Mức thuế quan: Washington đã áp thuế tổng cộng 145% đối với hàng nhập khẩu của Bắc Kinh trong năm nay, đưa mức thuế quan thực tế lên khoảng 156%. Theo thông tin do Nhà Trắng công bố hôm 15/4, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với mức thuế lên tới 245%, cộng dồn của nhiều mức thuế quan, bao gồm thuế đối ứng, thuế liên quan đến fentanyl và thuế quan Mục 301 hiện hành được áp dụng lần đầu tiên dưới nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump và tiếp tục dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Trong khi đó, mức thuế mới mà Trung Quốc áp dụng đối với hàng hóa của Hoa Kỳ đã tăng lên 125%, cao hơn mức thuế quan được áp dụng trước đó.

Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc He Yongqian khẳng định kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình và duy trì hệ thống thương mại đa phương hôm 11/4. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Quy mô thương mại: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ước tính đạt 688,3 tỷ USD vào năm 2024, tăng so với mức 664,5 tỷ USD vào năm 2023, theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Trung Quốc vào năm 2024 là 163,6 tỷ USD, giảm 0,37% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Trung Quốc vào năm 2024 là 524,7 USD, tăng 4,9% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu bổ sung đối với hàng hóa của Hoa Kỳ lên 125 % sau khi Hoa Kỳ tăng mức thuế lên 145%. Theo tuyên bố của Ủy ban Thuế quan Hải quan thuộc Hội đồng Nhà nước, Trung Quốc sẽ “đơn giản là bỏ qua” bất kỳ đợt tăng thuế nào nữa từ Hoa Kỳ trong tương lai nếu như Hoa Kỳ “tiếp tục các trò chơi về số thuế của mình”.
Hôm 28/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuần trước rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gọi điện thoại cho ông. “Theo như tôi biết, không có cuộc điện thoại nào gần đây giữa hai nguyên thủ”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Guo Jiakun nói tại họp báo thường kỳ. “Tôi muốn nhắc lại rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ không tham gia vào các cuộc tham vấn hoặc đàm phán về vấn đề thuế quan”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, trong ngày 30/4, Reuters dẫn hai nguồn tin thân cận cho biết Trung Quốc đã âm thầm xây dựng danh sách các sản phẩm Hoa Kỳ sẽ được miễn mức thuế trả đũa 125%. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách làm dịu tác động của cuộc chiến thương mại với Washington, dù trên diễn đàn công khai, họ vẫn duy trì lập trường cứng rắn.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng kêu gọi sự đoàn kết quốc tế để bảo vệ hệ thống thương mại đa phương. Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị mới đây đã có động thái đề nghị các nước châu Âu chung tay với Bắc Kinh chống lại thuế quan của Trump. Bắc Kinh đồng thời cũng dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các nghị sĩ Nghị viện châu Âu.
Loạt cảnh báo nghiêm khắc từ châu Âu
Lập trường: Liên minh châu Âu (EU) đã sẵn sàng cho “các biện pháp bazooka thương mại” nếu các cuộc đàm phán thất bại sau thời hạn 90 ngày, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm 17/4 và thuyết phục nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về lợi ích của một thỏa thuận miễn thuế cho toàn bộ EU.
Mức thuế quan: Washington hiện áp dụng mức thuế quan đối ứng với EU là 20% lên tất cả hàng nhập khẩu của EU và mức thuế quan 25% lên tất cả hàng nhập khẩu ô tô - một động thái có khả năng ảnh hưởng tới Đức, nền kinh tế và là nhà xuất khẩu lớn nhất của khối.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký các sắc lệnh hành pháp tại Nhà Trắng hôm 2/4, áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia. (Nguồn: Getty)
Quy mô thương mại: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với EU ước tính đạt 975,9 tỷ USD vào năm 2024, tăng so với mức 943 tỷ USD vào năm 2023, theo Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR).
Xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang EU năm 2024 đạt 370,2 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2023. Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ EU đạt tổng cộng 605,8 tỷ USD vào năm 2024, tăng 5,1% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Theo người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) Paula Pinha, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc trao đổi ngắn hôm 26/4 bên lề Thánh lễ tang của Giáo hoàng Francis ở Rome, Italy. Theo đó, lãnh đạo EU và Hoa Kỳ đã nhất trí tổ chức cuộc họp chính thức trong thời gian tới, tuy nhiên chưa ấn định thời gian cụ thể.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh EU đang nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đàm phán với Hoa Kỳ trước khi thời hạn miễn áp thuế đối ứng trong 90 ngày kết thúc vào đầu tháng 7/2025. Các nhà lãnh đạo EU đều có lập trường chung coi trọng mối quan hệ với Hoa Kỳ và ủng hộ giải pháp đàm phán, thương lượng với chính quyền Tổng thống Trump với hy vọng được miễn thuế, trong đó có điều chỉnh mức thuế 25% đối với ô tô, nhôm và thép của châu Âu.
Canada “nhắm” vào ngành ô tô Hoa Kỳ
Lập trường: Khi tuyên bố chiến thắng trong cuộc bầu cử liên bang vào sáng sớm ngày 29/4, Thủ tướng Canada Mark Carney cho biết đất nước của ông sẽ “không bao giờ” khuất phục trước Hoa Kỳ.
Lập trường này được cho là nhất quán với tuyên bố được ông Carney đưa ra ngày 3/4: “Chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động của và xây dựng nền kinh tế mạnh nhất trong G7”.
Mức thuế quan: Canada không bị áp mức thuế đối ứng mà Nhà Trắng công bố hôm 2/4 nhưng quốc gia Bắc Mỹ này trước đó đã bị áp thuế 25% đối với các hàng hóa không nằm trong phạm vi của Hiệp định thương mại tự do Canada-Hoa Kỳ-Mexico (CUSMA).
Mức thuế 10% được áp dụng đối với hàng xuất khẩu năng lượng và Kali của Canada không tuân thủ CUSMA. Theo Nhà Trắng, nếu các vấn đề hiện tại về fentanyl và di cư được giải quyết, thì hàng hóa tuân thủ CUSMA từ Canada sẽ tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi, trong khi hàng hóa không nằm trong danh mục của CUSMA sẽ phải chịu mức thuế quan đối ứng là 12%.
Quy mô thương mại: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Hoa Kỳ và Canada ước tính đạt 762,1 tỷ USD vào năm 2024, giảm so với mức 772 tỷ USD vào năm 2023, theo USTR.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Canada vào năm 2024 đạt 349,4 tỷ USD, giảm 1,4% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Canada vào năm 2024 đạt 412,7 tỷ USD, giảm 1,4% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Canada đã áp dụng mức thuế 25% đối với xe lắp ráp hoàn chỉnh không tuân thủ CUSMA nhập khẩu từ Hoa Kỳ và mức thuế 25% đối với các linh kiện không xuất xứ từ Canada và Mexico trong xe lắp ráp hoàn chỉnh tuân thủ CUSMA nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Các quốc gia tìm giải pháp thông qua đối thoại
Nhật Bản
Lập trường: Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Akazawa Ryosei cho biết hôm 18/4 rằng một “thỏa thuận nhanh chóng” là không thể và bất kỳ thỏa thuận nào cũng cần mất thời gian.
Mức thuế quan: Mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản là 24% và 25% đối với ô tô được sản xuất bên ngoài nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Quy mô thương mại: Theo USTR, thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Nhật Bản ước tính đạt 227,9 tỷ USD vào năm 2024, giảm so với mức 222,9 tỷ USD vào năm 2023.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Nhật Bản vào năm 2024 là 79,7 tỷ USD, tăng 5,4% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Nhật Bản là 148,2 tỷ USD vào năm 2024, tăng 0,7 % so với năm 2023.

Tổng thống Donald Trump gặp Bộ trưởng Phục hồi Kinh tế Nhật Bản Akazawa Ryosei và phái đoàn của ông tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ở Washington, DC ngà 16/4. (Nguồn: Reuters)
Biện pháp ứng phó: Cả hai nền kinh tế đã bắt đầu đàm phán thương mại vào ngày 17/4 và Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia đầu tiên mở các cuộc đàm phán thuế quan trực tiếp với chính quyền Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Kato Katsunobu trước đó đã nói rằng Tokyo sẽ không sử dụng hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ đang nắm giữ để làm “công cụ mặc cả”. Quốc gia Đông Bắc Á cũng đang sở hữu lượng trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ lớn nhất thế giới.
Mexico
Lập trường: Tổng thống Claudia Sheinbaum đã lập luận rằng thép, nhôm và ô tô nên được miễn thuế theo CUSMA. Hiện tại, chưa có thỏa thuận nào giữa chính quyền hai nước về việc dỡ bỏ thuế quan.
Mức thuế quan: Dù không bị áp thuế đối ứng nhưng Mexico trước đó phải đối mặt với mức thuế quan 25% liên quan đối với fentanyl, xe cộ và phụ tùng ô tô và thép nhập khẩu.
Theo Nhà Trắng, nếu các vấn đề hiện tại về fentanyl và di cư có thể được giải quyết, hàng hóa tuân thủ CUSMA sẽ tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi. Ngược lại, hàng hóa không nằm trong danh mục của CUSMA sẽ phải chịu mức thuế quan đối ứng là 12%.
Quy mô thương mại: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Mexico ước tính đạt 839,9 tỷ USD vào năm 2024, tăng so với mức 797,9 tỷ USD vào năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Mexico năm 2024 đạt 334 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Mexico năm 2024 đạt 505,9 tỷ USD, tăng 6,4% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Trong tháng 4, Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum đã gặp Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva để bàn các biện pháp tăng cường giao lưu, trao đổi thương mại – một biện pháp để đối phó với thuế quan từ Washington.
Hàn Quốc
Lập trường: Mới đây, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Sang-mok tái khẳng định lập trường của Seoul rằng không cần phải nhanh chóng đạt được thỏa thuận.
Bình luận của ông Choi trái ngược hẳn với bình luận của Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, người tuyên bố Hàn Quốc đang thúc đẩy hoàn tất thỏa thuận trước cuộc bầu cử sắp tới ở Hàn Quốc và coi đó là một thành tựu trong chiến dịch sắp tới.
Mức thuế quan: Thuế quan đối ứng áp dụng với hàng hóa của Hàn Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ đang là 25%.
Quy mô thương mại: Theo USTR, thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Hàn Quốc ước tính đạt 197,1 tỷ USD vào năm 2024, tăng so với mức 181,4 tỷ USD vào năm 2023. Xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Hàn Quốc năm 2024 là 65,5 tỷ USD, tăng 0,7% so với năm 2023. Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Hàn Quốc đạt tổng cộng 131,5 tỷ USD vào năm 2024, tăng 13,3% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Phía Seoul đang đề nghị hợp tác với Washington trong lĩnh vực đóng tàu và năng lượng, nhưng các quan chức nước này cũng loại trừ khả năng đạt được thỏa thuận thương mại cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống bất thường của Hàn Quốc vào ngày 3/6.
Ấn Độ
Lập trường: Quốc gia Nam Á ưu tiên đàm phán thương mại mà không áp dụng các biện pháp thuế quan trả đũa. Ngày 21/4, Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance đã có chuyến thăm 4 ngày tới Ấn Độ trong bối cảnh New Delhi đang nỗ lực tránh mức thuế quan cao của Hoa Kỳ bằng một thỏa thuận thương mại sớm và thúc đẩy quan hệ với chính quyền Tổng thống Trump.
Mức thuế quan: Hoa Kỳ đang áp thuế đối ứng 26% lên hàng hóa nhâp khẩu từ Ấn Độ.
Quy mô thương mại: Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Ấn Độ ước tính đạt 129,2 tỷ USD vào năm 2024, tăng so với mức 124 tỷ USD vào năm 2023, theo USTR.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance phát biểu tại một cuộc họp ở Trung tâm Quốc tế Rajasthan tại Jaipur hôm 22/4 trong chuyến thăm Ấn Độ 4 ngày. (Nguồn: AFP)
Trong khi đó, xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Ấn Độ năm 2024 là 41,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2023. Nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Ấn Độ đạt tổng cộng 87,4 tỷ USD vào năm 2024, tăng 4,5% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Ấn Độ đã đưa ra một loạt các nhượng bộ, từ cắt giảm thuế quan đến tăng mua năng lượng từ Hoa Kỳ. New Delhi được đánh giá là đối tác thương mại đưa ra nhiều điều khoản tốt nhất dành cho Washington.
Vương quốc Anh
Lập trường: Chính phủ Anh không lựa chọn trả đũa mà tiếp tục theo đuổi các cuộc đàm phán song phương đang diễn ra.
Mức thuế quan: Mức thuế đối ứng mà Hoa Kỳ đưa ra với Anh là 10%, cộng với mức thuế 25% áp dụng đối với tất cả ô tô nhập khẩu vào Washington.
Quy mô thương mại: Theo USTR, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Anh ước tính đạt 148 tỷ USD vào năm 2024, tăng so với mức 138,5 tỷ USD vào năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Anh vào năm 2024 là 79,9 tỷ USD, tăng 7,6% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Anh là 68,1 tỷ USD vào năm 2024, tăng 6% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Phó Tổng thống Hoa Kỳ J.D. Vance cho biết, “khả năng cao” là Hoa Kỳ và Anh có thể đạt được thỏa thuận thương mại.
Thái Lan
Lập trường: Chủ động đàm phán với Hoa Kỳ để giảm thuế, nhưng cuộc đàm phán đã bị hoãn lại sau khi Washington yêu cầu chính quyền Thái Lan xem xét các vấn đề quan trọng. Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra khẳng định Thái Lan “không quá chậm trễ và đang xem xét các vấn đề, bao gồm thuế quan để có thể điều chỉnh cho phù hợp”, trong đó Bangkok đang xem xét việc nhập khẩu nông sản và tăng cường nhập khẩu các mặt hàng khác từ Hoa Kỳ.
Mức thuế quan: Thuế quan đối ứng đối với Thái Lan hiện đang là 36% và thuế bổ sung lên tới 375,19% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu.
Quy mô thương mại: Thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Thái Lan ước tính đạt 81 tỷ USD năm 2024, tăng so với mức 71,8 tỷ USD vào năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Thái Lan năm 2024 đạt 17,7 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Thái Lan đạt 63,3 tỷ USD năm 2024, tăng 12,5% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Quốc gia này đặt mục tiêu khuyến khích đầu tư của Thái Lan vào Hoa Kỳ, giám sát hàng nhập khẩu của Trung Quốc và đẩy nhanh các cuộc đàm phán về hiệp định thương mại tự do với EU.
Việt Nam
Lập trường: Vào tháng 4, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, hai bên nhất trí bắt đầu các cuộc thảo luận chính thức.
Mức thuế quan: Thuế quan đối ứng mà phía Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam là 46% và mức thuế bổ sung lên tới 395,9% đối với tấm pin mặt trời nhập khẩu.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên điện đàm về thuế với Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer. (Nguồn: TTXVN)
Quy mô thương mại: Theo USTR, thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam ước tính đạt 149,6 tỷ USD vào năm 2024, tăng so với mức 124,2 tỷ USD vào năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ sang Việt Nam năm 2024 đạt 13,1 tỷ USD, tăng 32,9% so với năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ từ Việt Nam đạt 136,6 tỷ USD năm 2024, tăng 19,3% so với năm 2023.
Biện pháp ứng phó: Hôm 23/4, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên - Trưởng đoàn đàm phán thỏa thuận thương mại với Hoa Kỳ - điện đàm với Trưởng đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jamieson L. Greer để chính thức khởi động đàm phán vấn đề kinh tế, thương mại song phương Việt Nam- Hoa Kỳ. Đây là cuộc làm việc quan trọng để thảo luận về những vấn đề nguyên tắc, phạm vi và lộ trình đàm phán. Một ngày sau đó, USTR đánh giá cuộc điện đàm này là “hiệu quả”, để thảo luận về quan hệ thương mại song phương hai nước.