Những nhà tình báo nổi tiếng hoạt động tại châu Á

Tiền Trang Phi, Rameshwar Nath Kao và Richard Sorge là những điệp viên nổi tiếng ở châu Á.

Tiền Trang Phi (Trung Quốc)

Tiền Trang Phi sinh ra tại thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vào năm 1926 và nhanh chóng trở thành một trong những nhân vật tình báo quan trọng của đảng.

Cuối năm 1929, với vai trò là một điệp viên, ông thâm nhập vào bộ phận điều tra của Ban Tổ chức Trung ương thuộc Quốc dân đảng – một bước đi chiến lược đầy táo bạo. Ngày 25/4/1931, khi biết tin Cố Thuận Chương, một lãnh đạo an ninh của CPC, bị bắt và chuyển sang hợp tác với Quốc dân đảng, Tiền đã lập tức báo cáo về tình hình cho Ủy ban Trung ương CPC. Nhờ hành động kịp thời này, ông đã giúp lãnh đạo cấp cao của Đảng thoát khỏi cuộc truy quét, bảo toàn lực lượng nòng cốt tại Thượng Hải.

Tiền Trang Phi.

Tiền Trang Phi.

Tháng 10/1934, ông tham gia Cuộc Vạn lý Trường chinh của Hồng quân. Sau Hội nghị Tuân Nghĩa năm 1935 – sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lãnh đạo cách mạng Trung Quốc – Tiền được bổ nhiệm làm Phó Tổng Thư ký của Tổng cục Chính trị Hồng quân.

Không lâu sau, vào tháng 4/1935, ông thiệt mạng trong một trận chiến tại thị trấn Hậu Sơn, huyện Kim Sa, tỉnh Quý Châu, khi mới 39 tuổi. Sự hy sinh của ông để lại niềm tiếc thương sâu sắc và lòng biết ơn lớn lao trong lịch sử cách mạng Trung Quốc.

Để tưởng nhớ công lao của ông, một đài tưởng niệm đã được dựng lên tại quê nhà Hồ Châu.

Rameshwar Nath Kao (Ấn Độ)

Rameshwar Nath Kao (1918–2002), được mệnh danh là “cha đẻ” của Cơ quan Nghiên cứu và Phân tích (RAW) – tổ chức tình báo đối ngoại hàng đầu của Ấn Độ.

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ văn chương và theo học luật, ông gia nhập lực lượng Cảnh sát Ấn Độ rồi chuyển sang Cục Tình báo (IB), nơi ông trở thành sĩ quan Hindu đầu tiên. Với tư duy kỷ luật và chiến lược, ông được bổ nhiệm làm trợ lý an ninh cho Thủ tướng Nehru và sau đó giữ nhiều vị trí quan trọng trong ngành tình báo.

Năm 1968, sau các thất bại tình báo trong các cuộc chiến với Trung Quốc và Pakistan, Thủ tướng Indira Gandhi giao cho Kao thành lập RAW. Xuất phát từ con số không, ông xây dựng RAW thành một cơ quan chuyên nghiệp với mạng lưới rộng khắp, tổ chức chặt chẽ theo mô hình học hỏi từ Mỹ, Anh, Liên Xô và Israel. Ông tuyển chọn nhân sự thông minh, cải tổ cơ cấu hoạt động, chú trọng tình báo công nghệ, vệ tinh và phân tích kinh tế.

Dưới sự lãnh đạo của Kao, RAW đóng vai trò quyết định trong Chiến tranh Ấn–Pakistan năm 1971. Ông cũng chỉ đạo thành công chiến dịch sáp nhập Sikkim và ngăn chặn âm mưu ám sát Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.

Sau khi nghỉ hưu năm 1977, ông tiếp tục cố vấn cho Thủ tướng và đóng góp vào việc thành lập Lực lượng An ninh Quốc gia (NSG). Cho đến cuối đời, Kao vẫn giữ nguyên tắc bí mật tuyệt đối trong nghề nghiệp, để lại di sản vững chắc trong ngành tình báo Ấn Độ. Ông qua đời năm 2002, được đánh giá là một trong những lãnh đạo tình báo xuất sắc nhất thế giới.

Richard Sorge (Đức/Liên Xô/Nhật Bản)

Richard Sorge (1895–1944) là phóng viên báo chí người Đức, người đứng đầu một đường dây gián điệp Liên Xô thành công ở Tokyo trong Thế chiến II.

Richard Sorge.

Richard Sorge.

RAMSAI là tổ điệp báo trực thuộc GRU – Tổng cục Tình báo Bộ Tổng tham mưu Hồng quân Liên Xô, do Richard Sorge điều hành. FBI từng nhận xét đây là “tổ chức dũng cảm và thành công nhất trong lịch sử”.

Người đặt nền móng cho RAMSAI là Yan Karlovich Berzin (1889–1938), tên thật Pete Yanovich Kiudis, người Latvia, đảng viên Bolshevik từ năm 1905. Là chỉ huy đầu tiên của GRU, Berzin góp công lớn xây dựng ngành tình báo quân sự Liên Xô với tư duy sắc sảo và tài năng đặc biệt.

Berzin gặp Richard Sorge vào năm 1926 và nhanh chóng nhận ra tố chất của ông. Khi căng thẳng ở Viễn Đông leo thang đầu thập niên 1930, Berzin giao cho Sorge nhiệm vụ xây dựng mạng lưới tình báo tại Nhật. Sorge chấp thuận, bắt đầu hoạt động ở Trung Quốc (1930–1933) trước khi chuyển đến Tokyo vào ngày 6/9/1933, khởi động chiến dịch RAMSAI.

Sorge hoạt động dưới vỏ bọc phóng viên Đức. Cùng với các đồng đội như Branko Vukelich, Max và Anna Klauzen, Etoku Miyaghi, RAMSAI xây dựng mạng lưới rộng khắp, tiếp cận cả giới chức cao cấp Nhật và Đức. Họ cung cấp thông tin giá trị về Hiệp ước chống Quốc tế Cộng sản (1936), kế hoạch xâm lược Khasan (1938) và Khalkhin Gol (1939), giúp Liên Xô kịp thời phản ứng.

Đặc biệt, Sorge là người đầu tiên cảnh báo về cuộc tấn công của Đức vào Liên Xô năm 1941, đồng thời xác nhận Nhật sẽ không mở mặt trận phía đông. Nhờ đó, Liên Xô có thể điều quân từ Viễn Đông về bảo vệ Moskva, góp phần tạo nên bước ngoặt trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc.

Phương Anh (Tổng hợp )

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-nha-tinh-bao-noi-tieng-hoat-dong-tai-chau-a-ar940849.html
Zalo