Một tập đoàn đề xuất làm cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4
Tập đoàn Trung Nam vừa có đề xuất tham gia dự án xây dựng cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Nội dung trên được Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group) đề cập trong văn bản gửi đến UBND TPHCM.
Tập đoàn này cam kết sẽ huy động nguồn lực tối ưu để triển khai 2 dự án hiệu quả, đảm bảo chất lượng và trình hồ sơ ngay khi được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương, nhằm rút ngắn tiến độ.

Phối cảnh thiết kế cầu Cần Giờ theo dạng dây văng một trụ tháp với ý tưởng phác họa hình tượng cây đước. Ảnh: Sở Giao thông vận tải TPHCM
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án cầu Cần Giờ có điểm đầu nằm trên đường 15B theo quy hoạch, cách rạch Mương Ngang khoảng 500m về phía bắc; điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác, cách bến phà Bình Khánh khoảng 2,1km về phía nam. Dự án có chiều dài khoảng 7,3km với quy mô 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp).
Cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư khoảng 11.087 tỷ đồng (bao gồm lãi vay), trong đó chi phí giải phóng mặt bằng là 2.228 tỷ đồng.
Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Về cơ cấu nguồn vốn, ngân sách thành phố góp khoảng 49,63%, nhà đầu tư 50,37%. Công trình được đặt mục tiêu khởi công vào năm 2025 và hoàn thành năm 2028.
Theo Sở GTVT, cầu Cần Giờ sẽ hình thành nên tuyến giao thông mới kết nối trực tiếp với khu vực phía Nam thành phố, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực.
Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ còn có dự án khu đô thị du lịch lấn biển với quy mô 2.870ha, xây dựng cảng trung chuyển quốc tế với quy mô hơn 5 tỷ USD đã được Thủ tướng phê duyệt. Vì thế, dự báo khu vực này sẽ có lưu lượng phương tiện rất lớn.

Phối cảnh cầu Thủ Thiêm 4 nâng tĩnh không nhịp chính lên 45m khi có tàu lớn đi qua. Ảnh: PORTCOAST
Đối với dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, theo báo cáo tiền khả thi, dự án kết nối TP Thủ Đức với quận 7. Điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2 (quận 7). Điểm cuối dự án kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao thông đường R4 (TP Thủ Đức).
Toàn bộ dự án có chiều dài khoảng 2,16km. Trong đó, phần cầu dài khoảng 1.635m, phần đường dẫn 2 đầu cầu dài khoảng 525m, thiết kế 6 làn xe (4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp).
Theo khái toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án khoảng 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 320 tỷ đồng). Trong đó, vốn ngân sách nhà nước trong dự án PPP hơn 2.826 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay); vốn BOT khoảng 2.883 tỷ đồng (chiếm 50,5%).
Khi hoàn thành, cầu Thủ Thiêm 4 sẽ giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa TP Thủ Đức, Bình Thạnh với các quận 7, 8, Nhà Bè và Bình Chánh; giảm tải cho các trục đường hiện hữu như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Tất Thành, cầu Khánh Hội, Huỳnh Tấn Phát và Nguyễn Văn Linh.