Một số vấn đề cần bổ sung trong cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

PGS. TS. Vương Hữu Tấn - Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt NamNước ta lần đầu tiên triển khai dự án điện hạt nhân, cả chủ đầu tư và cơ quan pháp quy hạt nhân đều thiếu nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Vì vậy, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết để bảo đảm tiến độ, song cần bổ sung một số vấn đề, đặc biệt về hợp đồng chìa khóa trao tay.

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta. Vì vậy, cả chủ đầu tư (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân hay còn gọi là cơ quan pháp quy hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ/Cục An toàn bức xạ và hạt nhân) - các chủ thể chính trong triển khai dự án - đều thiếu nhiều kinh nghiệm.

Với tiến độ đã được Ban Chỉ đạo dự án điện hạt nhân thông qua, có rất nhiều việc thuộc trách nhiệm chủ đầu tư và cơ quan pháp quy hạt nhân cần phải có cơ chế đặc thù mới bảo đảm tiến độ. Do đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận là cần thiết. Nghiên cứu các đề xuất của Chính phủ, từ góc độ chuyên môn và kinh nghiệm trong triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận giai đoạn trước, người viết đề xuất bổ sung một số vấn đề sau trong cơ chế đặc thù cho dự án.

Về hiệp định liên Chính phủ: trong các hiệp định liên Chính phủ về xây dựng nhà máy điện hạt nhân luôn có điều khoản về bồi thường hạt nhân, trong khi chúng ta chưa tham gia Công ước bồi thường hạt nhân nào và quy định của Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 về bồi thường hạt nhân lại chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Vì vậy, khi ký kết Hiệp định với đối tác, ta sẽ phải chấp nhận tuân thủ Công ước bồi thường mà đối tác tham gia như Nga tham gia Công ước Viên, còn Nhật Bản tham gia công ước CSC - việc này phải xin phép Quốc hội trước khi ký kết các hiệp định liên Chính phủ cho 2 đối tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 và phải đưa vào nghị quyết này.

 Toàn cảnh phiên họp của Phiên họp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận chiều 12.2.

Toàn cảnh phiên họp của Phiên họp của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về các cơ chế, chính sách đặc thù xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận chiều 12.2.

Về hợp đồng chìa khóa trao tay với đối tác nước ngoài triển khai dự án điện hạt nhân: theo thông lệ quốc tế, các nhà thầu nước ngoài phải chịu trách nhiệm vận hành và bảo dưỡng cho giai đoạn ban đầu; đồng thời phải đào tạo cho nhân viên của đối tác để có thể làm chủ hoàn toàn công tác vận hành và bảo dưỡng. Thời gian dài hay ngắn tùy theo từng nước đàm phán trong hợp đồng chìa khóa trao tay (Hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng). Chúng ta đặt ra thời gian 5 năm cũng là hợp lý. Do đó, nên bổ sung điều khoản trong hợp đồng chìa khóa trao tay yêu cầu nhà thầu chịu trách nhiệm vận hành và bảo dưỡng 5 năm, chịu trách nhiệm đào tạo cán bộ vận hành và bảo dưỡng cho Việt Nam để sau 5 năm cán bộ Việt Nam có thể làm chủ hoàn toàn các công việc vận hành và bảo dưỡng nhà máy điện hạt nhân.

"Nếu giữ nguyên như đề xuất của Chính phủ, thì trong hợp đồng chìa khóa trao tay sẽ không có nội dung về vận hành và bảo dưỡng sửa chữa - điều này trái với thông lệ quốc tế. Xin nhấn mạnh rằng, chính nhà tổng thầu thiết kế, chế tạo, xây dựng và lắp đặt phải chịu trách nhiệm đưa nhà máy vào vận hành và bàn giao cho chúng ta".

Người viết đề nghị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội bổ sung nội dung này vào hợp đồng chìa khóa trao tay với đối tác nước ngoài. Khi đó sẽ không cần thêm hợp đồng vận hành và bảo dưỡng với một công ty nào khác như Chính phủ đã đề xuất thành một cơ chế riêng. Nếu giữ nguyên như đề xuất của Chính phủ, thì trong hợp đồng chìa khóa trao tay sẽ không có nội dung về vận hành và bảo dưỡng sửa chữa - điều này trái với thông lệ quốc tế. Xin nhấn mạnh rằng, chính nhà tổng thầu thiết kế, chế tạo, xây dựng và lắp đặt phải chịu trách nhiệm đưa nhà máy vào vận hành và bàn giao cho chúng ta.

Thông thường, các nước cung cấp nhà máy điện hạt nhân thì họ cũng cung cấp luôn nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân. Do đó, về cung cấp nhiên liệu cũng nên đưa vào trong hợp đồng chìa khóa trao tay để có dự trữ cho 10 năm bảo đảm an ninh năng lượng. Tuy nhiên, về chi phí đầu tư cho dự án điện hạt nhân thì chỉ tính giá của một mẻ nhiên liệu đầu tiên; phần dự trữ sẽ được tính riêng vào chi phí vận hành và bảo dưỡng sau này của nhà máy. Khi đó cũng không cần thêm một hợp đồng riêng về nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như đề xuất của Chính phủ nữa.

Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: tất cả các nhà cung cấp công nghệ điện hạt nhân trên thế giới đều tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về an toàn và an ninh của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Do đó, tất cả tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà họ sử dụng trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân là đều phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn và hướng dẫn an ninh của IAEA. Riêng thiết kế kỹ thuật xây dựng công trình họ sẽ căn cứ vào các thông số địa điểm để đưa ra các thiết kế phù hợp nhằm bảo đảm an toàn và kinh tế của nhà máy điện hạt nhân.

Trong trường hợp điều kiện môi trường của Việt Nam khác so với điều kiện môi trường trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân mà đối tác đã sử dụng trong thiết kế nhà máy điện hạt nhân cho Việt Nam, ví dụ nhiệt độ không khí và nước biển của Ninh Thuận cao hơn so với ở Nga và Nhật Bản, thì các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế cần phải được điều chỉnh phù hợp và phải được thẩm định phê duyệt trước khi áp dụng bởi Cơ quan pháp quy hạt nhân của Việt Nam.

Ngoài ra, các gói thầu hỗ trợ chủ đầu tư được ghi khá cụ thể, trong khi các gói thầu hỗ trợ cơ quan pháp quy hạt nhân lại ghi rất mờ nhạt nên có thể sẽ khó khăn khi triển khai. Vì vậy, cần cụ thể các gói thầu tư vấn hỗ trợ cơ quan pháp quy hạt nhân để dễ dàng trong triển khai thực hiện.

Về lựa chọn nhà thầu, nên quy định được áp dụng hình thức chỉ định thầu hoặc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt hoặc chỉ định thầu rút gọn nhưng phải đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đấu thầu.

Đồng thời, bổ sung nội dung cho phép thực hiện ngay các công việc của cơ quan pháp quy hạt nhân trước khi phê duyệt dự án đầu tư. Đó là, thẩm định công nghệ trong dự án đầu tư; phê duyệt địa điểm và phê duyệt các tham số địa điểm làm cơ sở để chủ đầu tư lập thiết kế kỹ thuật công trình; thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình.

Về cơ chế để bảo đảm mức vốn đối ứng: trong đề xuất của Chính phủ chưa có nguồn vốn để thực hiện các hợp đồng tư vấn trợ giúp cơ quan pháp quy hạt nhân. Theo thông lệ quốc tế các chi phí này sẽ phải do chủ đầu tư chi trả. Ví dụ ở Mỹ, để 1 tổ máy điện hạt nhân đi vào hoạt động, chủ đầu tư phải đóng cho các chi phí của cơ quan pháp quy hạt nhân (US NRC) phục vụ công tác thẩm định, đánh giá và thanh tra an toàn khoảng 60 triệu USD. Vì vậy, cần đề nghị cơ chế đặc thù cho phép sử dụng vốn đối ứng của chủ đầu tư các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 để thực hiện các hợp đồng tư vấn trợ giúp cơ quan pháp quy hạt nhân thực hiện các nhiệm vụ quản lý pháp quy đối với 2 dự án điện hạt nhân này và tính vào chi phí đầu tư dự án điện hạt nhân.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/mot-so-van-de-can-bo-sung-trong-co-che-dac-thu-cho-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-post404596.html
Zalo