Những hình thức lừa đảo trực tuyến người Việt dễ 'dính bẫy' nhất

Do xu hướng chuyển đổi số rầm rộ tại các ngân hàng trong thời gian qua, cũng như sự phổ biến của xu hướng mua sắm không dùng tiền mặt, thương mại điện tử... nên tội phạm nhắm đến người dùng Việt.

5 hình thức lừa đảo nhiều người Việt hay mắc

Google vừa công bố 5 hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến mà nhiều người Việt thường xuyên mắc phải, đồng thời đưa ra một số lời khuyên để giúp người dùng sử dụng Internet an toàn hơn.

Theo Google thì trong tháng 1/2025, người dùng Việt đối mặt với hàng nghìn ứng dụng độc hại, phần lớn là tận dụng AI để lừa đảo. Trong đó, 5 thủ đoạn phổ biến được cảnh báo gồm:

Mạo danh người nổi tiếng kêu gọi đầu tư: Theo đó, các đối tượng sử dụng AI tạo video, âm thanh cũng như hình ảnh mạo danh người nổi tiếng để thực hiện chiêu trò lừa đảo. Đồng thời tạo ra các bài đăng trên mạng xã hội để giới thiệu các khoản đầu tư bất hợp pháp, đặc biệt trong lĩnh vực tiền số. Từ đó, lừa đảo và chiếm đoạt tiền của người quan tâm có nhu cầu đầu tư.

Lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng với nhiều hình thức tinh vi.

Lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng với nhiều hình thức tinh vi.

Lợi dụng sự kiện lớn để lừa đảo: Theo đó, các đối tượng nắm bắt các sự kiện lớn sắp tổ chức, tận dụng AI nâng cấp độ tinh vi để bán vé giả hoặc mạo danh tổ chức từ thiện. Đánh vào tâm lý của mọi người khi vé có số lượng giới hạn cần phải chốt vé sớm, vô hình chung điều này đã tạo cơ hội cho các đối tượng lừa đảo.

Lừa đảo việc làm: Đánh vào tâm lý những người tìm kiếm công việc từ xa, các đối tượng mạo danh công ty uy tín đăng tin tuyển dụng giả, tiến hành phỏng vấn video chuyên nghiệp. Đồng thời, chúng còn giả mạo hợp đồng cũng như con dấu để tăng độ tin cậy. Nạn nhân có thể bị lôi kéo vào các giao dịch tài chính hoặc chuyển tiền số, dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Lừa đảo du lịch, mua sắm online: Theo đó, các đối tượng thường tạo các website giả mạo trang mua sắm, du lịch uy tín. Tại đây, chúng đưa ra các mức giá hấp dẫn cho hàng hóa xa xỉ hoặc ưu đãi du lịch. Các nạn nhân của chúng thường phải nhận hàng giả hoặc đối mặt với các khoản phí bất hợp pháp và dữ liệu cá nhân bị xâm phạm.

Giả mạo dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật từ xa: Theo đó, các đối tượng mạo danh là nhân viên hỗ trợ kỹ thuật các công ty, ngân hàng và cơ quan nhà nước thông báo thiết bị, tài khoản... của nạn nhân đang gặp vấn đề. Khi tiếp cận thành công sẽ sử dụng các ngôn ngữ kỹ thuật một cách thuyết phục kèm trang hỗ trợ giả.

Mục đích của chúng là dụ dỗ nạn nhân cài phần mềm truy cập từ xa, sau đó kiểm soát thiết bị, truy cập vào dữ liệu cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch trái phép.

Theo nhận định của một số chuyên gia công nghệ, do xu hướng chuyển đổi số rầm rộ tại các ngân hàng trong thời gian qua, cũng như sự phổ biến của xu hướng mua sắm không dùng tiền mặt, thương mại điện tử, trong khi kiến thức bảo mật của người tiêu dùng còn hạn chế, dẫn đến tội phạm liên tục nhắm đến người dùng Việt.

Ông Vũ Ngọc Sơn – Giám đốc Công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho rằng, các chiêu thức lừa đảo tuy không mới nhưng nội dung kịch bản của các đối tượng lừa đảo đưa ra ngày càng tinh vi, cập nhật theo các sự kiện của xã hội nên nạn nhân rất khó phân biệt thật giả.

Các hình thức lừa đảo phổ biến có thể kể đến như lừa đảo liên quan đến vấn đề pháp lý: Các đối tượng giả mạo cơ quan quản lý nhà nước như công an, thanh tra giao thông, cán bộ cơ quan thuế…. thông báo về các vi phạm pháp luật và yêu cầu nạn nhân làm theo các hướng dẫn, thực chất là chiếm đoạt thông tin, chiếm đoạt tài sản.

Lừa đảo liên quan đến vấn đề xã hội: Các đối tượng sử dụng các tài khoản mạng xã hội hack được, sử dụng các công nghệ giả dạng như deepfake, từ đó mạo danh người thân, bạn bè, nhà trường để lừa nạn nhân chuyển một số tiền lớn cho chúng

Lừa đảo liên quan đến việc làm, đầu tư: Các đối tượng tạo lập các hội nhóm, mời gọi việc nhẹ lương cao, đầu tư tài chính lãi suất khủng, qua đó lừa người dùng nạp tiền để tham gia, lúc đầu có thể là số tiền nhỏ, sau đó tăng dần và người dùng đâm lao lại phải theo lao.

Lừa đảo liên quan đến khuyến mãi, trúng thưởng: Dựng ra các chương trình trúng thưởng, khuyến mãi… để lừa người dùng nộp tiền phí vận chuyển.

Lừa đảo liên quan đến ứng dụng giả mạo, tin nhắn giả mạo: tạo lập các trang web giả mạo, gọi điện hướng dẫn cài phần mềm giả mạo, trạm BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo, từ đó lừa chiếm quyền điều khiển điện thoại, chiếm tài khoản và chiếm đoạt tài sản.

Nhận diện lừa đảo thế nào?

Chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho biết, gần đây, kẻ xấu đã sử dụng công nghệ cao như Deepfake hoặc AI để lừa đảo nạn nhân. Do năng lực tính toán của các ứng dụng Deepfake chưa thực sự trở nên hoàn hảo nên các clip chế từ Deepfake thường có dung lượng nhỏ, thời gian ngắn, chất lượng âm thanh, hình ảnh không cao, chỉ cần tinh mắt một chút là có thể nhận diện.

Dễ nhận thấy nhất là khuôn mặt khá cứng và ít cảm xúc hơn. Hình thể của nhân vật trong Deepfake cũng sẽ ít di chuyển hơn so với các clip thông thường. Vì vậy, nếu để ý kỹ có thể phát hiện ra được. Bạn không nên tin vào các clip có thời lượng ngắn, chất lượng clip thấp, nhòe, không rõ, khuôn mặt ít biểu cảm, giọng nói không trơn tru hoặc quá đều đều, không ngắt nghỉ.

Bên cạnh đó, do Deepfake được tạo ra bằng AI nên sẽ có những "điểm yếu" tồn tại như độ rung của máy quay, ánh sáng, đổ bóng, biểu cảm khuôn mặt, cảm xúc trong giọng nói… Hiện tại đã có những giải pháp công nghệ để phát hiện ra các clip được tạo từ Deepfake, tuy nhiên các công nghệ này chưa phổ biến và cách dùng phức tạp hơn so với các ứng dụng tạo Deepfake.

Tất nhiên, công nghệ luôn là một quá trình phát triển không ngừng và các công nghệ giúp Deepfake ngày càng giống thật hơn sẽ đến trong thời gian gần, đòi hỏi các công nghệ chống Deepfake cũng phải cải tiến liên tục để có thể phát hiện ra.

Một chiêu thức đánh cắp thông tin tài khoản phổ biến từ xưa tới nay là cài virus vào máy tính hoặc điện thoại của người dùng, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn cho biết, việc cài phần mềm diệt virus gần như là bắt buộc nếu người dùng muốn bảo vệ máy tính, điện thoại khỏi sự tấn công của mã độc. Tuy nhiên các loại mã độc sẽ ngày càng tinh vi và có khả năng lẩn tránh sự phát hiện của các phần mềm diệt virus. Vì vậy, bên cạnh việc cài thường trực phần mềm diệt virus, người dùng cần cập nhật thường xuyên các thông tin cảnh báo mới, luôn nâng cao cảnh giác và hạn chế truy cập vào các trang web, tải các phần mềm không rõ nguồn gốc.

Ở góc độ quản lý, theo chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, hiện nay về cơ sở pháp lý chúng ta đã đủ để xử lý các loại tội phạm lừa đảo trực tuyến. Tuy nhiên, với sự phổ biến của các giao dịch, chuyển khoản online, những số tiền lớn có thể chuyển đi chỉ bằng vài thao tác trên điện thoại khiến cho các nạn nhân chỉ trong vài phút có thể mất đến tiền tỉ. Chính nguồn tiền khổng lồ chiếm đoạt được từ những nạn nhân chính là động lực khiến cho các đối tượng lừa đảo ngày càng bất chấp pháp luật và ngày càng liều lĩnh hơn.

"Chúng ta cần sự vào cuộc của tất cả các thành phần trong xã hội. Các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý các hành vi phạm tội, đồng thời tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân. Các cơ quan, doanh nghiệp tăng cường giám sát, bảo vệ thông tin người dùng. Người dùng cá nhân cần nâng cao cảnh giác, có ý thức tự bảo vệ thông tin cá nhân, không tham gia các hội nhóm không rõ nguồn gốc, không cài đặt ứng dụng không chính thống, xác minh lại tất cả các thông tin nhận được chứ không nên nghe theo luôn", ông Vũ Ngọc Sơn nói.

Nếu bạn nhận thấy mình vừa bị lừa đảo, hãy làm theo các bước sau: Dừng việc gửi tiền và chặn tất cả các liên lạc từ kẻ lừa đảo. Liên hệ ngay lập tức với ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính mà bạn sử dụng dịch vụ, để yêu cầu họ dừng mọi giao dịch. Thu thập và lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan công an địa phương. Cảnh báo cho gia đình và bạn bè về trò lừa đảo bạn vừa mắc phải để giúp họ đề phòng. Tạo mật khẩu mới mạnh hơn cho các tài khoản ngân hàng của bạn. Liên tục theo dõi thông tin cảnh báo từ các trang web phòng chống tội phạm của cơ quan chức năng, chẳng hạn như trang khonggianmang.vn

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nhung-hinh-thuc-lua-dao-truc-tuyen-nguoi-viet-de-dinh-bay-nhat-169250216104422207.htm
Zalo