Một số quy định mới, phân cấp trong công tác đảm bảo an toàn PCCC và CNCH

Ủy ban nhân dân huyện Mê Linh, Hà Nội vừa tổ chức Hội nghị triển khai, tập huấn, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 50/2024/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP của Chính phủ về PCCC và CNCH.

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Tại hội nghị, các đại biểu đã được giới thiệu chi tiết Nghị định số 50/2024/NĐ-CP, trong đó, phân tích một số điểm mới nổi bật, sửa đổi bổ sung của nghị định số 50/2024/NĐ-CP so với nghị định số 136/2020/NĐ-CP. Theo đó, 50/2024/NĐ-CP đã làm rõ hơn đối tượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, bao gồm cơ sở đang hoạt động và cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; đồng thời, điều chỉnh các phụ lục I, II, III, IV của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP theo hướng rõ ràng và cụ thể hơn về quy mô và phân cấp quản lý.

Điều chỉnh số lượt kiểm tra an toàn PCCC định kỳ đối với cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC (theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, chế độ kiểm tra định kỳ đối với cơ sở thuộc phụ lục II là 02 lần/năm, nay điều chỉnh thành 01 lần/năm).

Quy định rõ ràng hơn về các trường hợp thuộc đối tượng phải tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động; phân cấp thẩm quyền tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động cho các các cơ quan trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC đối với cơ sở (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an cấp huyện, UBND cấp xã).

Thay đổi đối với các thủ tục hành chính về PCCC và CNCH, giảm thành phần hồ sơ khi nộp thủ tục hành chính; phân cấp mạnh thẩm quyền giải quyết về Công an địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện).

Cũng tại Hội nghị, UBND xã, thị trấn và Công an xã, thị trấn của huyện Mê Linh cũng đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý theo dõi hoạt động PCCC.

Qua đó, hội nghị đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương trong thực hiện công tác PCCC và CNCH; nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và cá nhân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH.

A.N

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-so-quy-dinh-moi-phan-cap-trong-cong-tac-dam-bao-an-toan-pccc-va-cnch-post582846.antd
Zalo