Kỳ vọng bãi giữa sông Hồng thành không gian xanh

Quá trình đô thị hóa tại Thủ đô Hà Nội diễn ra nhanh chóng khiến không gian sống bị thu hẹp, người dân thiếu địa điểm vui chơi giải trí, nhất là khu vực lõi nội đô.

Nhiều người kỳ vọng sau khi Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được phê duyệt sẽ là cơ hội lớn để Hà Nội giải bài toán thiếu không gian xanh.

Dư địa lớn để khai thác

Theo thống kê, chỉ riêng khu vực bãi nổi sông Hồng (tức bãi giữa) đã có diện tích tương đối lớn với khoảng 329ha nằm trải dài qua địa phận của 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. Thế nhưng, có một thực tế là nhiều diện tích đất hoang hóa tại đây chưa được đưa vào khai thác; phát sinh các vấn đề vi phạm đê điều; các hộ thuê thầu đang tổ chức sản xuất theo hướng tự phát, không bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa sông Hồng để cải thiện cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Linh

Khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa sông Hồng để cải thiện cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hải Linh

Cùng với đó là phần lớn diện tích bãi nổi nằm trong khu vực giáp ranh giữa các quận nên việc phân định ranh giới trên thực địa gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực này chưa được quan tâm, thống nhất phương thức quản lý dẫn đến tình trạng vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng…

Ths.KTS Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, bên cạnh những tồn tại nêu trên thì việc làm sao có thể khai thác, phát huy tối đa giá trị không gian, cảnh quan bãi nổi sông Hồng đã được các cấp, các ngành đặt ra từ lâu. Song, những năm trước đây, vấn đề này gặp phải rào cản về pháp lý, đặc biệt là các quy định về Luật Đê điều. Với việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được UBND TP Hà Nội phê duyệt đã tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan đô thị quan trọng của Thủ đô, đặc biệt là khu vực bãi giữa, nhằm tạo lập không gian xanh ngay trong lòng TP.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, khu vực bãi bồi giữa sông Hồng quan trọng nhất nằm ở dưới cầu Long Biên, chủ yếu thuộc địa bàn hành chính quận Hoàn Kiếm, là một không gian xanh rộng lớn với khoảng 23ha. Những năm gần đây, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích bãi giữa ít thay đổi.

Trong khi đó, phía trên thượng nguồn sông Hồng các công trình thủy điện lớn nhỏ được xây dựng khiến con sông không còn nhiều lũ và lũ lớn như xưa nên ngay cả khi mùa mưa, bãi bồi giữa sông Hồng vẫn trở thành cánh đồng hoa màu, mùa nào cây nấy, đồng thời cũng là điểm vui chơi tự phát của nhiều người dân Thủ đô. Từ đó có thể khẳng định tiềm năng, cũng như nhiều dư địa lớn của bãi giữa sông Hồng cần được quan tâm khai thác.

“Khu vực bãi giữa sông Hồng là quỹ đất đáng quý từ thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội. Đây cũng là không gian duy nhất còn lại của quận Hoàn Kiếm, cùng với 3 quận khác là Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên có thể tạo dựng một không gian công cộng xanh, sinh thái hấp dẫn” - ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay.

Người dân đồng tình, ủng hộ

Cũng theo ông Nguyễn Toàn Thắng, quận Hoàn Kiếm phối hợp với các quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên đang từng bước lập quy hoạch, lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa sông Hồng xứng tầm với vị thế tại khu vực, khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, cụ thể hóa về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt.

Trong đó, trọng tâm là sẽ tăng cường phát triển các mô hình xanh: công viên, cây xanh chuyên đề - nông nghiệp đô thị có chất lượng và kỹ thuật cao, nông nghiệp du lịch,... thu hút các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao (dịch vụ, du lịch, thể thao,...) phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tạo lập các không gian xanh: công viên đô thị, công viên chuyên đề, công viên ngập lũ trên cơ sở khai thác cảnh quan hai bên sông Hồng phù hợp điều kiện tự nhiên, theo các thềm địa hình và hiện trạng sử dụng đất. Khu vực bãi sông và dòng sông hầu hết là khu vực không ổn định, phù hợp cho các không gian sinh thái, phục hồi tự nhiên.

Tại một số khu vực tiếp giáp với khu vực nội đô lịch sử được định hướng sẽ kè cứng, tạo điều kiện tổ chức các không gian công cộng văn hóa tiếp giáp với mặt nước. Bên cạnh đó, là giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị dựa trên nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng tổng hợp. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên, nông nghiệp, nông nghiệp đô thị kết hợp với các hoạt động du lịch, ngoài trời, nâng cao hiệu quả sử dụng…

Bà Trần Thị Thành, số nhà 24, ngõ 43 Bạch Đằng, phường Chương Dương cho biết, việc các cơ quan chức năng có chủ trương lập quy hoạch, cũng như xây dựng đề án biến toàn bộ khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên đô thị, công viên sinh thái xanh nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân, đồng thời bà con cũng rất vui mừng, phấn khởi khi quy hoạch, đề án được triển khai sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ cảnh quan đô thị khu vực này.

Bởi thực tế nhiều năm qua ở phường Chương Dương, nhất là khu vực sát với bờ vở (bờ lở sông Hồng) là các khu dân cư đông đúc, mật độ cao, nhiều ngõ ngách với nhà cửa chật chội. Đặc biệt, dọc theo khu vực bờ vở là các cống nước thải trực tiếp ra sông Hồng, thêm vào đó là tình trạng một bộ phận người dân thiếu ý thức vứt, xả rác, đốt rác bừa bãi.

Cùng với tình hình thượng nguồn xây dựng thêm các đập thủy điện, điều này khiến khu giữa bờ vở và bãi giữa thuộc quận Hoàn Kiếm trở thành nước tù đọng, kém lưu thông, dẫn đến mùi hôi thối. Vấn đề ô nhiễm này được giảm đi khi vào mùa mưa dòng sông sẽ rửa trôi rác và nước thải tụ đọng tại đây.

Cùng bày tỏ mong muốn quy hoạch, đề án được thực hiện, bà Đỗ Thị Kim Ánh, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư Bạch Đằng, phường Chương Dương chia sẻ, vấn đề lập quy hoạch, đề án khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên xanh, công viên sinh thái là hết sức cần thiết, bởi ngoài việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực bãi giữa còn có tác dụng làm chuyển biến các tồn tại về mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường tại khu vực bờ vở.

Bà Ánh cho biết thêm, bên cạnh việc chờ đợi đến ngày quy hoạch, đề án được thực hiện, thì các tầng lớp Nhân dân trong khu dân cư Bạch Đằng thời gian qua cũng không ngừng hưởng ứng lời kêu gọi vì một môi trường xanh phát triển bền vững của quận Hoàn Kiếm tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom rác thải tồn đọng. Từ đó đã hình thành tuyến đường sạch đẹp với không gian của vườn cây xanh, nhiều loài hoa và là địa chỉ xanh để người dân sinh sống trong khu dân cư, tổ dân phố đến tham quan, vui chơi giải trí, tập luyện thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe.

Việc cần triển khai thời điểm này là lập quy hoạch, lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên vốn có của sông Hồng và lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại. Đồng thời là điểm đến giàu sức thu hút, để cộng đồng và khách du lịch cảm nhận, trải nghiệm về một trong những loại hình không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên sinh thái xanh trên mặt nước.

Ths.KTS Nguyễn Toàn Thắng - Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm

Huy An

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ky-vong-bai-giua-song-hong-thanh-khong-gian-xanh.html
Zalo