Một số hạn chế cần được khắc phục để dạy Nội dung Giáo dục địa phương hiệu quả
Để khắc phục khó khăn khi dạy Nội dung Giáo dục địa phương, cần sự phối hợp chặt chẽ từ cơ quan quản lý, nhà trường và địa phương; ứng dụng CNTT trong bài giảng.
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, ở cấp tiểu học, Nội dung Giáo dục địa phương được tích hợp với Hoạt động trải nghiệm và lồng ghép vào các môn học phù hợp với nội dung theo quy định. Ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông, Nội dung Giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác, được biên soạn theo chủ đề hoặc nhóm chủ đề.
Song, trên thực tế, Nội dung Giáo dục địa phương vẫn còn gặp khó khăn khi triển khai tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt trong công tác giảng dạy.
Phần lớn giáo viên chưa được đào tạo bài bản giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, những năm qua, tỉnh Bắc Giang thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có Nội dung Giáo dục địa phương, song vẫn còn một số khó khăn tồn đọng cần được giải quyết.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo cụ thể việc triển khai thực hiện Nội dung Giáo dục địa phương tại các đơn vị trực thuộc. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, việc dạy học nội dung này ở một số đơn vị vẫn còn nhiều thách thức, chưa đảm bảo sự linh hoạt, khoa học trong việc bố trí thời điểm dạy học. Trong đó, một số đơn vị còn tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, nên việc phân công dạy học các chủ đề chưa đảm bảo hiệu quả tối ưu.
Theo vị Giám đốc Sở, tài liệu giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương tại tỉnh Bắc Giang đã được Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện biên soạn, thẩm định và phân phối theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm học 2024-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã biên soạn đầy đủ các tài liệu Nội dung Giáo dục địa phương từ lớp 6 đến lớp 12, để thực hiện đồng bộ chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, việc phân phối những tài liệu này còn đang gặp khó ở khâu in ấn và xuất bản.
Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã tạm thời chuyển bản mềm tài liệu đến các cơ sở giáo dục, để giáo viên và học sinh có thể sử dụng trong quá trình dạy và học, song, việc sử dụng tài liệu dưới dạng bản mềm chưa thực sự thuận tiện, gây ra một số hạn chế trong quá trình giảng dạy.
Tương tự, tại tỉnh An Giang, việc triển khai dạy học Nội dung Giáo dục địa phương hiện cũng đang gặp khó. Ông Huỳnh Duy Khánh - Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang) cho hay, do địa phương có nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa đa dạng so với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nên việc bồi dưỡng kiến thức về tài nguyên thiên nhiên, du lịch, con người cho học sinh trên địa bàn tỉnh là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, việc triển khai Nội dung Giáo dục địa phương tại tỉnh hiện còn nhiều thách thức chưa thể giải quyết triệt để.
“Hiện nay, năng lực và kỹ năng giảng dạy của giáo viên đối với Nội dung Giáo dục địa phương vẫn còn có sự chênh lệch giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, phần lớn giáo viên chưa được đào tạo bài bản về phương pháp giảng dạy nội dung này, dẫn đến hiệu quả giảng dạy chưa đồng đều.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động Giáo dục địa phương, đặc biệt là những hoạt động ngoại khóa như tham quan thực tế, trải nghiệm tại các di tích lịch sử, hay tổ chức các sự kiện văn hóa, lịch sử địa phương, thường đòi hỏi nguồn ngân sách khá lớn. Đây là một thách thức lớn cho các trường học trong việc đảm bảo các hoạt động này diễn ra thường xuyên và đạt hiệu quả giáo dục cao”, ông Khánh lý giải.
Ông Huỳnh Duy Khánh thông tin: “Tính đến thời điểm hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang đã biên soạn toàn bộ Nội dung Giáo dục địa phương từ lớp 1 đến lớp 12 và đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định phê duyệt tài liệu.
Tuy nhiên, đến nay, tài liệu Giáo dục địa phương của các khối lớp 5, lớp 9 và lớp 12 vẫn chưa được phát hành chính thức, do vướng mắc ở khâu thẩm định giá sách. Trong khi đó, việc xác định giá sách cần phải đảm bảo hài hòa giữa chi phí in ấn, phát hành và khả năng tiếp cận của học sinh. Đây là một trong những vấn đề mà tỉnh và các cơ quan liên quan cần sớm tháo gỡ, để tài liệu được đưa vào giảng dạy đồng bộ.
Bên cạnh đó, quá trình biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương cũng gặp một số khó khăn trong việc sử dụng hình ảnh minh họa. Để đảm bảo tính pháp lý và bản quyền, tất cả hình ảnh sử dụng trong tài liệu đều phải được xác minh về quyền tác giả và có sự đồng ý của các tác giả hoặc nhà xuất bản sở hữu hình ảnh. Việc này đòi hỏi sự cẩn trọng và đầu tư về mặt thời gian, do ban biên soạn tài liệu cần phối hợp cùng các tác giả, nhà xuất bản nhằm đảm bảo tài liệu được biên soạn đúng quy định về sở hữu trí tuệ và không vi phạm bản quyền”.
Cũng theo Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học và Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang), Nội dung Giáo dục địa phương đóng vai trò quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, nên việc môn học này đang gặp khó khăn tại địa phương là một vấn đề đáng lo ngại.
“Nội dung Giáo dục địa phương nhằm giúp học sinh hiểu và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương, đồng thời nâng cao nhận thức về môi trường, con người và các đặc điểm kinh tế, xã hội nơi mình sinh sống. Từ đó, góp phần phát triển nhân cách học sinh, phát huy giá trị văn hóa và truyền thống địa phương, đáp ứng nhu cầu giáo dục đa dạng và tạo sự kết nối giữa gia đình, nhà trường với cộng đồng.
Do đó, Nội dung Giáo dục địa phương có một vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức của học sinh về cộng đồng, quê hương, đất nước và phát huy các giá trị văn hóa, xã hội; từ đó thực hiện tốt và hiệu quả nội dung chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Vì vậy, các cơ quan quản lý cần phối hợp với các cơ sở giáo dục để có những biện pháp cụ thể hơn nữa, nhằm gỡ khó cho hoạt động giáo dục này trong thời gian tới”, ông Huỳnh Duy Khánh cho hay.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Thái Đình Huyên - Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên) cho rằng: “Nội dung Giáo dục địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh hiểu biết về văn hóa, lịch sử địa phương và các giá trị truyền thống của địa phương mình để phát triển lòng tự hào và ý thức bảo tồn di sản văn hóa. Cùng với đó, cung cấp cho học sinh những kiến thức và kỹ năng cần thiết để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống hàng ngày tại địa phương, nhằm nâng cao khả năng thích ứng và sáng tạo, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp và tinh thần đoàn kết.
Ngoài ra, Nội dung Giáo dục địa phương cũng giúp học sinh nhận thức rõ hơn về các ngành nghề và cơ hội việc làm tại địa phương, từ đó có thể định hướng nghề nghiệp phù hợp với điều kiện và nhu cầu cụ thể của học sinh.
Tuy nhiên, để thực hiện tốt những vai trò trên, tài liệu Nội dung Giáo dục địa phương cần phải được chỉnh lý, bổ sung hằng năm để đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương cụ thể”.
Cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể nhằm gỡ khó
Theo ông Thái Đình Huyên, nhằm hỗ trợ các trường học trong việc triển khai hiệu quả Nội dung Giáo dục địa phương, những giải pháp gỡ khó cho môn học này cần được đẩy mạnh hơn trong thời gian tới.
Cụ thể, tại tỉnh Điện Biên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên về nội dung và phương pháp giảng dạy Nội dung Giáo dục địa phương, tập trung vào một số nội dung quan trọng như: hướng dẫn sử dụng tài liệu Giáo dục địa phương; hướng dẫn xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra, đánh giá và khuyến khích các trường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, trải nghiệm thực tế để học sinh có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các giá trị văn hóa, lịch sử và kinh tế của địa phương.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên cũng tích cực chủ động phối hợp hiệu quả với cơ quan, tổ chức địa phương, nhằm bổ sung tư liệu biên soạn tài liệu. Sở cũng đề nghị các địa phương trên địa bàn tỉnh tham gia góp ý, điều chỉnh, bổ sung các bản thảo tài liệu, cũng như cử chuyên gia phối hợp trong công tác thẩm định tài liệu. Đặc biệt, các đơn vị trường học trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với ban quản lý khu di tích, bảo tàng, tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang, ông Tạ Việt Hùng cũng cho rằng, để triển khai tốt Nội dung Giáo dục địa phương, cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý với nhà trường và địa phương.
“Để hỗ trợ các nhà trường trong việc triển khai hiệu quả Nội dung Giáo dục địa phương, ngay sau khi tài liệu biên soạn môn học này tại địa phương được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý và giáo viên các đơn vị trường học xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, hướng dẫn sử dụng và khai thác tài liệu về nội dung này. Sở cũng thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn cấp tỉnh Nội dung Giáo dục địa phương, nhằm đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, tạo cơ hội để các đơn vị chia sẻ những cách làm hiệu quả và kịp thời tư vấn, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học nội dung này. Cùng với đó, việc chỉ đạo đội ngũ chuyên môn thực hiện các đề tài khoa học về Nội dung Giáo dục địa phương để có nguồn tư liệu hỗ trợ cho giáo viên và học sinh, cũng được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh chú trọng.
Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cũng phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo các cơ sở giáo dục làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan, tổ chức địa phương (các cơ quản quản lý văn học, bảo tàng, di tích, nhà văn hóa...), để kịp thời bổ sung, cập nhật những nguồn tư liệu về địa phương sát với thực tiễn và thực hiện hiệu quả mô hình, dự án dạy học gắn với trải nghiệm thực tế, giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về những vấn đề của địa phương, từ đó nuôi dưỡng tình yêu, ý thức trách nhiệm với quê hương của học sinh”, vị Giám đốc Sở nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ những khó khăn đối với Nội dung Giáo dục địa phương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang có một số đề xuất, kiến nghị:
Thứ nhất, các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của Nội dung Giáo dục địa phương trong chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ hai, tăng cường tổ chức tập huấn, sinh hoạt chuyên môn các cấp với Nội dung Giáo dục địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả việc tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá đối với hoạt động giáo dục này.
Thứ ba, tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế: Tổ chức thường xuyên các chuyến tham quan, thực tế tại bảo tàng, khu di tích, hoặc cơ sở sản xuất địa phương. Lồng ghép các dự án thực tế, như tham gia phục dựng các lễ hội truyền thống hoặc làm video giới thiệu về các điểm đến văn hóa địa phương.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy: Phát triển các ứng dụng học tập tích hợp Nội dung Giáo dục địa phương, hỗ trợ học sinh khám phá văn hóa, lịch sử thông qua các trò chơi và video tương tác.