Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển lĩnh vực bán dẫn

Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt cơ hội liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn chính là việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Để làm được việc này thì ngành phải trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học.

Ngành công nghiệp bán dẫn, với vai trò là nền tảng của hầu hết các công nghệ hiện đại, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội và công nghệ toàn cầu. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 04/12/2024 về việc đẩy mạnh đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và một số ngành công nghệ số cốt lõi và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về việc thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn.

Thông tin về việc thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Anh Dũng cho rằng, chuẩn chương trình này không chỉ là căn cứ để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo, mà còn là nền tảng để thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo thí điểm, chương trình đào tạo thứ hai, và chương trình đào tạo liên thông liên quan đến vi mạch bán dẫn.

Đối với Việt Nam, một trong những nhiệm vụ quan trọng để triển khai thành công và nắm bắt cơ hội liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn chính là việc chuẩn bị nguồn nhân lực. Và để làm được việc này thì ngành phải trông cậy vào các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu về đào tạo các ngành kỹ thuật công nghệ, trong đó có vi mạch bán dẫn.

Chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn được xây dựng trên tinh thần không chỉ đào tạo trình độ đại học, mà còn tiếp cận và tiếp nhận những sinh viên năm 2,3,4 có nhu cầu chuyển sang học vi mạch bán dẫn, đồng thời tiếp cận theo hướng đào tạo những người tốt nghiệp đại học nhưng vẫn có nhu cầu học tập.

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Anh Dũng

Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Anh Dũng

GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời thuộc Hội đồng tư vấn của Bộ GD-ĐT nhận định, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển lĩnh vực bán dẫn. Thực tế thời gian qua, nhiều lãnh đạo các tập đoàn và các trường đại học lớn trên thế giới đều nhận định, đây là cơ hội bứt phá để Việt Nam gia nhập sâu hơn vào lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

Theo GS.TS Chử Đức Trình, mục tiêu của chuẩn chương trình đào tạo là nền tảng để thiết kế, triển khai các chương trình đào tạo, thí điểm và liên thông, chương trình linh hoạt, hiện đại, cung cấp nền tảng chung và kiến thức chuyên sâu về vi mạch bán dẫn, tích hợp chuỗi giá trị, kết hợp học thuật và thực tiễn, cơ sở đạt chuẩn có thể tổ chức đào tạo, giảng dạy bằng tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế. Chương trình trang bị kiến thức cơ bản và chuyên sâu về vi mạch bán dẫn; phát triển kỹ năng thiết kế, mô phỏng, chế tạo, kiểm tra vi mạch, sinh viên tham gia dự án thực tế, khuyến khích tư duy sáng tạo, đào tạo khả năng làm việc toàn cầu, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế.

GS.TS Chử Đức Trình cũng cho rằng, từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực giảng dạy và nghiên cứu cho giảng viên, khuyến khích tham gia hội thảo chuyên ngành, dự án hợp tác với doanh nghiệp và tổ chức nghề nghiệp. Đặc biệt, sau năm 2030, chương trình cần tiếp tục duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên theo hướng chuyên sâu, chú trọng vào năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Đội ngũ giảng viên phải đạt trình độ chuyên môn cao hơn, có khả năng lãnh đạo các dự án nghiên cứu lớn và thực hiện các chương trình hợp tác quốc tế.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Lạc Hồng, việc thành lập Hội đồng tư vấn xây dựng Chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học về vi mạch bán dẫn là bước tiến lớn nhằm đáp ứng nhu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chương trình này không chỉ bám sát nhu cầu thực tiễn của lao động trong nước, mà còn tham chiếu các quy chuẩn của nhiều nước trên thế giới. Điều này thể hiện sự đầu tư và tầm nhìn của giáo dục Việt Nam tiệm cận với trình độ toàn cầu.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-phat-trien-linh-vuc-ban-dan-post1150626.vov
Zalo