Một số dịch bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

Sáng 28/11, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu chính.

 Điểm cầu tại Bộ Y tế.

Điểm cầu tại Bộ Y tế.

Tại hội nghị, Bộ Y tế đã báo cáo đánh giá về tình hình phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đó, hiện dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến phức tạp, một số bệnh như đậu mùa khỉ, sốt xuất huyết, sốt rét, sởi, ho gà... có xu hướng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới. WHO đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới.

Tình hình bệnh truyền nhiễm trong nước cơ bản vẫn được kiểm soát: Số mắc, tử vong do các bệnh như sốt xuất huyết, tay chân miệng, giảm so với cùng kỳ năm trước. Bệnh dại và các bệnh dự phòng bằng vắc xin (sởi, ho gà...) ghi nhận số ca mắc tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bệnh sởi, ho gà, tay chân miệng, sốt xuất huyết... tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, ổ dịch và có tăng cục bộ ở một số địa phương.

Ghi nhận 02 trường hợp mắc cúm A (H5N1), trong đó có trường hợp tử vong (là trường hợp mắc thứ 3 và là ca tử vong đầu tiên kể từ 2014). Trường hợp đầu tiên mắc cúm A (H9N2) và trường hợp liệt mềm cấp nghi bại liệt. Dịch bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến khó lường và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện, lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi.

Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều và trong bối cảnh toàn cầu hóa phát triển. Nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao cùng với diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh, nên nguy cơ đối mặt với sự lây truyền của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.

Về các biện pháp chống dịch trong thời gian tới: Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng. Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, chủ động công tác giám sát trường hợp bệnh, giám sát tác nhân gây bệnh và xử lý triệt để ổ dịch: Bệnh lưu hành (tay chân miệng, sốt xuất huyết…); các bệnh dự phòng bằng vắc xin (sởi, ho gà, bạch hầu); bệnh viêm phổi nặng do vi rút và các bệnh lây qua đường hô hấp (cúm mùa, cúm gia cầm độc lực cao…); các bệnh nguy hiểm, mới nổi (đậu mùa khỉ…). Giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong.

 Tại điểm cầu Sở Y tế Bắc Kạn.

Tại điểm cầu Sở Y tế Bắc Kạn.

Chủ động phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ và chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống dịch bệnh. Thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét; duy trì và tăng cường tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong TCMR; tổ chức các chiến dịch tiêm chủng vắc xin chống dịch. Đảm bảo công tác thu dung, điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển nặng, tử vong; thực hiện nghiêm quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn, không để lây nhiễm. Rà soát đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, vắc xin, trang thiết bị, nhân lực... theo phương châm 4 tại chỗ.

Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm, các biện pháp xử lý ổ dịch, vắc xin, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cấp cứu người bệnh, kiểm soát lây nhiễm. Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo kịp thời công tác phòng chống dịch, tập trung vào khu vực ghi nhận ổ dịch, các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp hoặc chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20.000 trường hợp nghi sởi, trong đó có gần 5.000 ca dương tính. So với cùng kỳ năm 2023, số ca nghi sởi cao hơn 52,9 lần, số ca sởi dương tính cao hơn 111 lần.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường. Triển khai hiệu quả các chiến dịch tiêm vắc xin tại các cơ sở giáo dục, các trường học. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật, nhất là cúm gia cầm, bệnh dại, bệnh than... phòng, chống lây nhiễm sang người. Tăng cường truyền thông về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, tiêm chủng vắc xin và thay đổi hành vi, nâng cao sức khỏe.../.

Lý Dũng

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/mot-so-dich-benh-truyen-nhiem-dien-bien-phuc-tap-post67714.html
Zalo