Một 'ông lớn' ngành gas phong tỏa tài khoản ngân hàng để khởi kiện sếp cũ

Doanh nghiệp này là một trong 3 đơn vị chiếm lĩnh thị phần gas dân dụng lớn nhất cả nước.

Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Dầu khí An Pha (Anpha Petrol, mã chứng khoán ASP) đã công bố thông tin bất thường đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE).

Cụ thể, Anpha Petrol cho biết ngày 6-2, doanh nghiệp đã nhận được quyết định thực hiện biện pháp bảo đảm số 17/2025 ngày 4-2-2025 của TAND TP HCM về việc phong tỏa tài sản bảo đảm trong tài khoản của công ty tại Ngân hàng ACB chi nhánh Nam Sài Gòn.

Đáng chú ý, quyết định này nhằm phục vụ việc khởi kiện của công ty đối với người quản lý cũ, liên quan đến việc điều hành quản lý. Tên người này không được công bố.

Theo báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2024, "ghế nóng" tại Anpha Petrol có nhiều sự biến động lớn.

Điển hình, hồi tháng 6-2024, ông Takehiko Kawamoto rời ghế chủ tịch và thay thế vị trí này là ông Tomohiko Kawamoto.

Bên cạnh đó, bốn thành viên khác của HĐQT Anpha Petrol là ông Trần Minh Loan, Yasuyoshi Kasahara, Hosokoji Yu, Shimbori Toshiyuki cũng bị miễn nhiệm và sau đó cũng được thay thế bởi người khác, đều là người nước ngoài.

Biến động dàn lãnh đạo của Anpha Petrol trong năm qua

Biến động dàn lãnh đạo của Anpha Petrol trong năm qua

Anpha Petrol tiền thân là Công ty TNHH DV – TM Gia Đình (nay là Công ty TNHH MTV Khí Đốt Gia Đình) được thành lập vào tháng 4-1999.

Tháng 4-2004, do nhu cầu phát triển, Công ty Dầu Khí An Pha S.G (nay là Anpha Petrol) được thành lập, với mục đích đầu tư và quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng đầu vào, cũng như hệ thống kho dự trữ đầu mối và vận tải LPG cho các đối tác chiến lược, cùng các công ty kinh doanh gas dân dụng với thương hiệu Gia Đình Gas.

Theo website công ty, Anpha Petrol nằm trong tốp 3 đơn vị sở hữu thị phần gas dân dụng lớn nhất trên toàn quốc, là một trong 4 công ty kinh doanh gas hàng đầu tại Việt Nam.

Với 175 cửa hàng được phân bổ khắp cả nước cùng hệ thống nhà máy chiết nạp, kho chứa đầu mối ở cả hai miền Nam Bắc, phục vụ hơn 2 triệu khách hàng hộ gia đình và doanh nghiệp.

Là công ty gas duy nhất có hệ thống hoàn chỉnh từ nhập khẩu, vận tải, tồn trữ cho đến phân phối bán buôn, bán lẻ quy mô lớn trên toàn quốc...

Dù vậy, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này không khả quan. Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2024 cho thấy, doanh thu thuần của Anpha Petrol ghi nhận 3.306 tỉ đồng, giảm xấp xỉ 12% so với năm liền trước, giảm 11% so với năm ngoái.

Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế chỉ còn vỏn vẹn 3,8 tỉ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận giảm, Anpha Petrol lý giải là do sản lượng và doanh thu bán hàng giảm; lãi các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm; thu nhập từ chuyển nhượng mảng kinh doanh tại công ty con giảm...

Tính đến cuối năm 2024, danh mục tiền và các khoản tương đương tiền của Anpha Petrol đến cuối năm 2024 giảm gần 13% so với đầu năm, giá trị chỉ còn 189,4 tỉ đồng, trong đó tiền mặt là 2,3 tỉ đồng (chiếm tỉ trọng chỉ 1,2%), tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn chiếm tỉ trọng lớn nhất, 67%, ở mức 127 tỉ đồng.

Trong khi đó, khoản nợ phải trả đến cuối năm 2024 của 'ông lớn' ngành gas đang gánh 1.285 tỉ đồng, dù đã giảm 32% so với đầu năm nhưng so với vốn chủ sở hữu (302 tỉ đồng) đang gấp hơn 4 lần, cho thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về tài chính. Lỗ lũy kế năm 2024 hiện gần 80 tỉ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ASP của Anpha Petrol bị giữ nguyên diện cảnh báo vì lí do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm và tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ trên báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7-2, cổ phiếu này có giá 4.160 đồng/cổ phiếu, tăng nhẹ 1,7% so với phiên hôm trước và tăng hơn 5% so với đầu năm 2025.

Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mot-ong-lon-nganh-gas-phong-toa-tai-khoan-ngan-hang-de-khoi-kien-sep-cu-196250208111553082.htm
Zalo