Lần đầu tiên 3 'ông lớn' ngân hàng chia nhau top đầu vốn hóa sàn HoSE

Nhờ đà tăng tích cực thời gian gần đây, VietinBank đã vượt qua Tập đoàn FPT để trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 3 sàn HoSE, chỉ xếp sau BIDV và Vietcombank.

 Tổng vốn hóa của Vietcombank, BIDV và Vietinbank vượt 1 triệu tỷ đồng. Ảnh: CTG.

Tổng vốn hóa của Vietcombank, BIDV và Vietinbank vượt 1 triệu tỷ đồng. Ảnh: CTG.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/2, thị trường chứng khoán Việt Nam thiết lập phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp với biên độ 0,29%. Với việc tiến lên mốc 1.275 điểm, VN-Index neo ở mức cao nhất kể từ đầu năm.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, chỉ số chính luôn nhận được sự thúc đẩy mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, CTG của VietinBank, BID của BIDV và TCB của Techcombank là những cái tiêu biểu khi chứng kiến hiệu suất tăng giá ấn tượng.

Bảng xếp hạng vốn hóa xáo trộn

Trong phiên 7/2, cổ phiếu CTG một lần nữa vượt đỉnh lịch sử khi tăng 3,29% lên mốc 40.800 đồng/đơn vị. Sự xuất hiện của dòng tiền lớn đẩy giá trị giao dịch khớp lệnh của CTG vượt 600 tỷ đồng, cao gấp 2 lần mức bình quân 5 ngày qua.

Nhịp tăng cũng giúp vốn hóa của VietinBank có thêm 7.000 tỷ đồng chỉ trong một phiên. Với việc tạm dừng ở ngưỡng 219.000 tỷ đồng, VietinBank chính thức vượt qua Tập đoàn FPT để trở thành doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 3 sàn HoSE, chỉ xếp sau BIDV và Vietcombank.

Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên 3 nhà băng này chia nhau vị trí dẫn đầu vốn hóa trên HoSE.

 Thị giá CTG đã tăng 45% trong vòng 1 năm qua. Ảnh: TradingView.

Thị giá CTG đã tăng 45% trong vòng 1 năm qua. Ảnh: TradingView.

Trong khi đó, Techcombank cũng vượt qua Tập đoàn Hòa Phát vào đầu tuần này để tiến lên vị trí thứ 5 quy mô vốn hóa với 182.000 tỷ đồng. Sự thay đổi này có được là nhờ cổ phiếu TCB đã tăng một mạch 4 phiên liên tiếp và dừng ở mốc 25.750 đồng/đơn vị, cao nhất 3 năm qua.

Riêng BIDV vẫn giữ vững danh hiệu doanh nghiệp lớn thứ 2 sàn HoSE với 279.000 tỷ đồng. Dù không có hiệu suất cao như các cổ phiếu cùng ngành nêu trên, cổ phiếu BID vẫn tăng gần 3% trong tuần qua và chạm mốc 40.500 đồng/đơn vị, cao nhất 4 tháng.

Sự khởi sắc của các cổ phiếu này xuất hiện trong bối cảnh hầu hết nhà băng chứng kiến kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực tại báo cáo tài chính quý IV/2024 vừa qua.

Trong đó, VietinBank ghi nhận tổng tài sản cuối năm 2024 đạt 2,4 triệu tỷ đồng, tăng hơn 17% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt gần 17%, vượt xa mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống là 15,1%.

Thu nhập từ hoạt động kinh doanh đạt 81.900 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023, còn lợi nhuận trước thuế đạt 31.800 tỷ đồng, tăng 27%.

Theo Chứng khoán Vietcap, lợi nhuận năm 2024 của VietinBank vượt dự báo do chi phí dự phòng thấp hơn dự kiến, thu nhập từ thu hồi nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng và tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.

Các chuyên gia phân tích cũng nhận thấy khả năng điều chỉnh tăng dự báo lợi nhuận trong trung hạn do động lực cải thiện chi phí tín dụng và tăng trưởng tín dụng mạnh hơn dự kiến.

Techcombank cũng có năm trở lại "câu lạc bộ" lợi nhuận tỷ USD với khoản lãi trước thuế 27.538 tỷ đồng (khoảng 1,08 tỷ USD), tăng trên 20% so với năm 2023 và vượt kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Đối với BIDV, nhà băng này mới nhận được công văn chấp thuận đề xuất tăng vốn điều lệ từ Ngân hàng Nhà nước.

Theo đó, BIDV sẽ được tăng vốn điều lệ thêm tối đa hơn 1.238 tỷ đồng thông qua phương án phát hành chào bán 123,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp với mức giá 38.800 đồng/cổ phiếu. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ BIDV dự kiến lên hơn 70.200 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, BIDV ghi nhận lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 vượt 31.383 tỷ đồng, tăng 14%. Tổng tài sản đạt 2,76 triệu tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm và trở thành ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam có tổng tài sản vượt ngưỡng 100 tỷ USD.

Triển vọng cổ phiếu ngân hàng

Theo báo cáo của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), tốc độ tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng dự báo tiếp tục duy trì mức 14-15% trong năm 2025.

Động lực cho mục tiêu này chủ yếu đến từ mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tạo lực đẩy cho nhu cầu vay vốn. Bên cạnh đó, tín dụng bán lẻ tăng tốc với lực đẩy từ hoạt động kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng, trong khi cho vay mua nhà cũng có dấu hiệu hồi phục khả quan.

Ngoài ra, tín dụng bán buôn duy trì ổn định nhờ hoạt động sản xuất, xuất khẩu tích cực, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và thị trường bất động sản tiếp đà hồi phục, kéo theo tăng trưởng tín dụng các phân khúc cho vay doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng.

NIM tăng nhẹ trong năm 2025 khi chi phí vốn được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất huy động thấp và kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt kéo giảm lãi suất trên thị trường 2, trong khi dư địa giảm tiếp lãi suất đầu ra không còn nhiều.

Tiềm năng mở rộng NIM mạnh mẽ thuộc về nhóm ngân hàng tư nhân có thế mạnh về bán lẻ và CASA, có chất lượng tài sản tốt, tệp khách hàng có khả năng trả nợ hồi phục nhanh chóng.

Nhìn chung, chất lượng tài sản toàn ngành có xu hướng cải thiện cùng với đà phục hồi của nền kinh tế cũng như hiệu quả từ các chính sách nối tiếp nhằm hỗ trợ các khách hàng gặp khó khăn (do môi trường kinh doanh không thuận lợi, thiên tai...) của Chính phủ và cơ quan điều hành.

Dự báo, lợi nhuận ngành ngân hàng tiếp tục có sự phân hóa trong năm 2025 với mức tăng trưởng khoảng 15% và triển vọng hồi phục nhanh ở nhóm ngân hàng tư nhân năng động.

VCBS cũng đánh giá triển vọng đầu tư cổ phiếu ngành ngân hàng đang ở mức phù hợp thị trường với P/B hiện thấp hơn khoảng 9% so với mức trung bình 5 năm.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/lan-dau-tien-3-ong-lon-ngan-hang-chia-nhau-top-dau-von-hoa-san-hose-post1530062.html
Zalo