Một ngân hàng tung gói vay 40.000 tỉ đồng tiếp sức doanh nghiệp nhỏ và vừa
ACB đã trở thành môt trong ngân hàng đầu tiên triển khai các giải pháp cụ thể ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân mở rộng thị trường, chuyển đổi số...
Ngay sau khi Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành, ngày 10-5, ACB đã trở thành ngân hàng đầu tiên triển khai các giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân – đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) – tiếp cận vốn, mở rộng thị trường và chuyển đổi số.
Gói vay 40.000 tỉ đồng tiếp sức doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phát biểu tại Tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" (do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào chiều 9-5), ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc ACB – nhấn mạnh: “Nếu thể chế là ‘trận địa’, thì doanh nghiệp chính là lực lượng tác chiến – và ACB cam kết là nơi cung cấp nguồn lực và giải pháp tài chính hiệu quả để họ bứt phá”.
Với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, Nghị quyết 68 đặt ra nhiều giải pháp cụ thể như miễn giảm thuế, cải thiện tiếp cận đất đai và ưu tiên tín dụng. Đây là những chính sách có tác động trực tiếp đến nhóm khách hàng doanh nghiệp của ACB – trong đó hơn 95% là DNNVV. Những thay đổi này ảnh hưởng rõ rệt đến dòng tiền, năng lực vận hành và cơ hội mở rộng của doanh nghiệp.
Đánh giá tác động từ các chính sách được đưa ra trong Nghị quyết 68, ông Từ Tiến Phát cho biết: “Nhóm giải pháp về tín dụng trong Nghị quyết này là những bước đi có tính đột phá và bám sát thực tiễn vận hành của doanh nghiệp tư nhân, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Việc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong ba năm đầu thành lập được đánh giá là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp trẻ có thêm thời gian tích lũy.
Đồng thời, chính sách hỗ trợ thuê đất công chưa sử dụng tại địa phương cũng sẽ mở ra nguồn lực đáng kể để giảm áp lực chi phí mặt bằng, vốn đang là gánh nặng lớn đối với doanh nghiệp ở khu vực đô thị và công nghiệp".

Nhiều điểm mới trong Nghị quyết 68 hướng tới phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh minh họa
Hỗ trợ doanh nghiệp số hóa và phát triển xanh
Từ góc độ tổ chức tín dụng, ACB cho rằng việc hoàn thiện chính sách tín dụng cho DNNVV cần đi kèm với hành lang pháp lý rõ ràng.
“Chính sách tín dụng ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là bước đi thực tiễn, nhưng cần hành lang pháp lý rõ ràng để tạo niềm tin cho cả ngân hàng và doanh nghiệp.”
Trong đó, vai trò của các quỹ bảo lãnh tín dụng và quỹ phát triển DNNVV là rất quan trọng – giúp ngân hàng chia sẻ rủi ro, mạnh dạn hơn trong việc cấp vốn cho những mô hình kinh doanh đổi mới, tiềm năng.
Trên tinh thần đó, ACB đã công bố gói hỗ trợ tín dụng quy mô 40.000 tỷ đồng – trong đó 20.000 tỷ đồng dành riêng cho DNNVV, với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 2% so với thông thường. Bên cạnh đó, ACB còn triển khai các sản phẩm tài chính linh hoạt như cho vay không tài sản thế chấp, tài trợ tín dụng theo chuỗi cung ứng, và thấu chi tín chấp.
Không chỉ dừng ở hỗ trợ tài chính, ACB còn đồng hành cùng DNNVV trong quá trình chuyển đổi số thông qua các giải pháp thanh toán hiện đại như QR thanh toán, Smart POS và Open API – được cung cấp miễn phí, giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành và quản lý tài chính.
Ở phương diện phát triển bền vững, ACB cũng tích cực tư vấn và cấp tín dụng cho các dự án ESG, khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, nâng cao trách nhiệm xã hội và xây dựng mô hình tăng trưởng dài hạn.
“ACB không chỉ cung cấp vốn mà còn đồng hành trong chuyển đổi số, kết nối thị trường và phát triển xanh – giúp doanh nghiệp vững vàng trước cơ hội và thách thức mới”, ông Phát nhấn mạnh.
Với các hành động thiết thực và kịp thời, ACB thể hiện vai trò là hậu phương tài chính tin cậy cho doanh nghiệp tư nhân, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững theo định hướng của Nghị quyết 68.