Một năm bùng nổ của công nghiệp điện tử

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2024, ngành điện tử đã bội thu khi mang về kim ngạch xuất khẩu 126,5 tỷ USD, đóng góp hơn 1/3 vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (405 tỷ USD) trong năm 2024. Trong đó, ngành hàng máy tính, điện tử và linh kiện đạt 72,56 tỷ USD, tăng 26,6%; còn điện thoại và linh kiện đạt 53,9 tỷ USD.

Xuất khẩu ngành hàng điện tử trong năm 2024 bùng nổ khi thu về gần 126,5 tỷ USD. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu ngành hàng điện tử trong năm 2024 bùng nổ khi thu về gần 126,5 tỷ USD. Ảnh: Quang Vinh.

Những điểm sáng

Năm vừa qua, xuất khẩu điện tử khởi sắc trở lại, đồng nghĩa đã tăng thêm gần 17 tỷ USD trong năm qua, ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu tiêu dùng và khả năng tiếp nhận đơn hàng, chứng minh năng lực sản xuất của các nhà cung ứng trong nước. Sự bứt phá trong xuất khẩu điện tử, sản phẩm công nghệ của Việt Nam phần lớn nhờ vào các tập đoàn nước ngoài. Hiện, Việt Nam là điểm đến đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Apple…

Những nhà máy từ vài chục triệu đến hàng tỷ USD sản xuất hàng công nghệ điện tử của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến từ Hàn Quốc, Mỹ và các quốc gia khác đã đóng vai trò then chốt, giúp Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu công nghệ vượt ngưỡng 100 tỷ USD/năm trong những năm gần đây.

Đáng chú ý, thị trường điện thoại di động Việt Nam đã trở thành một điểm sáng với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng khổng lồ, trong đó Apple ghi nhận thành công vượt bậc. Ba đối tác lớn của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek cũng liên tục mở rộng quy mô đầu tư sản xuất điện tử.

Các thị trường xuất khẩu chính của ngành điện tử là Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc. Riêng năm qua, xuất khẩu máy tính, linh kiện điện tử, điện thoại sang châu Âu - châu Mỹ đạt 56,9 tỷ USD, chiếm gần 45% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, chính sự ổn định về chính trị và an ninh là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ điện tử. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm các địa điểm sản xuất thay thế để giảm thiểu rủi ro và Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một lựa chọn ưu tiên.

Gỡ khó cho công nghiệp điện tử

Dù mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho nền kinh tế, song các doanh nghiệp điện tử nội địa đang gặp nhiều khó khăn. Bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho biết, hiện các doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở quy mô này, doanh nghiệp thường thiếu 3 yếu tố quan trọng: vốn, công nghệ và nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lĩnh vực điện tử của Việt Nam vẫn thiên về gia công, lắp ráp, chưa chú trọng tạo thành chuỗi cung ứng hoặc phát triển những phân khúc như thiết kế, nghiên cứu và phát triển (R&D), phân phối… để sản phẩm giá trị gia tăng cao hơn, tạo tính lan tỏa cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khác cùng phát triển.

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (HANOISME) cho rằng, để tháo gỡ các điểm nghẽn của ngành công nghiệp điện tử, doanh nghiệp trong nước phải tăng cường liên kết, hợp tác với các đối tác tại những quốc gia có nền công nghiệp lõi như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Cùng với đó, các chính sách cần quy định cụ thể hơn về nhận chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm, doanh nghiệp ngành điện tử cần nắm bắt tốt các xu hướng thương mại và đầu tư toàn cầu và đối tác chính; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất để đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh doanh tuần hoàn; tăng cường nguyên liệu sạch, nguyên liệu tại chỗ; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp cũng cần tích hợp các yếu tố phát triển bền vững trong chiến lược kinh doanh.

Song song với đó, đa dạng hóa thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tín chỉ carbon… vì đây là xu hướng không thể đổi khác. “Doanh nghiệp cần chủ động tâm thế, đón đầu xu hướng công nghệ, nhất là các lĩnh vực công nghệ mới như AI, thực tế ảo, tự động hóa, đám mây, an ninh mạng… và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu...” - TS Cấn Văn Lực nói.

Theo Bộ Công thương, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển khi nước ta có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Thêm vào đó là thị trường nội địa hơn 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của khu vực ASEAN. Thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn nhờ tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Năm 2025, để phát triển ngành công nghiệp điện tử, Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường các biện pháp bảo vệ thị trường điện - điện tử tiêu dùng nội địa như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu... Thậm chí, nhìn về tương lai, Việt Nam không chỉ dừng lại ở vai trò là nhà sản xuất mà còn có tiềm năng trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ điện tử.

D.Tiến

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mot-nam-bung-no-cua-cong-nghiep-dien-tu-10298598.html
Zalo