Hành trình xuất siêu của Đồng Nai
Trong 10 năm qua, Đồng Nai luôn giữ vững vị thế là một trong những địa phương sản xuất, xuất khẩu hàng hóa lớn nhất cả nước. Trong đó, xuất siêu ngày càng tăng cao, riêng năm 2024, tỉnh xuất siêu khoảng 6,7 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Xuất siêu tăng cao do năng lực sản xuất, xuất khẩu của cộng đồng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt. Đồng thời, tỉnh có nhiều giải pháp để DN phát triển công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ, đa dạng hóa thị trường, tận dụng lợi thế cạnh tranh từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Những con số ấn tượng
Ngược thời gian, cách đây đúng một thập niên, vào năm 2014, Đồng Nai lần đầu tiên có xuất siêu với giá trị thặng dư 500 triệu USD. Đến năm 2022, xuất siêu của Đồng Nai đã tăng lên 5,7 tỷ USD; năm 2023 là 5,93 tỷ USD; năm 2024 khoảng 6,7 tỷ USD.
Đồng Nai là một trong số ít những địa phương liên tục duy trì xuất siêu và chiếm tỷ trọng xuất siêu cao. Nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai chiếm từ 6-8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đồng thời, tỉnh luôn xếp thứ 6 hoặc thứ 7 trong các tỉnh, thành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.
Đóng góp lớn vào xuất khẩu cũng như xuất siêu của Đồng Nai phải kể đến khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm khoảng 75-85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của địa phương là hàng dệt may, giày dép, xơ sợi dệt, gỗ và các sản phẩm gỗ, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, phương tiện vận tải, sản phẩm điện tử, linh kiện… Đồng Nai có giao thương với 182 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu vào châu Á chiếm khoảng 50%, châu Mỹ 33%, châu Âu khoảng 15%, còn lại là châu Phi và châu Đại Dương.
Xuất siêu cao là do trên địa bàn Đồng Nai, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển, nhiều DN FDI tại Đồng Nai đã tìm được nguồn cung nguyên liệu đầu vào tại chỗ, giảm thiểu nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo ông Brendan Sunderland, Phó chủ tịch, Giám đốc Kỹ thuật Nhà máy Bosch Việt Nam, Bosch không phân biệt nhà cung cấp nước ngoài hay địa phương, miễn là họ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, công ty luôn chủ động tham gia các diễn đàn DN, hội nghị thượng đỉnh, triển lãm... để tận dụng cơ hội tạo dựng mạng lưới mạnh mẽ, cả từ phía nhà cung cấp và khách hàng.
Nhu cầu sử dụng sản phẩm đầu vào từ khối DN FDI tạo cơ hội cung ứng cho các DN Việt Nam.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, bên cạnh thị trường truyền thống, Đồng Nai sẽ tích cực hỗ trợ DN tìm thêm các đơn hàng, đối tác mới để đa dạng hóa thị trường. Các chuyến thăm, làm việc vừa qua của lãnh đạo tỉnh đến một số quốc gia như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc... là cơ sở để DN giữa các bên tiếp tục đẩy mạnh giao thương, hợp tác với nhau.
Tính đến nay, Đồng Nai đã thiết lập và ký kết 41 bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh lần đầu với 12 quốc gia trên thế giới và thực hiện tái ký kết 14 thỏa thuận hợp tác quốc tế cấp tỉnh với các địa phương, đối tác nước ngoài. Riêng năm 2024, Đồng Nai ký kết 5 thỏa thuận quốc tế cấp tỉnh, 4 bản thỏa thuận cấp sở.
Để cân đối hài hòa và phát huy các lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu, Đồng Nai đặt mục tiêu duy trì tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu đạt 88% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh vào năm 2025 và tăng lên 90% vào năm 2030. Bên cạnh công nghiệp chế biến chế tạo, các nhóm mặt hàng nông, lâm sản và sản phẩm đặc sản của các làng nghề cũng là lợi thế của Đồng Nai.
Theo Kế hoạch về chương trình hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 tại địa bàn tỉnh, Đồng Nai đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 6-7%/năm trong suốt giai đoạn 2021-2030. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8-9%/năm.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Các DN Việt Nam trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để nâng cấp mình nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn cao từ thị trường quốc tế, từ đó xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình.
Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai Nguyễn Duy Hưng cho biết, hiện nhiều thị trường yêu cầu cao hơn đối với các mặt hàng nhập khẩu. Đơn cử, đối với thị trường châu Âu, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa về sản xuất sạch và xanh trong sản xuất sản phẩm là những yêu cầu tiên quyết. Đáp ứng xu thế mới này đang là thách thức cho nhiều DN nhỏ và vừa trên địa bàn Đồng Nai và khi vượt qua được thách thức này thì cơ hội của cộng đồng DN là rất lớn.
Tỷ trọng xuất khẩu của các DN Việt trong cơ cấu xuất khẩu đang dần tăng lên. Những hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương mà Việt Nam đã ký kết đã mang lại nhiều cơ hội cho DN trong mở rộng xuất khẩu. DN phải nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình về mô hình kinh doanh, về chiến lược quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ. Từ đó, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, tận dụng tối đa các lợi thế mà các hiệp định thương mại mang lại.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH Nam Long Lê Bạch Long chia sẻ, Nam Long đã xuất khẩu sản phẩm sang Hàn Quốc, Nhật Bản và đang tìm thêm thị trường mới ở khu vực Trung Đông, châu Đại Dương... Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai thường xuyên phối hợp với các đơn vị trong việc tăng cường tập huấn, đào tạo, ký kết hợp tác, kết nối với DN trong và ngoài nước nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các hội viên.
Không chỉ các DN trong nước, mà các DN FDI cũng mong có sự hỗ trợ. Tổng giám đốc Công ty TNHH On Semiconductor Việt Nam (DN đến từ Hoa Kỳ/Nhật Bản) E Mohanagumaran M Elanjaran cho hay, DN đầu tư vào Đồng Nai 200 triệu USD trong lĩnh vực sản xuất và gia công các mạch tích hợp, các linh kiện bán dẫn. Toàn bộ sản phẩm của dự án dùng để xuất khẩu. DN dự kiến sẽ đầu tư thêm nhà máy mới với quy mô tương đương nhà máy hiện tại để sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...