Một luật sửa bốn luật: Tháo điểm nghẽn để thu hút các nhà đầu tư lớn
Ngày 30-10, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe báo cáo các tờ trình và thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (gọi tắt dự án Luật); dự thảo Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Thu hồi dự án để trống, lãng phí
Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đều cho rằng đây là dự luật khó, phức tạp. Việc sửa đổi là cần thiết, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, gỡ vướng mắc khó khăn cho các địa phương có dự án liên quan.
Thảo luận tại tổ về sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, ĐB Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng, nhu cầu phát triển kinh tế biển của Việt Nam rất lớn nhưng Luật Đầu tư hiện nay mới chỉ chú trọng điều chỉnh các dự án trên đất liền mà chưa quan tâm đúng mức đến các dự án trên biển. Nêu ví dụ cụ thể về chính sách phát triển điện gió ngoài khơi, ĐB Tạ Đình Thi nhận định, hiện vẫn không rõ ai, cơ quan nào có quyền quyết định dự án, quy trình thủ tục ra sao. Do đó, ĐB đề nghị cần nghiên cứu bổ sung, tạo điều kiện cho phát triển.
ĐB Trần Hoàng Ngân đồng tình việc quy định thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp để bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác để thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp đối với một số ngành, nghề ưu đãi đầu tư.
Đồng tình ý kiến này, Thượng tọa, ĐB Thích Đức Thiện (Điện Biên) cho rằng việc hình thành quỹ này là hết sức cần thiết để giữ chân các nhà đầu tư chiến lược đã đầu tư vào Việt Nam và mời gọi các doanh nghiệp lớn vào Việt Nam, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao.
Về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), ĐB Trần Hoàng Ngân cho rằng việc sửa luật này bắt đầu từ việc tổng kết các nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù ở các địa phương, trong đó từ thực tiễn của TPHCM đã góp phần luật hóa kịp thời.
Theo ĐB Nguyễn Như So (Bắc Ninh), việc “hồi sinh” hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) là một bước đi rất quan trọng và cũng đòi hỏi phải đánh giá kỹ lưỡng mọi khía cạnh để đảm bảo sự ổn định của chính sách. Theo ĐB Nguyễn Như So, cần một chính sách đủ ổn định và có tầm nhìn dài hạn. Một chính sách thay đổi trong vòng 2-3 năm sẽ khiến các doanh nghiệp e ngại đầu tư vì họ không có đủ thời gian để thích ứng và yên tâm phát triển.
Chặn “thầu tặc”, bỏ cọc
Về sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu, theo ĐB Dương Văn Phước (Quảng Nam), ngay tại Hà Nội, báo chí đã nêu rất nhiều phiên đấu giá có dấu hiệu bất thường. Ở huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) có tới 56/68 lô đất trúng giá rất cao nhưng người trúng thầu đấu giá cao này không thể nộp tiền và có dấu hiệu bỏ cọc. “Đấu giá không thực chất sẽ trở thành công cụ để lũng đoạn và thị trường buôn bán trở thành nơi để trục lợi”, ĐB Dương Văn Phước nêu ý kiến và cho rằng trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu lần này cần tăng giá đặt cọc để tránh “thầu tặc”.
Trước vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đặt vấn đề, tại sao vẫn tổ chức đấu thầu xuyên đêm, với mức giá bỏ thầu tăng lên rất vô lý, có dấu hiệu đầu cơ hay không? Vì sao có những hiện tượng bất thường mà người tổ chức không dừng phiên đấu thầu để tổ chức lại hoạt động này?
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần phối hợp nghiên cứu, rà soát để bổ sung quy định về trách nhiệm người tổ chức đấu thầu, góp phần hạn chế hiện tượng tiêu cực xảy ra. Trong những trường hợp này, trách nhiệm của người tổ chức đấu thầu phải được nâng cao, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, có hiện tượng đầu cơ, bỏ thầu cần báo cáo ngay với cơ quan chức năng để dừng phiên đấu thầu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật PPP phải bảo đảm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Vừa qua, việc áp dụng các luật này cho thấy, muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào thì phải sửa đổi một số điều khoản. Luật Đấu thầu cũng phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm chọn được nhà thầu có năng lực, thi công được các công trình chất lượng, tầm cỡ quốc gia.