Cần sớm thống nhất mô hình chính quyền đô thị

Sáng 31.10, thảo luận tại Tổ 3 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang), nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương. Qua đó, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước.

Đánh giá thận trọng những chính sách khác quy định hiện hành

Nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) cho rằng, thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Trung ương, thành phố Hải Phòng đã thực hiện đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao.

Tuy nhiên, mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay chưa phù hợp với đặc điểm, tính chất của việc quản lý một đô thị lớn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại địa bàn đang phát triển năng động như Hải Phòng.

 Thảo luận tại Tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Thảo luận tại Tổ 3 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lào Cai và Kiên Giang. Ảnh: Lâm Hiển

Do vậy, đại biểu Nguyễn Việt Thắng cho rằng, việc ban hành nghị quyết nhằm thể chế hóa chủ trương, mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng là rất cần thiết.

Về hình thức, cách thức ban hành Nghị quyết này, đại biểu Nguyễn Việt Thắng cho rằng, cần cân nhắc ban hành nghị quyết quy định về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng để thực hiện chính thức mà không qua thí điểm. Bởi, tại điểm b, Khoản 2, Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định “Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định việc thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.

 ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Việt Thắng (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Nêu vấn đề cụ thể, đại biểu Nguyễn Việt Thắng lưu ý, khoản 2 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết quy định chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố Hải Phòng là UBND quận. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 1 của dự thảo Nghị quyết cũng quy định chính quyền địa phương ở các phường tại thành phố Hải Phòng là UBND phường.

Theo đại biểu Nguyễn Việt Thắng, với quy định tại Điều 44 và Điều 58 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì cấp chính quyền địa phương ở quận gồm có HĐND quận và UBND quận; cấp chính quyền địa phương ở phường gồm có HĐND phường và UBND phường. Bên cạnh đó, tại Điều 8, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng quy định UBND do HĐND cùng cấp bầu, là cơ quan chấp hành của HĐND. Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cho rằng, nếu không phải là nghị quyết thí điểm mà quy định cấp chính quyền địa phương chỉ có UBND như dự thảo Nghị quyết quy định là chưa phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Về số lượng Phó chủ tịch UBND quận, phường, dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng thành phố được bố trí tăng thêm so với quy định chung.

Cụ thể, số lượng Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên không quá 4 người; số lượng Phó Chủ tịch UBND quận không quá 3 người và số lượng Phó Chủ tịch UBND phường không quá 2 người mà không căn cứ vào phân loại đơn vị hành chính theo quy định của luật tổ chức chính quyền địa phương là chưa phù hợp. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì số lượng Phó Chủ tịch UBND các cấp do Chính phủ quy định.

Đưa ra những ví dụ nêu trên, đại biểu Nguyễn Việt Thắng cho rằng, cần cân nhắc thận trọng một số chính sách quy định tại dự thảo Nghị quyết khác với quy định của pháp luật hiện hành.

ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) tán thành với quy định chính quyền địa phương ở các quận tại thành phố Hải Phòng là UBND quận, bởi mô hình này đã và đang được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Tuy nhiên, tại khoản 3, Điều 1 quy định đối với chính quyền địa phương ở các phường tại thành phố Hải Phòng là UBND phường. Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, cần xem lại quy định này, vì phường trực tiếp thuộc quận, phường không trực tiếp thuộc thành phố Hải Phòng.

Cần quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước

Hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương đang tổ chức chính quyền đô thị theo những mô hình không giống nhau theo quy định của các luật, nghị quyết khác nhau của Quốc hội.

Do đó, đại biểu Nguyễn Việt Thắng đề nghị, Chính phủ nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương trong thời gian qua. Qua đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời, triển khai các chính sách mang tính phổ biến, hiệu quả để thực hiện thống nhất về mô hình chính quyền đô thị trong phạm vi cả nước.

 ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) đề nghị, khi một số chính sách về tổ chức chính quyền, chính quyền đô thị được đề xuất trong các nghị quyết đã mang tính phổ biến nên cần được luật hóa để áp dụng chung trong cả nước (như quy định về việc không tổ chức HĐND phường, về chế độ công vụ thống nhất đối với cán bộ, công chức cấp xã...).

“Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện, tổng thể kết quả thực hiện tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương nêu trên, trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cách thống nhất trên phạm vi cả nước”, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn nhấn mạnh.

Về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, các ĐBQH tán thành với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện hành, với trọng tâm là để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.

 Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 3 cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 3 cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Lâm Hiển

Nhiều đại biểu cũng khẳng định, tỉnh Thừa Thiên Huế đủ điều kiện áp dụng quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 31 của Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đối với trường hợp thành lập đơn vị hành chính đô thị có yếu tố bảo tồn di sản.

Tán thành với thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, song ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) nhận thấy, Tờ trình của Chính phủ chưa đề cập kỹ về hướng xử lý trong quản lý Nhà nước khi chuyển từ cấp tỉnh lên thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Phương Tuấn cũng đề nghị, Chính phủ và tỉnh Thừa Thiên Huế cần quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý nhà nước; sắp xếp, kiện toàn bộ máy, bố trí đội ngũ, cán bộ, công chức, viên chức; nghiên cứu bổ sung các chỉ tiêu chủ yếu, chỉ tiêu định hướng phát triển để phù hợp với các mục tiêu cụ thể được nêu tại Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/can-som-thong-nhat-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-post394954.html
Zalo