Đề xuất loạt cơ chế mới hút nguồn lực tư nhân
Nguồn lực tư nhân sẽ được khơi thông để đóng góp vào phát triển kinh tế, xã hội với đề xuất sửa đổi Luật PPP trong dự án một luật sửa bốn luật.
Hình thức đối tác công – tư (PPP) là phương thức quan trọng thu hút nguồn lực tư nhân vào các dự án đầu tư công, có ý nghĩa lớn với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trong hơn ba năm thực hiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), đang có 31 dự án được triển khai và 11 dự án đang chuẩn bị đầu tư theo phương thức PPP. Tổng mức đầu tư các dự án lên đến 380 nghìn tỷ đồng, sử dụng khoảng 190 nghìn tỷ đồng vốn ngân sách.
Các dự án dự kiến sẽ bao gồm khoảng nghìn km cao tốc, hai cảng hàng không, ba nhà máy nước sạch và ba công trình xử lý chất thải rắn cấp đặc biệt, có ý nghĩa lớn đối với thực hiện hóa các mục tiêu kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, còn nhiều vướng mắc phát sinh khiến phương thức PPP chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.
Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, các dự án PPP hiện nay chủ yếu chỉ tập trung vào lĩnh vực giao thông vận tải, dù luật quy định năm lĩnh vực được phép đầu tư theo hình thức PPP.
Theo khoản 1, điều 4, Luật PPP, dự án được đầu tư theo hình thức PPP thuộc 5 lĩnh vực, bao gồm giao thông vận tải; lưới điện, nhà máy điện; thủy lợi, cung cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải, xử lý chất thải; y tế, giáo dục - đào tạo và hạ tầng công nghệ thông tin.
Nguyên nhân được chỉ ra là quy định về mức vốn đầu tư tối thiểu lên đến 200 tỷ đồng đối với các dự án điện, cung cấp, xử lý nước thải, chất thải, hạ tầng công nghệ và 100 tỷ đồng đối với dự án giáo dục đào tạo ở vùng khó khăn.
Điều này dẫn đến một số dự án có tiềm năng, ý nghĩa quan trọng nhưng không mời được nhà đầu tư theo phương thức PPP do không đáp ứng quy định về vốn tối thiểu.
Mặt khác, thực tiễn từ một số địa phương thí điểm cơ chế đặc thù, nguồn lực tư nhân được phát huy hiệu quả trong đầu tư PPP ở những dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, thương mại. Tuy nhiên, những lĩnh vực này, theo Luật PPP, không phải đối tượng được đầu tư PPP.
Từ thực tiễn trên, để thu hút nguồn lực tư nhân tham gia vào phát triển đất nước, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu (một luật sửa bốn luật) đã đề xuất nhiều cơ chế mới để tháo gỡ vướng mắc của phương thức PPP.
Báo cáo với Quốc hội, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự thảo luật sửa đổi đề xuất mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP, bên cạnh việc hạ hoặc bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô vốn tối thiểu.
Bên cạnh đó, dự thảo luật sửa đổi cũng đề xuất bổ sung quy định cơ chế linh hoạt trong bố trí nguồn vốn.
Cụ thể, cho phép vốn nhà nước cao hơn 50% nhưng không quá 70% trong tổng vốn đầu tư các dự án theo phương thức PPP, áp dụng đối với các loại dự án có chi phí giải phóng mặt bằng cao hơn 50%, thực hiện tại địa bàn khó khăn và dự án có yêu cầu tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.
Song song với đó, dự thảo luật cũng đề xuất bổ sung quy định đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, trao quyền quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư PPP cho các địa phương.
Một điểm quan trọng của dự thảo luật là đề nghị tiếp tục áp dụng hình thức xây dựng – chuyển giao (BT), hình thức đầu tư giúp tận dụng nguồn lực tư nhân, đẩy nhanh tiến độ dự án nhưng bị bãi bỏ trong Luật PPP 2020.