Một doanh nghiệp Việt mất 8 năm để được đơn hàng 1 triệu USD trên Alibaba

Sau 5 tháng thành lập gian hàng trên sàn thương mại điện tử B2B Alibaba, Công ty TNHH Sukavina đã có đơn hàng đầu tiên từ khách quốc tế.

Ngày 28-5, sàn thương mại điện tử B2B Alibaba cùng Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) tổ chức hội nghị "Outstanding Vietnam: Vững vàng bứt phá – Vươn tầm thế giới".

Tại sự kiện, ông Lê Quốc Tuấn, Phó Giám đốc phụ trách Kinh doanh và Tiếp thị Công ty TNHH Sukavina - đơn vị sản xuất bàn, ghế, giường... bằng kim loại, đã chia sẻ hành trình 8 năm để đạt được đơn hàng xuất khẩu trị giá hơn 1 triệu USD đầu tiên thông qua sàn Alibaba.

Cụ thể, ông cho hay trong giai đoạn từ khi thành lập là năm 2017 đến năm 2022, với nhà máy 2.000 m², doanh nghiệp chỉ phục vụ thị trường nội địa và chưa thể tìm được đơn hàng xuất khẩu.

Khách tham dự theo dõi về cách vận hành của doanh nghiệp trên sàn Alibaba tại sự kiện

Khách tham dự theo dõi về cách vận hành của doanh nghiệp trên sàn Alibaba tại sự kiện

Mãi đến năm 2022, Sukavina mở rộng nhà xưởng lên 6.000 m² và khởi động xuất khẩu qua các kênh số hóa. Doanh nghiệp đã đầu tư vào các kênh, bao gồm website và quảng cáo trên Facebook, Google.

Tuy nhiên, kết quả chưa như mong đợi do thời gian tiếp cận và đánh giá khách hàng tiềm năng kéo dài, mất từ 6 đến 9 tháng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong bán hàng.

Năm 2024, Sukavina chính thức mở gian hàng trên Alibaba. Sau 5 tháng, công ty có đơn hàng đầu tiên từ khách quốc tế và nhanh chóng mở rộng sang các thị trường Nhật Bản, Ấn Độ.

Trong gần nửa đầu năm 2025, doanh nghiệp vừa chốt thành công đơn hàng xuất khẩu trị giá hơn 1 triệu USD cho một khách hàng Ấn Độ - dấu mốc lớn trong hành trình 8 năm vươn ra thế giới của Sukavina.

"Chúng tôi đang tiếp tục tiếp cận khách hàng tại thị trường Úc. Tính đến cuối năm 2024, doanh thu từ thị trường quốc tế đã chiếm hơn 40% tổng doanh thu của Sukavina, trong đó các thị trường trọng điểm gồm Mỹ, Canada, Nhật Bản và Ấn Độ.

Dự kiến trong thời gian tới, doanh thu từ Nhật Bản và Ấn Độ sẽ tăng mạnh và vượt các thị trường còn lại do liên quan đến thuế quan" - ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Lê Quốc Tuấn, sau thời gian hoạt động trên Alibaba, Sukavina đã rút ra bốn bài học then chốt khi bán hàng trên sàn thương mại điện tử B2B.

Thứ nhất, cần đầu tư bài bản vào đội ngũ vận hành. Dù Alibaba cung cấp nhiều công cụ hỗ trợ nhưng nếu thiếu nhân sự hiểu thị trường, phản hồi chậm hoặc không nắm bắt được văn hóa kinh doanh của từng quốc gia, doanh nghiệp rất khó tiếp cận khách hàng và có được đơn hàng.

Thứ hai, cần xây dựng bộ tiêu chí phân loại khách hàng để biết nên ưu tiên thời gian và nguồn lực cho nhóm khách nào, tránh dàn trải không hiệu quả.

Thứ ba, doanh nghiệp nên thiết kế các kịch bản tư vấn riêng cho từng thị trường. Ví dụ, khách hàng Ấn Độ thường quan tâm đến giá cả cạnh tranh và tốc độ giao hàng.

Cuối cùng, phải vận hành gian hàng một cách liên tục, tối ưu các chỉ số như lượt đánh giá, chất lượng sản phẩm, mức độ hiển thị... để tăng lượng truy cập và cải thiện tỉ lệ chuyển đổi.

Tại hội nghị, Alibaba đã công bố "Gói đảm bảo hiệu suất" - giải pháp chuyên biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.

Ông Young Liu, Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam, chia sẻ rằng giải pháp này sẽ trang bị cho các doanh nghiệp khả năng vượt qua các biến động của thị trường toàn cầu và phát triển bền vững.

Phát biểu tại sự kiện, bà Hồ Thị Quyên, Phó Giám đốc ITPC, cho biết lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ở mức cao, khoảng 17% tính đến hết tháng 4-2025, góp phần tích cực vào mục tiêu tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Lê Tỉnh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mot-doanh-nghiep-viet-mat-8-nam-de-duoc-don-hang-1-trieu-usd-tren-alibaba-19625052819283883.htm
Zalo