Một địa phương bất ngờ được đề xuất dự phòng để làm điện hạt nhân

Hà Tĩnh được đề xuất làm địa điểm dự phòng nếu không thể phát triển nguồn điện hạt nhân tại vị trí Ninh Thuận để cấp điện nền cho miền Bắc

Bàn về điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII) tại hội thảo do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Dương, đại diện Viện Năng lượng, cho biết dự kiến Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1&2 được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2030 - 2035 theo đúng các quyết sách của Đảng và Chính phủ với quy mô đạt 6.000 - 6.400 MW.

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh minh họa

Phối cảnh dự án điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2016 - Ảnh minh họa

Giai đoạn đến 2050, hệ thống cần bổ sung khoảng 4,5 - 5 GW điện hạt nhân tại miền Bắc và 0-3 GW tại miền Trung (chủ yếu là điện hạt nhân dạng mô-đun quy mô nhỏ SMR) để cung cấp nguồn điện nền.

Công suất này có thể tăng thêm trong kịch bản phụ tải cao đặc biệt và một số kịch bản độ nhạy như chi phí đầu tư các nguồn năng lượng tái tạo và pin lưu trữ không giảm như kỳ vọng hoặc giá nhiên liệu tăng cao.

Chuyên gia từ Viện Năng lượng cũng cho rằng để nguồn điện hạt nhân có thể cạnh tranh với các nguồn điện khác và vào vận hành trong giai đoạn 2031 - 2035 trên cơ sở tối ưu về chi phí, suất đầu tư điện hạt nhân cần xem xét giảm xuống mức khoảng 4.000 USD/kW.

Đáng chú ý, trong kịch bản độ nhạy khi tìm được vị trí xây dựng điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ thì mô hình tính toán lựa chọn phát triển thêm công suất điện hạt nhân tại vùng Bắc Bộ giai đoạn đến 2045 với quy mô khoảng 900 MW và tăng lên 4.800 MW giai đoạn đến năm 2050.

Do đó, chuyên gia của Viện Năng lượng đề xuất xem xét vị trí Hà Tĩnh hoặc vị trí mới tại Bắc Bộ (là vị trí được mô hình tính toán tối ưu lựa chọn) làm địa điểm dự phòng cho trường hợp không thể phát triển nguồn điện hạt nhân tại vị trí Ninh Thuận nhằm cung cấp nguồn điện nền tại chỗ cho trung tâm phụ tải miền Bắc, góp phần giảm nhu cầu truyền tải liên vùng miền.

Cùng với đó, Viện Năng lượng đề xuất cần sớm lập Quy hoạch phát triển điện hạt nhân theo Luật Quy hoạch và Luật Năng lượng Nguyên tử để chuẩn xác quy mô, xác định công nghệ, địa điểm, thời điểm, đặc biệt với công nghệ lò dạng mô-đun quy mô nhỏ SMR.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Vì thế khi điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII đề nghị là đến năm 2030 cũng phải xác định không phải chỉ là Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

8 địa điểm gồm: Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận; Thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định; Vũng La, thôn Phú Hải, xã Xuân Phương, huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên; Thôn Sơn Tịnh, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; Bãi Chà Là, thôn Bình Tiên, xã Cống Hải, huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận; Thôn Gia Hòa, xã Đức Thắng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; Thôn Văn Bân, xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Thùy Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mot-dia-phuong-bat-ngo-duoc-de-xuat-du-phong-de-lam-dien-hat-nhan-196250218133853745.htm
Zalo