Một dáng ngồi cô đơn…
Có một hình ảnh trong ký ức về ba, mà mãi sau này đến khi trưởng thành nhớ lại, mình mới có thể giải thích được đó là đường nét của một dáng ngồi cô đơn…
Những năm tháng đó, khi mình bước vào mùa thi quan trọng cuối cấp 2, mình thường phải nhờ ba gọi dậy vào lúc 5 giờ sáng để ôn bài. Mùa đông của miền Trung, những ngày mưa dài lê thê và lạnh buốt, cứ mỗi buổi sáng mình đều thắp lên một ngọn đèn dầu, trùm chiếc chăn ấm lên người và cúi đầu vào sách vở…
Ở phía bên kia bàn, ba ngồi co chân lên ghế và im lặng nhìn ra ngoài đường. Trong suốt thời gian mình học, ba cứ ngồi đó, có khi uống vài ngụm trà nóng, có khi hút một vài điếu thuốc… nhưng đều trong im lặng…
Thỉnh thoảng, những hôm phải học thuộc một bài thơ hay đoạn văn nào đó, mình lại ngẩng nhìn lên như một thói quen để mắt rời trang sách, miệng thì lẩm nhẩm đọc lại... Và mình thấy ba, ngồi đối diện, trong ánh đèn dầu bé xíu và bóng đêm vẫn còn rất nhiều trong một sớm mùa đông, mình không nghĩ mình có thể nhìn rõ gương mặt ba lúc ấy. Nhưng rõ ràng mình thấy được những đường nét từ gương mặt cho đến dáng ngồi của ba, như một bức tượng chỉ đang có nhịp tim là sống động…
Trong cuộc đời, có vai lần trong những chuyến đi xa hay một chiều nào đó về trên phố, mình vẫn hay nhìn thấy hình ảnh một vài người già ngồi bất động, như thể thời gian chẳng hề có giá trị gì với họ ngay lúc ấy… Có khi họ ngồi trên chiếc xe máy dùng để mưu sinh, có khi trước đôi quang gánh trong ngày mưa, cũng có lúc ngồi ở một góc quán vỉa hè nhìn ra dòng người…
Đôi khi, trong năm tháng tuổi trẻ, mình chỉ nhìn lướt qua như bất cứ một hiện tượng, sự vật nào đó xuất hiện trong tầm mắt song không cần phải lưu tâm.
Cho đến ngày mình mất ba…
Người già, nhiều lúc họ không muốn tạo ra khoảng cách với người xung quanh, nhưng đâu đó họ lại nghĩ nếu không làm vậy, có thể họ sẽ làm phiền đến người kia… Thế là họ im lặng, họ giới hạn những tương tác của bản thân, họ lùi lại một chút để mọi thứ có vẻ an toàn cho dù đang ở trong một không gian thân thuộc… Họ muốn họ vẫn ở đó nhưng không làm cản bước bất cứ ai…
Sẽ chẳng có gì sai khi trẻ thì ai cũng muốn lao ra ngoài kia để ngược xuôi khám phá thế giới, còn về già lại muốn thu mình bé nhỏ nơi ngôi nhà, mảnh vườn, khoảnh sân với những lặng lẽ và bình yên…
Ai là cha mẹ cũng đều từng là những đứa con muốn bay vào trời rộng, trong khi con của mình chưa bao giờ có trải nghiệm về già sẽ như thế nào, hoặc đủ thấu hiểu để biết mình phải nên thế nào với cha mẹ khi họ bước vào tuổi xế chiều… Thành ra một bên hiểu một bên thì chưa, một bên có sự từng trải một bên thì như tờ giấy trắng…
Khoảng cách đôi khi là một chiếc bàn ăn, một gang tay… nhưng lại thành ra vô hạn.
Có nhiều lần nữa trong đời, mình vẫn bắt gặp dáng ngồi ấy của ba. Kể cả khi đã lớn lên, trở thành cha của một đứa trẻ, khi mình trở về nhà, trong nửa đêm về sáng khi mình trở giấc, mình vẫn thấy lại dáng ngồi ấy như khi mình còn là một thiếu niên. Năm tháng dường như đã khắc vào ba một dáng ngồi như thế, đầy im lặng và nhẫn nại…
Có thể những buổi sáng mùa đông của tháng năm xưa, ba đã chọn đồng hành cùng mình trong việc học, bằng cách có mặt trong cùng một không gian nhưng giữ im lặng. Vì ba cũng không biết cách nào khác để hỗ trợ con mình học tốt hơn…
Chỉ cần ba thức dậy, pha một ấm trà, châm một điếu thuốc… rồi cứ thế lặng lẽ để con mình ở phía bên kia bàn cúi đầu vào những trang sách vở…
Có những thứ trong cuộc đời phải bắt đầu thì mới có thể tạo thành thói quen, nhưng cho đến khi không cần đến thói quen đó nữa, mọi thứ dường như vô thức vẫn ở đấy, dù bản thân có muốn hay không…
Cảm ơn ba đã hiện diện trong cuộc đời của con…
Dù có thể thứ con nhìn thấy nhiều nhất vẫn là những đường nét của một dáng ngồi cô đơn!
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp.
Hãy gửi đến BPTV những câu chuyện xúc động về Cha bằng cách viết báo, viết bài cảm nhận, thơ, tản văn, video clip, bài hát (có bản thu âm),... qua email chaonheyeuthuongbptv@gmail.com, Phòng Thư ký biên tập, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, số 228, Trần Hưng Đạo, phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, số điện thoại: 0271.3870403. Thời gian nhận bài từ nay đến hết ngày 30-8-2025.
Bài viết chất lượng sẽ được đăng phát lan tỏa, được trả nhuận bút, đồng thời tặng thưởng khi khép lại chủ đề với 1 giải đặc biệt và 10 giải xuất sắc.
Hãy cùng “Chào nhé yêu thương” mùa 4 viết tiếp câu chuyện về Cha, để những câu chuyện về Cha được lan tỏa và chạm đến trái tim mọi người!