Thực phẩm bổ sung nào giúp cơ thể khỏe mạnh trong mùa cúm?
Thời tiết lạnh làm tăng nguy cơ mắc cúm và các bệnh đường hô hấp khác. Một số thực phẩm bổ sung giúp tăng cường miễn dịch, có thể ngăn ngừa các tác nhân gây bệnh, giúp cơ thể khỏe mạnh.
Áp dụng lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống cân bằng giàu vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng quan trọng khác, có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch, chống lại các bệnh nhiễm trùng theo mùa, trong đó có cúm. Việc dùng thêm các chất bổ sung cụ thể vào thói quen hàng ngày, có thể giúp gia tăng thêm lợi ích bảo vệ cơ thể trong mùa cúm.
Các chất bổ sung giàu vitamin như C, D, kẽm, selen... được biết đến là có tác dụng hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tăng cường khả năng chống lại các bệnh theo mùa của cơ thể một cách hiệu quả.
1. Thực phẩm bổ sung vitamin C
Vitamin C đóng vai trò quan trọng với hệ thống miễn dịch và tăng cường hàng rào bảo vệ da, chống lại các tác nhân gây bệnh. Loại vitamin quan trọng này làm giảm stress oxy hóa, tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch như bạch cầu trung tính, tiêu diệt vi khuẩn và loại bỏ nhiễm trùng; hỗ trợ sự phát triển của tế bào B và T.
Thiếu vitamin C làm suy yếu khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng, trong khi nhiễm trùng lại làm giảm thêm nồng độ vitamin C. Bổ sung thường xuyên 100 - 200 mg/ngày, có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, trong khi cần liều cao hơn để điều trị nhiễm trùng đã hình thành (do tình trạng viêm và nhu cầu trao đổi chất tăng lên).
Nguồn cung cấp vitamin dồi dào như: Trái cây họ cam quýt, quả mọng, cải xoăn, ớt chuông và dâu tây…
2. Thực phẩm bổ sung kẽm
Kẽm rất cần thiết cho chức năng miễn dịch, việc thiếu kẽm ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống này. Bổ sung đủ lượng kẽm hỗ trợ tăng trưởng và chức năng của các tế bào miễn dịch như tế bào đơn nhân, tế bào T, tế bào B và tế bào tiêu diệt tự nhiên.
Thiếu kẽm làm gián đoạn các quá trình này, làm suy yếu cả khả năng miễn dịch bẩm sinh và thích nghi. Thiếu hụt cấp tính khả năng miễn dịch sẽ suy giảm, trong khi thiếu hụt mạn tính làm tăng tình trạng viêm và thúc đẩy sản xuất các cytokine gây viêm, góp phần gây ra các bệnh viêm như viêm khớp dạng thấp.
Nguồn cung cấp kẽm: Sữa, các loại hạt, hạt giống, các loại đậu, đậu lăng, trái cây, rau bina và nấm.
3. Thực phẩm bổ sung vitamin D
Vitamin D có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể, không chỉ tăng cường hấp thụ canxi (tốt cho xương, răng), cơ bắp khỏe mạnh mà còn giúp tăng cường khả năng miễn dịch. Thiếu hụt vitamin D, cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh.
Nguồn cung cấp vitamin D là: Ánh sáng mặt trời, cá béo, sữa tăng cường, lòng đỏ trứng và ngũ cốc tăng cường.
4. Thực phẩm bổ sung vitamin A
Vitamin A đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của hệ thống miễn dịch bằng cách hỗ trợ tính toàn vẹn của các tế bào da và niêm mạc, đây là những tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các tác nhân gây bệnh.
Vitamin A cũng giúp điều chỉnh phản ứng miễn dịch, thúc đẩy sự biệt hóa của các tế bào miễn dịch, tăng cường chức năng của tế bào T và tế bào B. Thiếu hụt vitamin A có thể làm suy yếu chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Nguồn cung cấp vitamin A như: Cà rốt, khoai lang, rau bina và cải xoăn…
5. Thực phẩm bổ sung selen
Selen là một khoáng chất vi lượng có đặc tính chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương oxy hóa.
Khoáng chất này tăng cường hoạt động của các tế bào miễn dịch, bao gồm đại thực bào và tế bào tiêu diệt tự nhiên, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thống miễn dịch. Thiếu hụt selen có thể làm suy yếu phản ứng miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn.
Nguồn thực phẩm giàu selen như: Hạt Brazil, hạt hướng dương, gạo lứt và hải sản.
6. Thực phẩm bổ sung vitamin B6
Vitamin B6 rất cần thiết cho chức năng của hệ thống miễn dịch, giúp sản xuất hemoglobin và hỗ trợ sự phát triển, trưởng thành của các tế bào miễn dịch; hỗ trợ chức năng của tế bào T, tế bào B và tế bào tiêu diệt tự nhiên. Sự thiếu hụt vitamin B6 có liên quan đến việc giảm phản ứng miễn dịch. Việc đảm bảo hấp thụ đủ vitamin B6 có thể giúp duy trì hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Nguồn cung cấp vitamin B6 như: Gia cầm, cá, khoai tây, chuối và ngũ cốc tăng cường…