Moscow tuyên bố phát triển vaccine chống ung thư
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói ngành y học phát triển như 'khoa học viễn tưởng' với vaccine ung thư và thuốc điều hòa hệ miễn dịch thế hệ mới.
Tại Diễn đàn Công nghệ Tương lai được tổ chức ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố các nhà khoa học y tế Nga đang nghiên cứu và phát triển các công nghệ chăm sóc sức khỏe đỉnh cao, RT đưa tin.
Cụ thể, ông cho biết, các sản phẩm y khoa đang được nghiên cứu bao gồm vaccine chống chống ung thư và một thế hệ thuốc mới.
"Chúng tôi đã tiến gần đến việc tạo ra cái gọi là vaccine chống ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới. Và tôi hy vọng rằng chúng sẽ sớm được sử dụng một cách hiệu quả như các phương pháp trị liệu cá nhân” - Tổng thống Nga nói.
Một trong những phát minh đặc biệt khác là con chip có thể phục hồi thị lực của con người nếu được cấy vào não. Công nghệ này hiện đang được thử nghiệm lâm sàng.
Ông Putin mô tả những tiến bộ y tế mà ông được giới thiệu tại diễn đàn này là “một loại khoa học viễn tưởng”.
“Ngay cả cách đây không lâu, chúng ta chỉ có thể đọc về những điều như vậy trong các tác phẩm viễn tưởng giả tưởng, nhưng ngày nay tất cả những điều này đang trở thành hiện thực. Tất cả những lĩnh vực này hiện đang trên đà phát triển và dự kiến sẽ tạo ra một cuộc cách mạng thực sự trong y học trong tương lai gần" - Tổng thống Putin cho hay.
Theo tổng thống, hơn một nửa số trường hợp ung thư ở Nga được phát hiện ở giai đoạn đầu, đây là thời điểm mang lại các tiên lượng thuận lợi nhất. Những bước tiến to lớn đã đạt được trong việc phát hiện và điều trị sớm bệnh ung thư, dẫn đến tỷ lệ sống sót cao hơn.
Ông cũng cam kết tiếp tục tài trợ cho nghiên cứu và phát triển y tế ở mức cần thiết.
Tổng thống Putin nói rằng những tiến bộ trong lĩnh vực y tế, phòng ngừa và điều trị có giá trị riêng nhưng chúng đòi hỏi sự tham gia của các lĩnh vực công nghiệp khác để xã hội Nga có thể tận dụng tối đa.
Theo Reuters, một số quốc gia và công ty cũng đang nghiên cứu vaccine ung thư. Năm ngoái, chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với BioNTech có trụ sở tại Đức để triển khai các thử nghiệm lâm sàng cung cấp "phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa", nhằm tiếp cận 10.000 bệnh nhân vào năm 2030.
Các công ty dược phẩm Moderna và Merck & Co đang phát triển một loại vaccine ung thư thử nghiệm mà một nghiên cứu ở giai đoạn giữa cho thấy đã giảm một nửa nguy cơ tái phát hoặc tử vong do khối u ác tính - loại ung thư da nguy hiểm nhất - sau ba năm điều trị.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có sáu loại vaccine được cấp phép chống lại virus u nhú ở người (HPV) gây ra nhiều bệnh ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung, cũng như vaccine chống viêm gan B (HBV), có thể dẫn đến ung thư gan.