Môn thi vào lớp 10 sẽ ảnh hưởng đến lựa chọn tổ hợp môn bậc THPT của học sinh

Việc chỉ thi chủ yếu 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh như thường thấy, phần nào sẽ ảnh hưởng đến việc chọn tổ hợp môn học của học sinh ở cấp THPT.

Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông quy định, học sinh thi tuyển vào lớp 10 thi Toán, Ngữ văn và 01 (một) môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn 01 (một) trong 02 (hai) phương án sau:

Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 03 (ba) năm liên tiếp; Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho rằng, đối với kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông, ngoài môn Toán và Ngữ Văn là 2 môn bắt buộc, điển hình cho 2 loại hình tư duy tối cần thiết để con người tồn tại và phát triển trong xã hội, cần có thêm 1 bài thi tổng hợp bao gồm nội dung của tất cả các môn học đánh giá bằng điểm số ở bậc trung học cơ sở.

Việc đổi mới thi cử sẽ đưa tới thay đổi trong cách học, tránh tình trạng học lệch. Nhất là khi từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở là giai đoạn giáo dục cơ bản, bắt buộc, chỉ có “học gì thi nấy” học sinh mới học đầy đủ, đảm bảo chất lượng đúng với yêu cầu của chương trình.

Ưu điểm của bài thi tổ hợp giúp học sinh học toàn diện ở bậc trung học cơ sở

Nam Định là địa phương từng sử dụng bài thi tổ hợp để tuyển sinh trung học phổ thông. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Văn Tuyền - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Văn Bảo (Nam Định) chia sẻ: "Với bài thi tổ hợp, tỉnh Nam Định đã thực hiện nhiều năm trước. Sở Giáo dục & Đào tạo địa phương tổ chức tập huấn cho giáo viên cốt cán tham gia vào quá trình làm đề thi, cấu trúc đề thi được công bố rộng rãi trước khi kỳ thi diễn ra.

Nội dung chỉ hỏi các kiến thức cơ bản, căn cứ vào Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về mức độ phân hóa của đề thi, tất nhiên, bài thi môn tổ hợp sẽ không thể hiện điều này rõ nét như bài thi riêng. Mặc dù vậy, với khối lượng môn thi nhiều, không thể yêu cầu học sinh quá khó, sẽ vất vả cho các em. Do đó, trong những năm tổ chức bài thi tổ hợp, đề thi tuyển sinh của tỉnh Nam Định cũng chỉ hỏi ở mức độ cơ bản".

Theo thầy Tuyền, ưu điểm của bài thi tổ hợp là giúp học sinh học toàn diện hơn, biết rộng, biết nhiều, tránh việc hổng kiến thức để từ đó các em tiếp nối chương trình học ở cấp trung học phổ thông.

"Học sinh vẫn cần cố gắng học tập ở tất cả các môn. Học sinh ở cấp học trung học cơ sở phải có kiến thức bắt buộc của các bộ môn theo chương trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra, đảm bảo hoàn thiện kiến thức cơ bản trước khi lên cấp trung học phổ thông theo định hướng nghề nghiệp" - thầy Tuyền khẳng định.

 Ảnh minh họa: Đào Hiền.

Ảnh minh họa: Đào Hiền.

Trao đổi với phóng viên, thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Sơn (Quảng Ngãi) nói: "Nếu thực hiện bài thi tổng hợp gồm tất cả các môn học được đánh giá bằng điểm số ở cấp trung học cơ sở, theo tôi, đề thi nên chỉ kiểm tra kiến thức cơ bản nhằm giảm áp lực cho học sinh và tâm lý lo lắng tìm lớp luyện thi của các bậc phụ huynh.

Mặc dù tất cả các môn học đều quan trọng, tuy nhiên, thực tế, khi bước vào công việc, các em chỉ chọn những môn học phục vụ cho mục đích nghề nghiệp.

Hơn nữa, các môn học khác đã được đánh giá trong nhà trường, bắt buộc học sinh phải học, tùy thuộc vào năng lực mà học sinh sẽ có mức độ tiếp thu nhất định, sau đó nên để học sinh tập trung vào những môn theo định hướng công việc tương lai".

Không có kiến thức khoa học tự nhiên vững ở trung học cơ sở, học sinh khó theo được ở bậc trung học phổ thông

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Đức Thái - Chủ biên chương trình môn Toán trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, khi học sinh học đủ và trải qua kỳ thi chuyển cấp, các em mới đủ trải nghiệm để biết rõ sở trường, sở thích, mong muốn của bản thân và lựa chọn nhóm môn học phù hợp lúc vào lớp 10.

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, thầy Trần Văn Tuyền chia sẻ: "Việc chỉ thi chủ yếu 3 môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh như thường thấy, phần nào sẽ ảnh hưởng đến việc chọn tổ hợp môn học của học sinh ở cấp trung học phổ thông. Vì các em sẽ đặt mục tiêu ôn thi 3 môn này để thi đỗ trung học phổ thông lên hàng đầu.

Khi bắt đầu vào lớp 10, đặc biệt là với các môn khoa học tự nhiên như Vật lý, Sinh học, Hóa học, nếu học sinh không có kiến thức nền tảng ở cấp học dưới, các em sẽ cần phải cố gắng, nỗ lực mới theo kịp được kiến thức ở trung học phổ thông".

Thầy Phạm Thạch Sinh - Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bình Sơn (Quãng Ngãi) cho rằng, các môn học như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở cấp trung học cơ sở được phân chia thành các môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông.

Ví dụ, học sinh có định hướng nghề nghiệp liên quan đến khoa học xã hội nhưng tuyển sinh lớp 10 lại thi tổ hợp có các môn tự nhiên, điều này ít nhiều có ảnh hưởng đến dự kiến ban đầu của học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp, các em có thể sẽ tiếp tục chọn tổ hợp khoa học tự nhiên để thuận tiện.

Thầy Sinh cho biết, việc thi ba môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh để ổn định cho học sinh cũng là một lựa chọn. Nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh ngoại ngữ, đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Việc chọn môn thi thứ ba là Tiếng Anh sẽ phù hợp cho tất cả các lựa chọn tổ hợp môn học ở cấp trung học phổ thông. Do vậy, cũng không nhất thiết phải tránh lặp lại môn thi này quá 3 năm liên tiếp.

Còn theo thầy Nguyễn Hoàng Vũ - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lộc An (Lâm Đồng): "Việc chỉ thi ba môn Toán, Văn, Tiếng Anh có thể ảnh hưởng phần nào đến việc lựa chọn tổ hợp của học sinh ở cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, với các môn học khác học sinh đều phải đảm bảo nắm được kiến thức cơ bản ở cấp trung học cơ sở.

Bất cứ phương án thi nào cũng đều có ưu điểm và nhược điểm. Rõ ràng, nếu chúng ta không chọn môn thi thứ ba là Tiếng Anh thì vẫn không toàn diện, vì số lượng môn học của học sinh trung học cơ sở không ít.

Quan trọng là các trường trung học phổ thông định hướng và phối hợp với các trường trung học cơ sở trong việc tư vấn lựa chọn tổ hợp môn học khi vào lớp 10 cho học sinh như thế nào".

Nam Định đã từng áp dụng bài thi tổ hợp cho học sinh vào lớp 10 vào năm 2016. Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Nghệ An... cũng là những địa phương từng áp dụng bài thi tổ hợp.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mon-thi-vao-lop-10-se-anh-huong-den-lua-chon-to-hop-mon-bac-thpt-cua-hoc-sinh-post249081.gd
Zalo