Môn Khoa học tự nhiên vẫn rối bời, bao giờ có giải pháp hiệu quả?

Học 3 phân môn với 3 giáo viên nhưng chỉ có chung 1 cột điểm nên học sinh và cả giáo viên không biết học sinh có thế mạnh ở phân môn nào.

Năm học 2024-2025, học sinh cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở tất cả các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông, một số nội dung cơ bản đã ổn định, dần đi vào nền nếp. Tuy nhiên, phải thừa nhận một số nội dung vẫn còn “rối bời”, chưa có lối ra phù hợp, được gọi là tích hợp ở cấp Trung học cơ sở: Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên; Nghệ thuật; Nội dung giáo dục địa phương.

Môn nào cũng khó, càng có nhiều hướng dẫn thì thực hiện lại phát sinh vướng mắc khác và khó thực hiện nhất vẫn là môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), cả 4 khối lớp 6,7,8,9 thực hiện đều vướng mắc, khó gỡ.

 Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Môn Khoa học tự nhiên, đa số địa phương dạy song song, yếu tố tích hợp ở đâu?

Trước đây định hướng về môn Khoa học tự nhiên được các vị biên soạn chương trình, sách giáo khoa và những người liên quan đều khẳng định môn Khoa học tự nhiên là một môn học mới, không phải ghép 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, đây là môn sẽ do 1 giáo viên giảng dạy, các giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học chỉ cần được đào tạo chứng chỉ Khoa học tự nhiên theo Quyết định 2454 của Bộ Giáo dục và Đào tạo,…sẽ dạy được.

Tuy nhiên, bắt đầu áp dụng từ lớp 6 từ năm 2021 đến nay thực hiện cả 4 khối lớp 6, 7, 8, 9 là một quãng thời gian dài. Đây là môn học có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo nhiều nhất, nhưng vẫn chưa có lối ra phù hợp, và đến nay kế hoạch 1 giáo viên “ôm” cả 3 phân môn khó hiệu quả nên hầu hết triển khai dạy song song. Ba thầy dạy một môn, 1 sách giáo khoa, chung 1 cột điểm, nhận xét, gần như ý nghĩa tích hợp không có nhiều.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 5636 về thực hiện các môn tích hợp, tuy có hướng dẫn thực hiện nhưng không phải điều chỉnh mà chỉ là hướng dẫn thực hiện. Những khó khăn vẫn chưa có lối ra phù hợp.

Sau hướng dẫn Công văn 5636 thì đến nay các địa phương, dù giáo viên có được bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp hay chưa thì đa số áp dụng theo kiểu dạy song song, 1 môn học, một quyển sách nhưng do 3 giáo viên giảng dạy, đào tạo phân môn nào được phân công giảng dạy phân môn đó.

Chẳng hạn như môn Khoa học tự nhiên thời gian qua triển khai dạy song song, thì giáo viên Vật lý dạy phần Năng lượng và sự biến đổi: năng lượng, các quá trình vật lý, lực và sự chuyển động; Trái Đất và bầu trời; giáo viên Hóa học dạy phần: Chất và sự biến đổi của chất:chất có ở xung quanh ta, cấu trúc của chất, chuyển hóa hóa học các chất; giáo viên Sinh học dạy phần: Vật sống. Hoặc có thể linh động sắp xếp 1 số phần của chủ đề để giáo viên giảng dạy phù hợp, nói chung sau khi đã lên kế hoạch giáo dục thì giáo viên được phân công phần nào dạy phần đó.

Một môn học có 3 giáo viên dạy, nhiều vấn đề phát sinh

Thời gian qua, vì không thể có giáo viên dạy tốt cả 3 phân môn nên gần như đa số sắp xếp dạy kiểu song song, giáo viên môn nào dạy nội dung tương ứng.

Nhưng khi thực hiện như vậy thì phát sinh nhiều vấn đề.

Thứ nhất, sắp xếp số tiết cho mỗi phân môn khó khăn.

Với các mạch kiến thức nêu trên, chương trình môn Khoa học Tự nhiên của lớp 6, 7, 8, 9 đều có 3 phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực Vật lí, Sinh học, Hóa học được sắp xếp theo trình tự thời gian như sau:

· Lớp 6: Hóa học (20%) - Vật lí (32%) - Sinh học (38%).

· Lớp 7: Hóa học (24%) - Vật lí (28%) - Sinh học (38%).

· Lớp 8: Hóa học (31%) - Vật lí (28%) - Sinh học (31%).

· Lớp 9: Hóa học (31%) - Vật lí (30%) - Sinh học (29%).

Ví dụ ở lớp 9, môn Khoa học tự nhiên có Hóa học (31%) tương ứng 43 tiết/ năm học - Vật lí (30%) tương ứng 42 tiết/năm học- Sinh học (29%) tương ứng 41 tiết/năm học (chưa kể 14 tiết ôn tập, kiểm tra, đánh giá).

Với môn Khoa học tự nhiên 140 tiết/năm học, tương ứng khoảng 4 tiết/tuần, việc sắp xếp, môn học nào mỗi tuần bao nhiêu tiết là điều rất khó, không biết sắp phân môn nào 1 tiết/tuần, phân môn nào 2 tiết/tuần cho phù hợp.

Cả 4 khối lớp 6, 7, 8, 9 thì việc bố trí, phân công giáo viên, phân bố số tiết là cả một vấn đề lớn, chỉ với môn Khoa học tự nhiên, cả năm có thể đổi thời khóa biểu không dưới 10 lần. Tổ chuyên môn Khoa học tự nhiên, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng vất vả phân công, sắp xếp thời khóa biểu.

Thứ hai, ai ra đề kiểm tra, đánh giá, nhận xét, chịu trách nhiệm chính.

Vấn đề phân công, bố trí vất vả một thì vấn đề tiếp theo là việc kiểm tra đánh giá, nhận xét...vất vả hơn nhiều.

Đối với kiểm tra thường xuyên thì đơn giản, chẳng hạn phân công môn Hóa 1 cột, Lý 2 cột, Sinh 1 cột chẳng hạn. Nhưng với kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ thì khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều, bởi vì dạy song song nên kiểm tra kiến thức cả 3 phân môn, cả 3 giáo viên phải cùng ra 1 hoặc 2 đề kiểm tra (1 chính thức, 1 dự phòng), phải phân chia để soạn ma trận, phân chia số lượng kiến thức, câu hỏi của từng phân môn cho phù hợp,… Sau đó phải cử ra 1 giáo viên tổng hợp ma trận, đề kiểm tra, đáp án cả 3 phân môn vào 1 đề, cử giáo viên kiểm tra đề, đáp án,…

Sau khi kiểm tra xong, về nguyên tắc phải 3 giáo viên cùng chấm 1 bài của học sinh, nhưng việc chấm này cũng khó khăn, khi học sinh không làm theo thứ tự, ví dụ câu 1,2,3 thuộc phân môn Sinh, nhưng học sinh làm không theo thứ tự, có học sinh làm câu 5 trước, có học sinh làm câu 3 trước, thậm chí học sinh làm câu 3a xong cuối bài bổ sung câu 3b,…tìm kiến thức nào của phân môn mình dạy để chấm cũng là vấn đề khó khăn, vất vả. Ba giáo viên chấm xong, phải có 1 người tổng hợp điểm chung, sau đó phải thống nhất cử người vào điểm sổ điểm, vào điểm phần mềm, tổng hợp cuối kỳ, phải cử người nhận xét. Một giáo viên dạy 1 phân môn nhưng khi nhận xét cả môn Khoa học tự nhiên cũng là điều bất hợp lý.

Thứ ba, chưa thống nhất cách ghi sổ điểm cá nhân.

Đối với môn Khoa học tự nhiên, là 1 môn nhưng có 3 giáo viên dạy, sẽ có 3 quyển sổ điểm cá nhân nhưng chỉ có chung 1 cột điểm giữa kỳ, cuối kỳ, chung cột nhận xét nên hiện nay cả 3 giáo viên loay hoay không biết ghi sổ điểm cá nhân như thế nào, ở học bạ ai là người ký tên,…

Thứ tư, cách ghi sổ đầu bài nhiều bất cập.

Vì chưa có hướng dẫn, giao cho các trường tự giải quyết nên môn Khoa học tự nhiên có 140 tiết có 3 giáo viên giảng dạy, việc ghi tiết chương trình cũng khó khăn, không biết ghi kiểu nào cho phù hợp.

Thứ năm, học sinh bối rối với 3 thầy 1 môn.

Học sinh bị quay cuồng với việc 3 giáo viên dạy 1 môn, 1 sách giáo khoa, ví dụ học sinh học tiết 1 phân môn Hóa ở bài 1 (sách giáo khoa trang 3), sang tiết 1 phân môn Lý ở bài 10 (trang 50), sang tiết 3 thuộc phân môn Sinh ở bài 30 (trang 100). Học sinh không thể nhớ bài học nào để chuẩn bị bài học trước ở vị trí nào.

Thứ sáu, học sinh không biết thế mạnh, học tốt phân môn nào.

Học 3 phân môn với 3 giáo viên nhưng tới bài kiểm tra định kỳ vì chấm chỉ có chung 1 cột điểm nên học sinh và cả giáo viên không biết học sinh có thế mạnh ở phân môn nào để định hướng nghề nghiệp trong tương lai, nhất là học sinh lớp 9 vì lớp 10 không còn môn Khoa học tự nhiên chỉ còn các môn lý, Hóa, Sinh thuộc các môn tự chọn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Mỹ Tiên

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/mon-khoa-hoc-tu-nhien-van-roi-boi-bao-gio-co-giai-phap-hieu-qua-post245888.gd
Zalo