Đề xuất miễn, giảm học phí cho sinh viên ngành bán dẫn

Bộ GD-ĐT đề xuất miễn, giảm học phí và dành học bổng cho học sinh, sinh viên theo học ngành công nghiệp bán dẫn

Tại phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ GD-ĐT đề xuất miễn, giảm học phí và dành học bổng cho học sinh, sinh viên theo học ngành công nghiệp bán dẫn

Bộ GD-ĐT đề xuất miễn, giảm học phí và dành học bổng cho học sinh, sinh viên theo học ngành công nghiệp bán dẫn

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, thời gian qua, Bộ GD-ĐT, các trường đại học đã chủ động vào cuộc, tích cực triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Từ giữa năm 2024, đã tuyển sinh, bắt đầu đào tạo khoảng 18.000 sinh viên cho ngành này và kế hoạch năm sau có thể tuyển sinh, đào tạo nhiều hơn nữa.

Bộ GD-ĐT cũng đang khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về vi mạch bán dẫn để hoàn thành trong quý I-2025 như kế hoạch được giao.

Mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành Kế hoạch 1758 triển khai Quyết định số 1018 phê duyệt "Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050" và Quyết định số 1017 phê duyệt Chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050".

Theo đó, trong năm 2025, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí và chính sách học bổng đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn trong và ngoài nước. Bộ cũng nghiên cứu, đề xuất và tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp trong đào nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Bộ Tài chính ủng hộ, tạo điều kiện cho chính sách trên. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin cụ thể hơn về cơ cấu, thành phần, số lượng nhân lực cho các lĩnh vực của ngành này để các trường đại học có thể đào tạo sát hơn với thực tiễn.

Theo Bộ trưởng, một vấn đề nóng hiện nay là việc đầu tư phòng thí nghiệm tại các trường đại học. Đề án được duyệt nhưng không thể mua ngay như hàng tiêu dùng mà phải đặt hàng. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng đào tạo 2-3 năm mà chưa có phòng thí nghiệm là vấn đề đáng lo

Trước đó, Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05 năm 2024 quy định về hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn phục vụ nền công nghiệp số trên địa bàn.

Theo đó, mức hỗ trợ học phí sinh viên đại học, cao đẳng, học viên trung cấp theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo hoạt động trên địa bàn từ 1.640.000 đồng/tháng/em đến 2.940.000/tháng/em tùy theo bậc học và năm học khác nhau.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/de-xuat-mien-giam-hoc-phi-cho-sinh-vien-nganh-ban-dan-196241216103027444.htm
Zalo