Định hướng nghề nghiệp trong từng trang sách
Thông qua các nội dung, ví dụ thực tiễn trong sách giáo khoa, học sinh có thể định hướng nghề nghiệp tương lai một cách trực quan, sinh động hơn.
Không còn có vị trí môn học phụ, giờ đây, Công nghệ là môn học có vai trò quan trọng trong phát triển năng lực công nghệ, thúc đẩy giáo dục STEM, giáo dục hướng nghiệp. Đặc biệt, với phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Công nghệ lần đầu tiên đã trở thành môn thi tự chọn, điều này một lần nữa càng khẳng định vai trò của môn học này.
Trao đổi với Người Đưa Tin, PGS.TS Lê Huy Hoàng - Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Công nghệ, bộ sách Kết nối tri thức cho biết mục tiêu đội ngũ biên soạn sách đặt ra, là các nội dung được chọn phải giúp các em có thể học tập, làm việc một cách hiệu quả, trong môi trường công nghệ ở gia đình, nhà trường và xã hội.
Theo đó, sách giáo khoa Công nghệ phải đảm bảo mục tiêu của bộ môn này là hình thành và phát triển năng lực công nghệ, bao gồm nhận thức công nghệ, giao tiếp công nghệ, sử dụng công nghệ, đánh giá công nghệ, và thiết kế kỹ thuật.
"Đặc biệt, thiết kế kỹ thuật là một năng lực có vai trò quan trọng, phỏng theo tư duy của các kỹ sư, nhờ đó giúp học sinh không thụ động khi tiếp xúc với thế giới công nghệ. Các em có khả năng quan sát, tìm tòi trong cuộc sống và phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết, đề xuất những giải pháp giải quyết vấn đề đó", ông Hoàng phân tích.
Bên cạnh đó, Công nghệ có vai trò không nhỏ trong thúc đẩy giáo dục STEM, phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, tư duy thiết kế kỹ thuật. Vì vậy, các nội dung trong sách giáo khoa cũng phải đảm bảo vai trò định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là nghề nghiệp STEM.
Cuối cùng, sách giáo khoa môn Công nghệ cần chuẩn bị tri được thức nền tảng cho học sinh lựa chọn nghề nghiệp thuộc các lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ.
Để đảm bảo truyền đạt được những nội dung trên trong sách giáo khoa, về phương pháp giảng dạy, PGS.TS Lê Huy Hoàng cho hay: "Trong một giờ dạy, thầy cô khi bắt đầu cần xuất phát từ tình huống trong thực tiễn của học sinh. Đây là chủ trương các thầy cô cần cố gắng vận dụng nhiều".
Ở đây, chuyên gia ví dụ, cần đề cập đến tình huống có nội dung, vấn đề gần gũi với học sinh. Cụ thể, không đứa trẻ nào không biết bật quạt nhưng việc sử dụng không đúng cách, không an toàn là phổ biến, thậm chí bố mẹ cũng không sử dụng đúng, chúng ta có thể khai thác những tình huống như vậy.
"Trong quá trình biên soạn sách, chúng tôi rất muốn đưa những tình huống cụ thể, nhưng tình huống ở từng nơi không giống nhau, rất đa dạng. Nếu chỉ lấy một tình huống, thì rất thiếu linh hoạt, không sáng tạo, cho nên chúng tôi sử dụng hình ảnh để thể hiện tư tưởng.
Còn trong quá trình dạy, giáo viên có thể sử dụng tình huống trong sách giáo khoa hoặc mở rộng kết nối với trải nghiệm của học sinh thực tiễn", chuyên gia bày tỏ.
Đối với khối 12, để giúp các em ôn tập hiệu quả chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới môn Công nghệ, ông Lê Huy Hoàng nhấn mạnh rằng thầy cô cần nghiên cứu kỹ chương trình và sách giáo khoa Công nghệ 12, đặc biệt là mục tiêu, yêu cầu cần đạt và các nội dung mới.
Dựa trên đó, các thầy cô cần xây dựng và triển khai kế hoạch giảng dạy môn Công nghệ lớp 12 một cách nghiêm túc. Trong quá trình dạy học, thầy trò cần chú trọng vào bản chất của vấn đề. Đồng thời, đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung thực hành, khuyến khích sự tự chủ và tích cực của học sinh.
Thầy cô cũng cần làm rõ các nội dung mang tính đại cương, nguyên lý, khái quát, bản chất, nền tảng, cũng như những kiến thức quan trọng giúp học sinh tiếp tục học các ngành kỹ thuật, công nghệ.
Ngoài ra, việc đánh giá trong suốt quá trình giảng dạy là rất quan trọng để điều chỉnh các hoạt động dạy và học, bảo đảm rằng mọi học sinh đều nắm vững bài học và học tốt. Các bài kiểm tra cần được xây dựng phù hợp với định hướng cấu trúc và định dạng đề thi tốt nghiệp môn Công nghệ năm 2025.