Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo

Những năm gần đây, Cuộc vận động 'Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo' đã trở thành một trong những nét nổi bật trong ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) Yên Bái. Cuộc vận động này không chỉ khuyến khích giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn mà còn tạo ra môi trường học tập tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn tỉnh.

Một giờ học vui nhộn của cô Trần Thị Ngọc và học sinh lớp 5, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.

Một giờ học vui nhộn của cô Trần Thị Ngọc và học sinh lớp 5, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải.

Một giờ học của cô Trần Thị Ngọc - giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải với các em học sinh lớp 5 thật vui nhộn. Những trò chơi học tập thu hút học sinh tham gia, cô khéo léo lồng ghép trong đó là những phần kiến thức của bài học. Cô Ngọc là một trong những giáo viên có kinh nghiệm của nhà trường, là địa chỉ tin cậy trong công tác chuyên môn của các đồng nghiệp. Nhiều năm liền, cô đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua các cấp, các ngành phát động.

Để có được thành tích đó, được bản thân cô không ngừng học hỏi, đúc rút kinh nghiệm từ những người đi trước, đồng nghiệp, bạn bè, chủ động nghiên cứu phương pháp mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục. Là giáo viên ở trường vùng khó, học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, còn hạn chế về tiếng Việt, cô Ngọc đã chủ động nghiên cứu phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh, tổ chức nhiều hoạt động tăng cường tiếng Việt...

Cô Ngọc chia sẻ: "Ngay từ đầu năm, tôi tiến hành khảo sát học sinh, phân hóa đối tượng học sinh để có những biện pháp cụ thể cho từng nhóm. Trong quá trình giảng dạy, tôi nghiên cứu bài học, đưa ra hình thức giảng dạy phù hợp với từng đối tượng cụ thể và phải đạt được yêu cầu cần đạt của từng bài học. Để tạo hứng thú cho học sinh, trước hay trong tiết học, tôi thường xuyên tổ chức cho học sinh những trò chơi cho các em. Áp dụng công nghệ thông tin, các phần mềm trong giảng dạy để học sinh có thể tiếp cận được những cái mới nhất.

Quan tâm học sinh, gần gũi các em, khơi gợi để các em có thể nói ra, chia sẻ những điều các em suy nghĩ, mong muốn… để mình có phương pháp với từng đối tượng học sinh”. Gần 100% số học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số nên khả năng nghe, nói tiếng Việt của học sinh còn hạn chế, cô Ngọc thường xuyên tăng cường tiếng Việt cho học sinh, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm cho học sinh, tăng cường khả năng giao tiếp, hợp tác, khả năng làm việc nhóm trao đổi giữa học sinh và giáo viên, học sinh và học sinh để học sinh mạnh dạn, để học sinh có thể trình bày được những điều mình nghĩ. Các phương pháp cô Ngọc áp dụng không có cụ thể trong một giáo trình nào mà đều được cô hỏi, đúc rút, xây dựng phù hợp với đối tượng học sinh của cô.

Cô Ngọc chia sẻ: "Tôi sử dụng tối đa các học liệu điện tử. Cùng với đó, tôi tự nghiên cứu tìm hiểu ứng dụng nhiều phần mềm công nghệ như Icam, AI, Học 10… Từ đó, các phần bài tập học sinh được tương tác tạo hứng thú, sử dụng AI tôi có thể chuyển hình ảnh trong sách giáo khoa thành các video trình chiếu cho học sinh”.

Cô Trương Nữ Thu Hằng - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính chia sẻ: "Cô Ngọc năng động sáng tạo, tiếp cận nhanh trong chuyển đổi số, tâm huyết trách nhiệm, là tấm gương cho cán bộ, giáo viên trong nhà trường. Đặc biệt, cô Ngọc có tinh thần tự học rất cao. Tôi cho rằng, để đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, đặc biệt là thực hiện Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, đòi hỏi người giáo viên tự học, tự nghiên cứu dựa trên những định hướng chuyên môn để có thể tìm ra phương pháp tốt nhất, cách làm hay nhất cho học sinh”.

Những năm qua, Cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” được các thầy cô trong toàn ngành GD&ĐT tỉnh tích cực hưởng ứng. Phong trào bắt đầu từ nhận thức sâu sắc của đội ngũ giáo viên về vai trò của việc tự học trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Nhận thấy rằng, để đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục đổi mới, mỗi giáo viên cần phải không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng của bản thân.

Các thầy cô đã chủ động tìm kiếm các khóa học, hội thảo và tài liệu tự học để cập nhật những phương pháp giảng dạy mới nhất. Các thầy cô giáo thường xuyên tham gia các khóa bồi dưỡng, không chỉ để nâng cao kiến thức chuyên môn mà còn để tìm kiếm những cách thức giảng dạy sinh động hơn cho học sinh của mình. Việc tự học giúp cảm thấy tự tin hơn trong mỗi giờ lên lớp.

Để Cuộc vận động trở nên sôi nổi, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú. Từ các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, triển lãm các sản phẩm sáng tạo đến các cuộc thi sáng kiến kinh nghiệm, tất cả đều nhằm khuyến khích giáo viên phát huy khả năng sáng tạo của mình. Cùng với đó, ngành cũng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Với sự phát triển của công nghệ, nhiều giáo viên đã mạnh dạn áp dụng các công cụ và phần mềm hỗ trợ giảng dạy vào lớp học.

Điều này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận kiến thức trực quan và sinh động hơn. Không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, Cuộc vận động còn khuyến khích giáo viên tham gia nghiên cứu khoa học. Nhiều giáo viên đã thực hiện các đề tài nghiên cứu, viết bài báo khoa học và tham gia các hội thảo chuyên đề, góp phần làm phong phú thêm kho tàng tri thức trong ngành GD&ĐT.

Cuộc vận động "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” đang từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục tại Yên Bái. Những nỗ lực không ngừng của thầy cô giáo đã tạo ra một môi trường học tập tích cực, khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong giảng dạy. Từ đó, không chỉ giáo viên mà cả học sinh cũng được hưởng lợi, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ năng động, sáng tạo và tự tin trong tương lai.

Năm học 2023 - 2024, toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có 178 đề tài, sáng kiến của cán bộ, giáo viên được công nhận (trong đó cấp tỉnh: 11 đề tài, sáng kiến). Các đơn vị đã tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên, nhân viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Đến nay, 2,6% số cán bộ quản lý, giáo viên toàn ngành giáo dục và đào tạo tỉnh có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ (1 tiến sĩ, 134 thạc sĩ); 76,8% có trình độ đại học; 16,9% có trình độ cao đẳng; trình độ còn lại chiếm 3,7%. Tỷ lệ giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn trở lên là 92%, trên chuẩn là 24,3%.

Thanh Ba

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/45/342353/moi-thay-co-giao-la-mot-tam-guong-dao-duc-tu-hoc-va-sang-tao.aspx
Zalo