'Mỗi lần cất lên làn điệu quan họ, tôi thấy mình như trẻ lại'
Trong không khí rộn ràng sắc xuân ở thôn Lương Quy (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội), dễ dàng bắt gặp hình ảnh một người phụ nữ duyên dáng trong bộ áo tứ thân, đội khăn mỏ quạ nở nụ cười hiền hậu. Đó là cô Nguyễn Hồng Luyến, thành viên Câu lạc bộ Quan họ của thôn.
![Cô Nguyễn Hồng Luyến](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51440002/f132f9f7cdb924e77da8.jpg)
Cô Nguyễn Hồng Luyến
Khi đã lên chức bà, cô Luyến vừa chăm cháu, vừa cố gắng duy trì tình yêu với quan họ. "Trừ những lúc hỗ trợ các con chăm cháu, có thời gian rảnh là tôi tham gia biểu diễn hát quan họ", cô Luyến chia sẻ. Niềm vui lớn nhất của cô là những lúc được ngồi bên các cháu, ngân nga những câu hát quan họ, gieo vào lòng cháu tình yêu với văn hóa truyền thống.
Gia đình rất ủng hộ niềm đam mê này của cô Luyến. Các con cô không chỉ động viên mà còn đồng hành cùng cô trong nhiều buổi biểu diễn. "Có những lần con gái tôi đi cùng, giúp tôi chuẩn bị trang phục, đạo cụ", cô Luyến nói.
Ở tuổi 59, cô Luyến vẫn say sưa với quan họ, không bận tâm về tuổi tác. "Còn sức khỏe, tôi còn hát. Còn người muốn nghe, tôi còn cất giọng", cô khẳng định. Những ngày đầu xuân, cô cùng các thành viên trong Câu lạc bộ (CLB) thường đi hát giao lưu ở nhiều nơi, từ các lễ hội văn hóa, hội làng, đình, chùa. "Tôi muốn mang những làn điệu quan họ đi muôn nơi", cô Luyến vui vẻ nói.
Gắn bó với quan họ muộn hơn các thành viên khác nhưng cô Luyến lại có cơ duyên đặc biệt với loại hình nghệ thuật dân gian này. Khi bắt đầu học hát quan họ ở tuổi 38, cô chưa nghe nhiều làn điệu quan họ. Thế nhưng ngay lần đầu tiên nghe những câu quan họ cổ do giáo viên biểu diễn, cô đã bị mê hoặc. "Quan họ thấm vào tôi lúc nào không hay", cô nhớ lại.
Thuận lợi khi có được chất giọng tốt, cô Luyến không gặp quá nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kỹ thuật hát. Tuy nhiên, khi tập những bài quan họ cổ, cô phải kiên trì tập luyện không ngừng. "Có những ngày tôi phải luyện giọng hàng giờ liền, cổ họng đau, nhưng tôi vẫn cố gắng", cô chia sẻ.
Không chỉ học cách hát, cô còn học cách ứng xử theo lối quan họ, từ lời ăn tiếng nói, cách giao tiếp, đến phong thái biểu diễn. Những lần được về thăm làng quê quan họ của cô giáo hay được tham dự hội Lim, được nghe các nghệ nhân lớn tuổi kể chuyện, cô Luyến càng thêm yêu mến quan họ hơn.
![Cô Nguyễn Hồng Luyến (phải) cùng Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hài trong một lần tham gia Hội Lim ở Bắc Ninh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_338_51440002/31c42601124ffb11a25e.jpg)
Cô Nguyễn Hồng Luyến (phải) cùng Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Hài trong một lần tham gia Hội Lim ở Bắc Ninh
Hơn 20 năm trước, CLB quan họ của thôn Lương Quy được thành lập và mời giáo viên là Nghệ nhân ưu tú ở làng Diềm (xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) về dạy hát. CLB trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu của những người yêu thích dân ca trong thôn.
Khi ấy, cô Luyến không ngần ngại đăng ký tham gia. Với cô Luyến, quan họ không chỉ là hát mà còn là một lối sống. "Người quan họ không hát một mình mà hát cho nhau nghe, hát để giao duyên, để kết nghĩa bạn bè. Mỗi lần cất giọng, tôi lại cảm thấy như trẻ lại, như sống trong không khí Tết đến xuân về", cô tâm sự.
Những dịp lễ hội xuân, hội làng, tiệc cưới, cô Luyến khoác lên mình trang phục truyền thống, trình diễn những làn điệu mượt mà. "Có năm trời rét, mưa phùn nhưng chỉ cần nghe tiếng trống hội, thấy niềm háo hức của mọi người, tôi lại quên hết mệt mỏi, hát say sưa", cô vui vẻ kể.
Cô Luyến cho biết, quan họ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Chính vì thế, cô luôn mong muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nối, giữ gìn và phát huy giá trị của quan họ để những câu hát giao duyên mãi ngân vang.
Vào ngày đầu xuân, bên chén trà ấm, cô Luyến lại cất lên câu hát: "Khách đến chơi nhà rằng mấy khi khách đến chơi nhà. Rót lời, hát xuống chén trà mời nhau…". Giai điệu mượt mà ấy không chỉ lan tỏa tình yêu quan họ mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.