Mới lạ, bún chuối

Trong một chuyến đi công tác đến A Lưới, tôi được một người bạn địa phương mời đến một quán nhỏ để thưởng thức món bún chuối - một món ăn mà tôi chưa từng nghe đến trước đó.

 Sợi bún chuối có thể chế biến thành nhiều món khác nhau

Sợi bún chuối có thể chế biến thành nhiều món khác nhau

Từ sản vật địa phương

Ban đầu, tôi khá ngạc nhiên khi nghe nhắc đến bún làm từ chuối xanh. Khi đến quán của chị Lê Thị Quỳnh - một trong những người hiếm hoi chế biến món ăn này, tôi mới thực sự tò mò và háo hức trải nghiệm. Quán nhỏ, mộc mạc nhưng ấm cúng, với mùi nước dùng thơm phức lan tỏa trong không gian.

Chị Quỳnh vui vẻ chào đón tôi rồi nhanh tay chuẩn bị món bún chuối. Khi bát bún được bưng ra, tôi không khỏi ngỡ ngàng. Sợi bún có màu nâu sẫm, khác hẳn với màu trắng quen thuộc của bún gạo. Chị Quỳnh bật mí: “Bún này làm từ chuối xanh sấy khô nên có màu tự nhiên như vậy”.

Tôi cẩn thận gắp một đũa bún, nhai chậm rãi để cảm nhận rõ hơn. Sợi bún giòn sật, có vị bùi của chuối, thêm chút chát nhẹ đặc trưng. Khi kết hợp với nước dùng nấu từ xương heo, hương vị trở nên hài hòa. Những lát chả cua, giò heo, huyết mềm... khiến tô bún càng thêm hấp dẫn.

Sợi bún chuối to, có màu nâu sẫm

Sợi bún chuối to, có màu nâu sẫm

Ngồi cùng bàn với tôi là một nhóm du khách từ Huế. Một chị tấm tắc: “Ban đầu tôi hơi e dè, nhưng ăn rồi mới thấy ngon lạ. Sợi bún không dai như bún gạo nhưng bùi hơn”.

Chị Quỳnh còn cho biết, bún chuối có thể chế biến thành nhiều món khác nhau như bún trộn, hay thậm chí là spaghetti sốt bò theo phong cách phương Tây nhưng vẫn giữ được hương vị núi rừng. Một số thực khách ăn chay còn kết hợp bún chuối với nấm và rau củ để tạo ra món ăn thanh đạm và bổ dưỡng.

Đến đặc sản vùng cao

Tìm hiểu thêm về nguồn gốc của sợi bún chuối, tôi tìm gặp chị Hồ Thị Nga, Giám đốc Hợp tác xã Nông sản an toàn A Lưới. Chị Nga chia sẻ: “Chuối xanh sau khi thu hoạch được rửa sạch, sấy khô trong 20 giờ rồi xay thành bột. Bột chuối sau đó được trộn với bột mì, cán thành sợi và sấy khô để bảo quản lâu dài”.

Sợi mì bột chuối xanh được người dân ở đây quen gọi là bún chuối, vừa để phân biệt với bún gạo, vừa thể hiện sự sáng tạo trong cách chế biến. Khi ăn, sợi bún này có độ dai nhẹ, vị bùi đặc trưng mà không loại bún nào có được.

Thổ nhưỡng và khí hậu vùng cao A Lưới là điều kiện lý tưởng để giống chuối già lùn phát triển mạnh mẽ. Nhờ vậy, nguồn nguyên liệu tạo ra món bún chuối luôn dồi dào và đảm bảo chất lượng. Những vườn chuối trải dài trên sườn đồi không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn giúp bà con địa phương có thêm thu nhập ổn định. “Chúng tôi mong muốn đưa sản phẩm này ra thị trường rộng hơn, vừa bảo tồn ẩm thực truyền thống vừa giúp bà con có cuộc sống tốt hơn”, chị Nga chia sẻ. Đồng thời, nhấn mạnh thêm giá trị dinh dưỡng của món ăn này: “Chuối già lùn rất giàu chất xơ và vitamin. Khi làm thành bún, nó vẫn giữ nguyên dưỡng chất, vừa tốt cho sức khỏe lại lạ miệng. Đặc biệt, sợi bún này phù hợp với những người có chế độ ăn kiêng hoặc muốn bổ sung chất xơ”.

Không chỉ là một món ăn độc đáo, bún chuối còn mang đậm nét văn hóa ẩm thực vùng cao. Chị Quỳnh, chủ quán bún chuối vui vẻ nói: “Ngày càng có nhiều khách ghé quán tôi để thử bún chuối. Nhiều người ăn xong lại giới thiệu bạn bè, nhờ đó món ăn này ngày càng được biết đến rộng rãi hơn”.

Không chỉ phục vụ tại quán, nhiều thực khách còn tìm mua bún chuối khô để mang về chế biến tại nhà. Nhờ quy trình sản xuất cẩn thận, sợi bún có thể bảo quản lâu và phù hợp với nhiều món ăn khác nhau. “Tôi đã mang bún chuối về cho gia đình ở Huế, ai cũng thích thú. Nếu được quảng bá tốt, bún chuối có thể trở thành đặc sản có sức hút lớn hơn nữa”, một du khách chia sẻ.

Nếu có dịp đến A Lưới, mời bạn một lần thử món bún chuối để cảm nhận cái vị ngon lạ mà hiếm nơi nào có được này. Thưởng thức những món ăn ngon, lạ là thêm một trải nghiệm quý giá giúp chúng ta hiểu và gần gũi hơn với bản sắc văn hóa của đồng bào nơi đây.

Bạch Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/moi-la-bun-chuoi-150776.html
Zalo