Mời gọi đầu tư 535 dự án vào TP. Thủ Đức và nhà máy đốt rác phát điện 1.500 tỷ đồng ở Bình Định
TP.HCM mời gọi đầu tư 535 dự án vào TP. Thủ Đức, tổng vốn 800.000 tỷ đồng; Bình Định tiếp tục tìm nhà đầu tư nhà máy đốt rác phát điện 1.500 tỷ đồng…
Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Đề xuất đầu tư 13.487 tỷ đồng cải thiện môi trường kênh Tàu Hũ - Bến Nghé giai đoạn 3
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP), vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM đề xuất Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - kênh Đôi - kênh Tẻ, giai đoạn 3 (gọi tắt là Dự án Cải thiện môi trường nước, giai đoạn 3).
Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng - một hạng mục của Dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 2) đưa vào vận hành cuối tháng 8/2024. Ảnh: Lê Toàn
Phạm vi đầu tư Dự án chủ yếu là quận 7 và một phần huyện Nhà Bè (xã Phước Kiểng, xã Phú Xuân và Thị trấn Nhà Bè) với diện tích là 4.742 ha.
Ngoài ra, Dự án sẽ xây dựng các tuyến cống thu gom nước thải của khu vực phía Nam quận 8 thuộc các phường 5, 6 với diện tích thu gom và xử lý nước thải là 587 ha.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 13.487 tỷ đồng, trong đó đề xuất nguồn vốn vay ODA từ Cơ quan hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) là 9.915 tỷ đồng chiếm hơn 73,5% tổng mức đầu tư. Còn nguồn vốn đối ứng là 3.572 tỷ đồng chiếm gần 26,5 % tổng mức đầu tư.
Thời gian thực hiện Dự án từ nay đến năm 2030.
Mục tiêu đầu tư của Dự án là tiếp tục hoàn thiện hệ thống thoát nước mưa nhằm chống ngập úng và giải quyết vấn đề vệ sinh môi trường cho các khu vực trũng của Thành phố và vùng lân cận thuộc lưu vực kênh Tàu Hũ-Bến Nghé, Đôi-Tẻ theo đúng quy hoạch đã được Chính Phủ phê duyệt.
Khi đầu tư giai đoạn 3 sẽ hoàn thiện, kết nối đồng bộ hệ thống thoát nước, xử lý nước thải đã được xây dựng trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2 nhằm phát huy một cách có hiệu quả nhất nguồn vốn đầu tư trong việc giải quyết tình trạng ngập úng và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường của lưu vực này.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ cải thiện và nâng cao đời sống của hàng triệu dân cư trong khu vực phía Nam TP.HCM, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Tháng đầu năm 2025, hơn 4,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam
Số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, trong tháng 1/2025, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 4,33 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ.
![Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Samsung Display vào những ngày đầu năm mới 2025](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_72_51434258/e9fdd143ea0d03535a1c.jpg)
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Samsung Display vào những ngày đầu năm mới 2025
Trong tổng nguồn vốn hơn 4,33 tỷ USD, vốn đăng ký mới đạt gần 1,29 tỷ USD. Trong khi đó, vốn tăng thêm đạt gần 2,73 tỷ USD, gấp gần 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt hần 322,9 triệu USD, tăng 70,4% so với cùng kỳ năm 2024.
Nhận xét về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, tháng 1/2025, dù sát với kỳ nghỉ Tết Âm lịch, song các doanh nghiệp vẫn tích cực hoạt động sản xuất - kinh doanh, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân đạt khoảng 1,51 tỷ USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Đây là một thông tin tích cực.
Tuy nhiên, cũng do ảnh hưởng của hai đợt nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán, mà các quyết định đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng. Thêm nữa, do không có nhiều Dự án lớn, nên đầu tư mới trong tháng đầu năm đã giảm tương đối (giảm 43,6%).
Nhưng ngước lại, cả vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng mạnh, với các mức tăng tương ứng 509,6% và 70,4%, giúp tổng vốn đầu tư của cả tháng tăng 48,6%. Đây là mức tăng tương đối lớn khi trong tháng 1/2025 có tới 6 ngày thuộc kỳ nghỉ Tết.
Việc Samsung Display tăng vốn đầu tư thêm hơn 1 tỷ USD có lẽ đã góp phần quan trọng đưa mức vốn đầu tư tăng thêm tăng mạnh như vậy. Tỉnh Bắc Ninh, ngay những ngày đầu năm 2025, đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhiều dự án, trong đó có dự án tỷ USD của Samsung Display.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, trong tháng 1/2025, các đối tác đầu tư lớn nhất vẫn là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ châu Á. Riêng 5 đối tác dẫn đầu (Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông) đã chiếm 73,4% số dự án đầu tư mới và 86,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.
Trong đó, cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều tăng mạnh tổng lượng vốn đầu tư, tương ứng gấp 13,4 lần và 7,7 lần, và tăng cả về thứ hạng (tăng tương ứng 5 bậc và 4 bậc) so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng đầu năm 2025, báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, đã có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 1,25 tỷ USD, chiếm hơn 28,9% tổng vốn đầu tư, gấp 13,4 lần cùng kỳ. Singapore đứng thứ hai với hơn 1,24 tỷ USD, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư, tăng 1,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Hồng Kông…
Xét về địa phương, Bắc Ninh đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,39 tỷ USD, chiếm 32,2% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp gần 6,1 lần cùng kỳ. Đồng Nai đứng thứ hai với gần 959 triệu USD, chiếm 22,1% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp hơn 3,4 lần cùng kỳ.
Trong khi đó, Hà Nội đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 716,4 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư cả nước, tăng 1,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, Hải Phòng; Bình Dương…
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư,…) tiếp tục thu hút phần lớn lượng vốn đầu tư của cả nước.
Trong đó, riêng 10 địa phương dẫn đầu đã chiếm 81,2% số dự án mới và 90,8% số vốn đầu tư của cả nước trong tháng 1/2025.
Xét về ngành, trong tháng 1/2025, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 16 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 3,09 tỷ USD, chiếm gần 71,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 99,1% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,09 tỷ USD, chiếm 23,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 6,4% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ; cấp nước và xử lý chất thải với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt 98,8 triệu USD và 73,8 triệu USD.
TP.HCM mời gọi đầu tư 535 dự án vào TP. Thủ Đức, tổng vốn 800.000 tỷ đồng
Ngày 6/2, UBND TP.HCM công bố Đồ án quy hoạch chung TP.Thủ Đức đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư vào TP. Thủ Đức.
Tại hội nghị, TP.HCM công bố mời gọi đầu tư 535 Dự án trên địa bàn TP. Thủ Đức với 5 nhóm dự án, tổng nguồn vốn hơn 800.000 tỷ đồng.
Nhóm 1: Nhóm các dự án đầu tư theo phương thức đấu giá quyền sử dụng đất với 239 ha đất, trong đó có 498.175 m2 đất với 49 lô đất trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm và 1.899.217 m2 đất, với 10 dự án khác trên địa bàn TP.Thủ Đức.
Chức năng chủ yếu là đất dân cư đa chức năng, thương mại dịch vụ, dân cư mật độ cao, giáo dục, trạm nhiên liệu, công trình văn hóa, ...
Nhóm 2: Nhóm các dự án đầu tư có sử dụng đất theo phương thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với 13 dự án. Trong đó có những dự án lớn như: trung tâm hội nghị triển lãm và khu phức hợp khách sạn, khu phức hợp thể thao, giải trí tại Khu chức năng số 2c Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ra, lĩnh vực chế xuất và công nghiệp phục vụ thu hút đầu tư các khu công nghiệp: chuyên đề, hỗ trợ, công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ sinh học về y tế, cơ khí chế tạo máy, điện tử công nghệ thông tin, hóa chất cao su, nhựa...
Nhóm 3: Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với 32 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến: 78.000 tỷ đồng. Trong đó có những dự án lớn cho lĩnh vực giao thông như quốc lộ 13, đường nối vành đai 3 (đoạn nút giao Gò Công đến trạm 2 cũ), cầu Thủ Thiêm 3,4; Khu Liên hợp Thể dục – Thể thao quốc gia Rạch Chiếc.
Nhóm 4: Đầu tư theo phương thức khác theo Luật đầu tư đã thu hút được 12 dự án, với số vốn 33.000 tỷ đồng từ các doanh nghiệp chủ yếu là dự án nhà ở và sắp tới có hơn 40 dự án tham gia đầu tư các lĩnh vực nhà ở trên địa bàn TP.Thủ Đức.
Nhóm 5: Đầu tư theo nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn TP. Thủ Đứcnăm 2025 và giai đoạn 2025-2030 (tầm nhìn đến năm 2040), với 250 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến trên 600.000 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, TP. Thủ Đức trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án phát triển nhà ở, với tổng vốn đăng ký hơn 33.000 tỷ đồng.
Tại hội nghị, ông Trần Minh Sơn, Phó chủ tịch Tập đoàn SunGroup cho biết, Tập đoàn đã đầu tư nhiều dự án tại nhiều tỉnh, thành nhưng tại TP.HCM doanh nghiệp chưa có cơ hội đầu tư dự án nào. Vừa qua, Tập đoàn đã đóng góp ý tưởng quy hoạch xây dựng Khu đô thị Trường Thọ, Khu thể thao Rạch Chiếc và Khu Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc TP.HCM.
"Chúng tôi mong muốn đầu tư vào TP.HCM với điểm đến đầu tiên là TP.Thủ Đức. Chúng tôi, cam kết đầu tư dự án trong thời gian nhanh nhất" ông Sơn nói tại hội nghị.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT THACO Group cũng cam kết đẩy mạnh hoàn thành xây dựng các dự án trong Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có Dự án 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm. Ông Dương khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành với TP.Thủ Đức xây dựng các dự án hạ tầng tại đây.
Thông tin thêm đến nhà đầu tư, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, trong quy hoạch lần này có điểm mới là quy hoạch đầu tư 2 nhà máy đốt rác phát điện với công suất 1.000 tấn/ngày. Nếu đầu tư được 2 nhà máy này thì sẽ giảm được chi phí vẫn chuyển rác xuyên Thành phố để đến Đa Phước xử lý.
Lãnh đạo TP. Thủ Đức cam kết sẽ luôn đồng hành và hỗ trợ các nhà đầu tư từ việc hỗ trợ tư vấn pháp lý đến tăng cường cải cách hành chính để rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, đảm bảo các nhà đầu tư có thể an tâm đầu tư, kinh doanh tại TP. Thủ Đức.
Hơn 5.556 tỷ đồng giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 91
Đến nay, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP. Cần Thơ - chủ đầu tư Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 91 đoạn từ Km0 đến Km7 (TP. Cần Thơ) đã triển khai thực hiện 5/12 gói thầu bao gồm tư vấn thiết kế và phối hợp với các ngành liên quan để xúc tiến việc tổ chức các gói thầu còn lại của dự án. Kế hoạch vốn năm 2025 của Dự án là 3.235 tỷ đồng.
Dự án có điểm đầu Km0+000 tại nút giao đường Cách Mạng Tháng 8 - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Trãi, thuộc địa phận quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
Dự án có 994 hộ gia đình và 84 tổ chức bị ảnh hưởng, tổng chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.556 tỷ đồng. Hiện nay, UBND quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy tiếp tục áp giá bồi hoàn và tuyên truyền vận động các trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án ủng hộ chủ trương của thành phố, chủ đầu tư đang phối hợp với đơn vị liên quan đưa ra phương án di dời cơ sở hạ tầng như trạm biến áp, đường điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt…
Dự kiến, Dự án sẽ được khởi công xây dựng trước ngày 30/4/2025.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 91 (đoạn từ Km0 - Km7), TP. Cần Thơ được UBND TP. Cần Thơ phê duyệt tại Quyết định số 1644/QĐ-UBND ngày 23/7/2024.
Điểm đầu Km0+000 tại nút giao đường Cách Mạng Tháng 8 - Hùng Vương - Trần Phú - Nguyễn Trãi, thuộc địa phận quận Ninh Kiều. Điểm cuối tại cột Km7 Quốc lộ 91, kết nối với đoạn Km7+00 - Km14+000 (do Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện) đang khai thác, thuộc địa phận quận Bình Thủy.
Tổng mức đầu tư xây dựng gần 7.238 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 5.556 tỷ đồng; chi phí xây dựng hơn 1.302 tỷ đồng; còn lại là chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, chi phí dự phòng.
Đây là dự án trọng điểm của TP. Cần Thơ với kỳ vọng sau khi hoàn thành (dự kiến vào năm 2027) sẽ tạo diện mạo mới cho thành phố, thu hút đầu tư, phát triển giao thương và kinh tế - xã hội, góp phần khắc phục ùn tắc giao thông trên tuyến.
Trong một tháng, thu hút FDI vào khu công nghiệp Đồng Nai đạt 78% kế hoạch năm
Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, năm 2025, DIZA đề ra kế hoạch thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp là 800 triệu USD và 2.000 tỷ đồng vốn trong nước.
Ngay những ngày đầu năm 2025, Ban Quản lý đã tập trung hướng dẫn nhà đầu tư lập hồ sơ và thực hiện thẩm định, xem xét hồ sơ để cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số Dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng.
Khu công nghiệp Amata tại Đồng Nai - Ảnh: Amata
Nhờ việc đẩy nhanh quá trình thẩm định, trong tháng đầu tiên năm 2025, các Khu công nghiệp tại Đồng Nai đã thu hút thêm 7 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 141,7 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn đầu tư 16 lượt dự án với tổng vốn tăng 485,4 triệu USD.
Tính chung cả vốn cấp mới và điều chỉnh là 627,1 triệu USD (bằng 78,4% kế hoạch năm 2025 và gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 là 419,5 triệu USD).
Các dự án thu hút mới đều là các dự án thuộc ngành cơ khí, chế biến thực phẩm, sản xuất hóa dược, mỹ phẩm,… không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường hay thâm dụng lao động.
Đối với nguồn vốn đầu tư trong nước trong tháng 1/2025, các khu công nghiệp tại Đồng Nai thu hút được 544 tỷ đồng (bằng 27,2% kế hoạch năm 2025).
Kết thúc năm 2024, các Khu công nghiệp Đồng Nai thu hút được 1,36 tỷ USD (kế hoạch đề ra là 700 triệu USD) với 102 dự án đầu tư mới, trong đó có 92 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 753,9 triệu USD và 10 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 36 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất 12.801 ha, trong đó 32 khu công nghiệp đang hoạt động.
Trong năm 2024, một loạt các khu công nghiệp (KCN) tại Đồng Nai được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư.
Trong đó KCN Bàu Cạn - Tân Hiệp - giai đoạn 1 (được chấp thuận tháng 9/2024); KCN Xuân Quế - Sông Nhạn -giai đoạn 1 (chấp thuận tháng 11/2024); KCN Phước Bình 2 (chấp thuận tháng 12/2024).
Bình Định tiếp tục tìm nhà đầu tư nhà máy đốt rác phát điện 1.500 tỷ đồng
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa ký quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện. Nhà đầu tư được lựa chọn qua hình thức đấu thầu.
Theo đó, Dự án dự kiến sử dụng diện tích đất hơn 10 ha tại ô A5, A6 thuộc Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn. Tổng mức đầu tư dự kiến tối thiểu là 1.500 tỷ đồng.
![Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ được thực hiện tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_72_51434258/e1ecd352e81c0142580d.jpg)
Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ được thực hiện tại Khu xử lý chất thải rắn Long Mỹ, xã Phước Mỹ, TP. Quy Nhơn.
UBND tỉnh Bình Định cho biết, tổng mức đầu tư này có thể cao hơn, tùy theo công nghệ, thiết bị của nhà đầu tư; đồng thời đây là chi chí sơ bộ đầu tư xây dựng thực hiện dự án còn chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 0 đồng (nhà nước giao mặt bằng sạch và tổ chức đầu tư hạ tầng đến hàng rào của dự án nhưng trừ hệ thống cấp nước phục vụ nhà máy sản xuất).
Nhà máy có công suất thiết kế xử lý 500 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày đêm, có phát điện với công suất 15 MW (dự án nằm trong danh mục các dự án điện sản xuất từ rác bổ sung cập nhật tại Quyết định số 1682/QĐ-TTg, ngày 28/12/2024 của Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050).
Nhà máy sẽ phục vụ thu gom rác thải cho các địa phương gồm TP. Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, huyện Tuy Phước và một phần huyện Vân Canh; về lâu dài, sẽ gia tăng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nhu cầu thực tế và mở rộng phạm vi.
UBND tỉnh Bình Định cũng quy định, giá dịch vụ xử lý nhà nước chi trả cho nhà đầu tư là không quá 430.000 đồng/tấn (đã bao gồm thuế VAT và các chi phí xử lý tro bay, tro xỉ, chất thải thứ cấp hình thành từ quá trình tiếp nhận, xử lý chất thải rắn sinh hoạt).
Đồng thời, mức giá này được duy trì ổn định giá trong vòng 3 năm đầu, kể từ ngày hà máy đi vào vận hành chính thức. Về lộ trình tăng giá, sau 3 năm, giá dịch vụ sẽ cập nhật, điều chỉnh tăng giá với tần suất tăng giá là 2 năm/lần. Hệ số giá tăng được tính theo chỉ số CPI trung bình của 2 năm liền kề trước đó.
Dự án có tiến độ thực hiện dự án không quá 24 tháng kể từ ngày có kết quả lựa chọn nhà đầu tư; thời hạn hoạt động của dự án là 30 năm (tính từ ngày nhà đầu tư được quyết định cho thuê đất).
UBND tỉnh Bình Định cho biết, mục tiêu của dự án là xử lý triệt để chất thải rắn sinh hoạt và chất thải công nghiệp thông thường nếu nhà đầu tư có nhu cầu với công nghệ đốt rác phát điện; chất thải thứ cấp (tro xỉ) sau khi xử lý được tái sử dụng, tái chế, góp phần giảm chôn lấp chất thải, cải thiện môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và phát triển đô thị bền vững.
Về công nghệ, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu xây dựng nhà máy phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, xử lý triệt để mùi hôi, tro bụi và không yêu cầu phân loại rác tại nguồn; máy móc, thiết bị, dây chuyền xử lý phải đảm bảo đầu tư mới, chưa qua sử dụng
Trước đó vào tháng 11/2024, UBND TP. Quy Nhơn đã ban hành quyết định hủy thông báo mời thầu, dừng việc lựa chọn nhà đầu tư Dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Long Mỹ sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.
Lý do hủy thông báo mời thầu, dừng việc lựa chọn nhà đầu tư dự án trên do thực hiện theo quy định mới liên quan đến Luật Đấu thầu. Dự án từng có 3 nhà đầu tư nộp hồ sơ thực hiện dự án vào ngày 9/8/2024.
Thông xe một số đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành
Ngày 7/2, tại Đồng Nai, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chính thức thông xe một số đoạn của Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Hai đoạn chính thức được thông xe là đoạn từ nút giao TP. HCM - Trung Lương đến nút giao quốc lộ 1A dài 3,4 km thuộc địa phận tỉnh Long An, TP.HCM và đoạn từ nút giao Phước An đến nút giao quốc lộ 51 dài 7 km thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng thông xe
Thông tin tại lễ thông xe, ông Trương Việt Đông, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC cho biết, sau khi tái khởi động thi công từ quý III/2023, một số đoạn hoàn thành đưa vào khai thác.
Theo kế hoạch, đoạn tuyến phía Tây ( từ km3+420 - km21+739,5) và đoạn tuyến phía Đông (từ km35+900 - km50+530) dự kiến hoàn thành trước ngày 30/4 năm nay.
Phát biểu tại lễ thông xe, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, việc đưa vào khai thác hai đoạn tuyến thuộc Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành không chỉ đánh dấu mốc quan trọng trong nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, mà còn được xem như cánh én mùa xuân, kỳ vọng một năm đầy khởi sắc trong thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của VEC.
Đặc biệt, sau khi Tổng công ty được xem xét, chấp thuận việc tăng vốn điều lệ Công ty mẹ lên gần 40.000 tỷ đồng, sẽ là bàn đạp cho VEC phát huy nội lực, bước vào kỷ nguyên vươn mình cùng dân tộc.
“Ngay sau lễ thông xe ngày hôm nay, tôi đề nghị VEC với tinh thần vượt nắng, thắng mưa, 3 ca, 4 kíp, tiếp tục khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu đưa phần còn lại của đoạn tuyến phía Đông và phía Tây Dự án vào khai thác trước ngày 30/4 năm nay, tiến tới thông xe toàn tuyến vào năm 2026”, ông Cảnh đề nghị.
Đồng Nai đón 14 dự án "xông đất" đầu năm, tổng vốn đầu tư gần 738 triệu USD
Chiều 7/2, UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 dự án đầu tư mới và 6 dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký gần 738 triệu USD.
Trong số 8 Dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới thì có 7 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 243 triệu USD và 1 dự án trong nước có số vốn đầu tư 892 tỷ đồng (tương đương 35 triệu USD).
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp
Một số dự án FDI có vốn đầu tư lớn như Dự án Mapletree Logistics Park Tam An 1, hoạt động trong lĩnh vực logistics, vốn đầu tư 101,1 triệu USD; Dự án sản xuất phụ tùng xe đạp của Công ty TNHH Quest Composite Technology vốn đầu tư 39,9 triệu USD.
Đối với 6 dự án tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm gần 460 triệu USD.
Trong đó, Dự án sản xuất, lắp ráp các thiết bị điều khiển tự động của Công ty TNHH SMC Manufacturing Việt Nam đăng ký tăng thêm 330 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư tại Đồng Nai lên gần 1 tỷ USD.
Sau khi tăng vốn đầu tư, Dự án của SMC Manufacturing trở thành dự án có vốn đầu tư lớn nhất của Nhật Bản tại Đồng Nai.
Phát biểu tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư, ông Matsui Takao, Tổng Giám đốc Công ty SMC Manufacturing Việt Nam cho biết, trong năm 2025, SMC Manufacturing sẽ tiến hành xây dựng và đưa vào hoạt động khu nhà kho quy mô lớn phục vụ nhu cầu tiếp tục mở rộng sản xuất và xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.
Về vốn đầu tư, tính đến năm 2023, SMC Manufacturing đã đầu tư tổng cộng 670 triệu USD vào các nhà máy tại Khu công nghiệp Long Đức. Vào cuối tháng 1/2025, công ty quyết định tiếp tục đầu tư thêm 330 triệu USD, nâng tổng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường cung cấp các sản phẩm có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như van, bộ điều áp và bộ làm mát, là những linh kiện quan trọng được sử dụng trong các thiết bị và dây chuyền sản xuất bán dẫn" ông Matsui Takao nói.
Về phía địa phương, ông Nguyễn Trí Phương, Trưởng ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, các dự án thu hút đầu tư mới chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo,…
Các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư đều đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến, phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai.
Kiến nghị đầu tư 68 km cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh trị giá 22.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2026 – 2030 cho Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh và chỉ đạo Bộ GTVT giao cơ quan chuyên môn, đơn vị trực thuộc hoặc địa phương lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư làm cơ sở sớm triển khai dự án.
![Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_72_51434258/401e0fa034eeddb084ff.jpg)
Ảnh minh họa.
Được biết, tuyến cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh là một trong ba tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, điểm đầu tại cửa khẩu Dinh Bà, điểm cuối tại Trà Vinh, với tổng chiều dài tuyến 188 km (đoạn cửa khẩu Dinh Bà – Cao Lãnh dài khoảng 68 km).
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Tiền Giang đang tổ chức thi công cao tốc Cao Lãnh – An Hữu với chiều dài 27,43 km; các đoạn còn lại bao gồm Dinh Bà – Cao Lãnh và An Hữu – Trà Vinh chưa được đầu tư.
Do đó, việc nghiên cứu đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh sẽ góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các tuyến trục dọc như Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam phía Đông (cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa - Mỹ An - Cao Lãnh - Lộ Tẻ - Rạch Sỏi) tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang theo trục ngang, kết nối cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, tỉnh Đồng Tháp với các cảng biển khu duyên hải, khu kinh tế Định An, tỉnh Trà Vinh.
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, tại Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cao tốc Dinh Bà – Cao Lãnh có chiều dài khoảng 68 km, quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.
Nếu tạm tính suất đầu tư theo Quyết định số 816/QĐ-BXD ngày 22/8/2024 của Bộ Xây dựng), Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Dinh Bà - Cao Lãnh có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22.000 tỷ đồng. Nguồn vốn dự kiến của Dự án là vốn ngân sách Trung ương, giai đoạn 2026 – 2030; thời gian thực hiện là giai đoạn 2025 - 2030.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 18 Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15, với khái toán tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 22.000 tỷ đồng thuộc nhóm A do Bộ, cơ quan Trung ương quản lý thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.
Đà Nẵng cần hơn 8.744 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2025
Thành phố Đà Nẵng cho biết, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của thành phố được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 8.720 tỷ đồng. Tuy nhiên, Hội đồng nhân dân Thành phố và UBND thành phố đã giao kế hoạch cao hơn so với kế hoạch Trung ương, với số vốn là hơn 8.744 tỷ đồng.
Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của thành phố Đà Nẵng là hơn 8.744 tỷ đồng.
Kế hoạch năm 2025, Đà Nẵng đã bố trí vốn thanh toán đối với 17 công trình, Dự án động lực, trọng điểm với tổng quy mô là hơn 2.926 tỷ đồng, bằng 33,46% tổng kế hoạch vốn và bằng 34,44% kế hoạch vốn xây dựng cơ bản đã phân bổ. Trong đó vốn xây lắp là hơn 2.620 tỷ đồng và 305 tỷ đồng.
Trong Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025, các ban quản lý dự án của TP.Đà Nẵng được phân số vốn là hơn 5.955 tỷ đồng, bằng 68,1% tổng kế hoạch vốn; trong đó vốn xây lắp 5.217tỷ đồng và vốn đền bù 738,163 tỷ đồng.
Thành phố Đà Nẵng đặt mục tiêu hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đầu tư công theo dự toán giao năm 2025.
Cụ thể, đến ngày 30/4 giải ngân đạt 10% kế hoạch vốn được giao; đến ngày 30/9 giải ngân đạt 50% kế hoạch vốn; đến ngày 31/12 giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn. Đến ngày 31/1/2026 giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn được giao.
Thành phố Đà Nẵng cũng đặt mục tiêu hoàn thành, đưa vào sử dụng 19 công trình và khởi công 23 công trình trong năm 2025…
Để triển khai kế hoạch vốn đầu tư công 2025, TP.Đà Nẵng thực hiện với tinh thần chủ động, quyết liệt, xây dựng tiến độ chi tiết cho từng dự án, từng gói thầu, quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân đối với tất cả các thành viên tham gia thực hiện.
Thành phố Đà Nẵng cũng sẽ khẩn trương hoàn thành việc phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để tiếp tục phân bổ kế hoạch vốn còn lại trong kế hoạch vốn trung hạn 2021-2025 chưa phân bổ.
Đồng thời triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn và danh mục các dự án động lực, trọng điểm giai đoạn 2026-2030, nhất là các dự án để triển khai Khu thương mại tự do, Trung tâm tài chính, các công trình, dự án gắn liền với Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Năm 2025, Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu giá 16 khu đất, có thể thu 9.300 tỷ đồng
Sở Tài nguyên và Môi trường TP.Đà Nẵng cho biết, dự kiến trong năm 2025, Thành phố sẽ tổ chức đấu giá 16 khu đất, dự kiến số tiền thuê đất là hơn 9.313 tỷ đồng.
Trường hợp UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu đối với 4 khu đất kịp trong năm 2025 thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố bổ sung danh mục đấu giá quyền sử dụng đất trong năm 2025.
Thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp đấu giá nhiều khu đất trong năm 2025.
Đối với các lô đất ở, dự kiến TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức đấu giá 143 lô đất ở chia lô đã phê duyệt phương án đấu giá và 126 lô đất ở chia lô bổ sung danh mục đấu giá năm 2025. Dự kiến số tiền sử dụng đất thu được là hơn 1.437 tỷ đồng.
Trong năm 2024, thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt danh mục đấu giá 33 khu đất lớn.
Trong đó, Đà Nẵng phê duyệt giá khởi điểm đối với 15 khu đất; đấu giá thành 4 khu đất trả tiền thuê đất hàng năm, 1 khu đất trả tiền thuê đất một lần.
Ngoài ra, có 7 khu đất đã triển khai đấu giá nhưng không thành. Lý do là không có hoặc chỉ có một đơn vị nộp hồ sơ tham gia đấu giá nên không đủ điều kiện để tổ chức đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản…
Đối với đất ở, năm 2024, TP.Đà Nẵng đã đấu giá thành công là 46 lô trên tổng số 120 lô.
Hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất tại TP.Đà Nẵng gặp một số vướng mắc liên quan đến hình thức trả tiền thuê đất; mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch; liên quan đến áp dụng quy định của Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến các điều khoản chuyển tiếp; công tác xác định giá đất…
Về cho thuê mặt bằng có thời hạn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã triển khai đấu giá thí điểm thành công 3 Khu đất và trình UBND thành phố đã phê duyệt Phương án đấu giá, Quyết định đấu giá cho thuê mặt bằng có thời hạn 11 khu đất với mục đích làm bãi đỗ xe tạm.
Tuy nhiên, đến ngày 30/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất có hiệu lực thi hành ngày 01/8/2024; theo đó, tại khoản 7 Điều 43 của Nghị định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể trình tự, thủ tục cho thuê quỹ đất ngắn hạn tại địa phương.”
Do vậy, việc thực hiện đấu giá cho thuê mặt bằng có thời hạn đối với 11 khu đất nêu trên phải tạm ngừng triển khai.
Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chăn nuôi 282 tỷ đồng
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo với dự án trang trại chăn nuôi Cam Tuyền 2 tại khu vực huyện Cam Lộ.
Theo đó, Dự án được thực hiện tại tại xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ với quy mô 34,38 ha. Công suất thiết kế trang trại có quy mô 2.400 con lợn nái, 60 con lợn đực giống và 24.000 con lợn thịt chia thành 2 khu chuồng tiêu chuẩn. Hai khu chuồng này được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn công nghệ mới, đáp ứng được những yêu cầu chung về thiết kế và phối hợp với các bộ phận thành một hệ thống hoàn chỉnh.
![Một dự án chăn nuôi lợn quy mô trang trại tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tiến Nhất](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_72_51434258/fb8aa0349b7a72242b6b.jpg)
Một dự án chăn nuôi lợn quy mô trang trại tại huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Tiến Nhất
Sản phẩm, dịch vụ cung cấp bao gồm kinh doanh, cho thuê trang trại chăn nuôi; trực tiếp thực hiện chăn nuôi gia súc; kinh doanh cho thuê mặt bằng máu các công trình của dự án; kinh doanh thức ăn chăn nuôi, bán buôn thức ăn và nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản; vận hành hệ thống xử lý chất thải và sản xuất, kinh doanh phân bón, chất thải chăn nuôi…
Về tiến độ dự án, từ tháng 7/2026 đến tháng 7/2027, thi công xây dựng khu thịt 24.000 con lợn trong giai đoạn 1; từ tháng 10/2027 đến tháng 7/2028, thi công xây dựng khu nái 2.400 con lợn và 60 con lợn đực giống trong giai đoạn 2.
Dự án có tổng vốn đầu tư 282,333 tỷ đồng (tương đương 11,117 triệu USD), trong đó vốn góp của nhà đầu tư 100,49 tỷ đồng, vốn vay từ các tổ chức tín dụng trên 181,9 tỷ đồng.
Tại quyết định này, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo triển khai thực hiện dự án theo đúng nội dung đã được phê duyệt. Không thi công, thực hiện dự án và không thực hiện các hoạt động làm thay đổi mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng… khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Đầu tư trang thiết bị tiên tiến phục vụ khai thác và có biện pháp nhằm bảo vệ môi trường theo phương án đã được phê duyệt. Thực hiện đúng tiến độ đã cam kết cũng như thực hiện đầy đủ các thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy, xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế…trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng tiến độ và các nội dung đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, dự án này được đầu tư thực hiện tại huyện Cam Lộ, là địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên dự án được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ tại nghị định liên quan.
Được biết, Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu ngày 19/2/2008 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ). Doanh nghiệp có địa chỉ trụ sở chính tại Lô H7, đường số 6, Khu đô thị mới An Cựu City, phường An Đông, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế (cũ) – nay là phường An Đông, quận Thuận Hóa, thành phố Huế. Doanh nghiệp do ông Phạm Quốc Toàn (SN 1975) làm Tổng giám đốc người đại diện pháp luật.
Quảng Nam đề xuất Thủ tướng phê duyệt Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Sân bay Chu Lai
Chiều 8/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh trong năm 2024 có nhiều khởi sắc,
Theo đó, tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 7,1%; quy mô nền kinh tế đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng hơn 16.500 tỷ đồng so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước đạt 27.600 tỷ đồng…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam.
Trong tháng 1/2025, tổng thu ngân sách Quảng Nam đạt hơn 2.526 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã phân bổ hơn 7.264 vốn đầu tư công trên số vốn 8.311 tỷ đồng…
Để tạo động lực phát triển cho Quảng Nam trong giai đoạn mới, ông Lê Văn Dũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép triển khai nhiều Dự án lớn.
Đối với Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang, Chủ tịch Quảng Nam cho biết đã có công văn đề xuất một số nội dung liên quan đến Đề án gửi Tổ Công tác 1121 của Chính phủ.
Trong đó, đề xuất khu vực đầu tư giai đoạn 1 của Đề án, hình thức đầu tư, trình tự thủ tục đầu tư.
Ngoài ra, đại diện Tập đoàn SOVICO-ADANI và Công ty Cổ phần hàng không VIETJET đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề xuất đầu tư Cảng hàng không quốc tế Chu Lai.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng đã cử đoàn công tác cùng với Tập đoàn SOVICO sang làm việc với Tập đoàn ADANI (Ấn Độ) đề xuất nghiên cứu đầu tư sân bay Chu Lai…
Để triển khai dự án, tỉnh Quảng Nam đề xuất giao Bộ Quốc phòng chủ trì để đo đạc, phân định rõ diện tích đất hàng không dân dụng, đất quân sự, đất quân sự dùng chung và xác lập hồ sơ, thủ tục giao phần diện tích đất hàng không dân dụng cho tỉnh Quảng Nam quản lý, để sớm triển khai thực hiện.
Đề xuất Thủ tướng giao Bộ tài chính phối hợp, hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng thực hiện định giá các tài sản thuộc quyền quản lý và thực hiện các thủ tục bàn giao lại cho UBND tỉnh Quảng Nam theo quy định để có cơ sở triển khai thực hiện các nội dung tiếp theo.
Ngoài ra, giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với tỉnh và các cơ quan liên quan hoàn thiện trình hồ sơ Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Chu Lai giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025, do Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Chỉ đạo Tổ công tác 1121 sớm thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không sân bay Chu Lai.
Chủ tịch Quảng Nam cũng đề nghị Thủ tướng cho phép xây dựng danh mục dự án thu hút nhà đầu tư chiến lược trong việc phát triển xã hội hóa sân bay Chu Lai, khoảng 11.000 tỷ đồng và Cảng biển Quảng Nam khoảng 6.400 tỷ đồng.
Đồng thời được phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý các khu kinh tế - khu công nghiệp tỉnh được phép áp dụng đồng bộ ưu đãi đầu tư cho tất cả các dự án trong Khu kinh tế được áp dụng ưu đãi đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, thay cho việc áp dụng địa bàn cấp huyện, riêng lẻ theo từng xã.
Về đầu tư luông Cửa Lở cho tàu 50.000 DWT và quy hoạch Trung tâm logistics container tại Chu Lai, tỉnh Quảng Nam đề xuất cho lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Đề án đầu tư luồng Cửa Lỡ và Trung tâm logistic container Chu Lai trong khi chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển.
Ngoài ra, đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, tiếp tục bố trí nguồn vốn cho Dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 14D.
Đồng thời quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ Quảng Nam tháo gỡ khó khăn cho các Dự án có sai phạm qua thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã chỉ ra theo tinh thần Kết luận số 77 của Bộ Chính trị…
Hải Dương: Xây dựng cầu Đại An 250 tỷ đồng
Sáng 8/2, Công ty cổ phần Đại An đã tổ chức lễ động thổ xây dựng cầu Đại An vượt sông Kim Sơn (Sông Sặt) kết nối huyện Gia Lộc và Cẩm Giàng với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng.
Các đại biểu bấm nút động thổ dự án. Ảnh: Quỳnh Nga
Dự án xây dựng cầu Đại An có điểm đầu kết nối với Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai I thành phố Hải Dương, đoạn từ đường 62m (Đại lộ Võ Nguyên Giáp) đến khu công nghiệp Đại An mở rộng (do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư); điểm cuối đến ranh giới dự án khu công nghiệp Đại An mở rộng (giai đoạn II).
Địa điểm thuộc địa phận xã Thống Nhất huyện Gia Lộc và xã Cẩm Đoài huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đại An. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng từ nguồn vốn của Công ty cổ phần Đại An.
Việc xây dựng cầu Đại An vượt sông Kim Sơn (Sông Sặt) nhằm từng bước xây dựng hoàn thiện tuyến đường vành đai I thành phố Hải Dương theo quy hoạch. Công trình cầu Đại An vượt sông Kim Sơn đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải, kết nối liên kết vùng các huyện Gia Lộc - Cẩm Giàng - Bình Giang, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, công trình cầu Đại An vượt sông Kim Sơn là công trình quan trọng nằm trên tuyến Vành đai I, TP Hải Dương. Để công trình sớm được triển khai thi công và đưa vào khai thác đảm bảo chất lượng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương đề nghị Công ty cổ phần Đại An khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo khả thi và hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, tập trung huy động mọi nguồn lực, sớm đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh Hải Dương, bà Trương Tú Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đại An khẳng định: “Đây là công trình trọng điểm, đánh dấu sự trưởng thành của Công ty cổ phần Đại An và là công trình kỷ niệm 95 năm ngày Thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930-03/02/2025). Chúng tôi cam kết khẩn trương hoàn thành các thủ tục theo quy định của Nhà nước để khởi công công trình vào ngày 25/3/2025”.
Dự kiến công trình Cầu Đại An sẽ được hoàn thành vào tháng 5/2026. Theo quy hoạch đường Vành đai I thành phố Hải Dương được duyệt, tổng chiều dài cầu và đường dẫn phía khu công nghiệp Đại An mở rộng khoảng 265m (không bao gồm đoạn đường dẫn nằm trong ranh giới khu công nghiệp Đại An mở rộng - giai đoạn II).
Quy mô đầu tư xây dựng cầu bê tông cốt thép với chiều rộng cầu Bc=25m cùng các hạng mục xây dựng kè mái kênh phía sông mỗi bên thượng và hạ lưu khoảng 100m tính từ tim cầu, xây dựng hoàn trả đường bờ kênh (nếu có); xây dựng đồng bộ các hạng mục chiếu sáng, hạ tầng kỹ thuật khác có liên quan, hệ thống báo hiệu và tổ chức an toàn giao thông theo quy định.
Ông Tường Duy Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại An chia sẻ: “ Công trình có ý nghĩa lớn lao, thể hiện tình cảm gắn bó, trách nhiệm của một doanh nghiệp luôn đồng hành cùng chính quyền địa phương, góp phần phát triển quê hương Hải Dương ngày càng giàu đẹp”.
Sau khi hoàn thành dự án nhà tài trợ sẽ chuyển giao công trình cho UBND tỉnh Hải Dương để quản lý, vận hành khai thác, bảo trì công trình theo quy định quản lý sử dụng tài sản công.
Bình Định đặt mục tiêu khởi công dự án nâng cấp Sân bay Phù Cát trước ngày 24/8/2025
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa dẫn đầu đoàn công tác có buổi kiểm tra thực địa Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát.
Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát bao gồm 2 hợp phần chính là đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay; mở rộng nhà ga và sân đỗ. Theo quy hoạch được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, Cảng hàng không Phù Cát hướng đến công suất 5 triệu hành khách/năm vào năm 2030 và 7 triệu hành khách/năm vào năm 2050.
![Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (đội mũ cối) kiểm tra thực địa Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_72_51434258/fb0eaab091fe78a021ef.jpg)
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (đội mũ cối) kiểm tra thực địa Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát.
Tại buổi kiểm tra, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định làm việc với lãnh đạo Trung đoàn 925 và Trung đoàn 940; kiểm tra khu vực dự kiến triển khai các hạng mục nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Phù Cát, khu vực xây dựng các khu tái định cư phục vụ di dời dân để triển khai dự án trọng điểm này.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh, dự án đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình đồng bộ tại khu bay Cảng Hàng không Phù Cát là dự án nhóm A, có tổng mức đầu tư khoảng 3.246 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.
Đường cất hạ cánh mới sẽ có chiều dài 3.048 m, đảm bảo tiếp nhận được các loại tàu bay Code C như A320, A321 và có thể nâng cấp để tiếp nhận máy bay Code E khi cần thiết.
Về tiến độ triển khai, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Theo kế hoạch, đánh giá tác động môi trường hoàn tất trước tháng 4/2025; phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi vào tháng 5/2025; hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công vào tháng 7/2025 và đặt mục tiêu khởi công trước ngày 24/8/2025.
Dự án ảnh hưởng đến khoảng 422 hộ dân và 6 tổ chức với diện tích thu hồi khoảng gần 87,5 ha (trong đó có hơn 4,5 ha đất ở; gần 69,5 ha đất nông nghiệp và hơn 13,5 ha đất phi nông nghiệp). Ngoài ra, dự án còn ảnh hưởng đến 1.000 ngôi mộ cần bố trí khu vực cải táng hợp lý.
Đại diện Ban Quản lý Dự án Giao thông tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh đã thống nhất xây dựng 3 khu tái định cư tại huyện Phù Cát và thị xã An Nhơn để bố trí chỗ ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Cùng với đó, phương án nguồn vật liệu đất san lấp với khoảng 4,2 triệu m3 cũng được tính toán cụ thể.
Về bàn giao đất quốc phòng, UBND tỉnh Bình Định đã làm việc với Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan; hiện đang hoàn tất các thủ tục bàn giao để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị quân sự đóng trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định lưu ý, chủ đầu tư dự án và các địa phương liên quan phải triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng một cách công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Các sở, ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ lập phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tránh để ảnh hưởng đến kế hoạch khởi công dự án. Bên cạnh đó tính toán phương án, thời gian cụ thể để di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng, chủ động rà soát các mỏ cát, đá để đảm bảo nguồn vật liệu thực hiện dự án….
Phát biểu kết luận, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh Dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Phù Cát là dự án trọng điểm, rất hệ trọng, giải quyết điểm nghẽn, đóng góp sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Do đó, ông Tuấn yêu cầu các đơn vị liên quan bám sát kế hoạch, phối hợp chặt chẽ, quyết liệt, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc liên quan, đảm bảo mục tiêu đến tháng 8/2025 sẽ khởi công dự án, 10 tháng sau sẽ đưa vào vận hành giai đoạn 1 đường cất hạ cánh số 2.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh phải làm thật tốt, thật kỹ công tác chuẩn bị, các phương án, thủ tục liên quan triển khai dự án, đấu thầu san lấp mặt bằng không được xảy ra sai sót; xây dựng thật kỹ phương án triển khai thi công sau này; chuẩn bị sẵn phương án cho các nhà thầu phụ, đặc biệt là nhà thầu phụ san lấp và các nhà thầu liên quan tới việc cung cấp thiết bị.
Ông Tuấn nhấn mạnh, khi khởi công, đấu thầu xong là phải tổ chức thi công nhanh nhất.
Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng yêu cầu Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh, các sở, ngành liên quan, đơn vị tư vấn lên kế hoạch công việc, phương án chi tiết cụ thể hàng ngày, hàng tuần để triển khai dự án nhanh nhất, tốt nhất…