Đề xuất phát triển TOD tại ngã tư Hàng Xanh – quốc lộ 13
Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) đề xuất phát triển ngã tư Hàng Xanh - quốc lộ 13 theo mô hình TOD nhằm chỉnh trang đô thị và phát triển giao thông công cộng.
![Ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh được đề xuất phát triển theo mô hình TOD. Ảnh: TL](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_112_51437990/d3ef35e90ea7e7f9beb6.jpg)
Ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh được đề xuất phát triển theo mô hình TOD. Ảnh: TL
Tại cuộc họp với các chuyên gia về phát triển mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, bên cạnh việc nghiên cứu 6 vị trí TOD theo đề án, thành phố cũng đang khuyến khích phát triển mô hình này tại khu vực ngã tư Hàng Xanh - quốc lộ 13, thông qua việc giao cho doanh nghiệp đề xuất ý tưởng và triển khai., chinhphu.vn đưa tin.
Khu vực Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, được đề xuất phát triển theo mô hình TOD nhằm chỉnh trang đô thị và phát triển giao thông công cộng, đặc biệt khi nơi này sẽ kết nối của 3 tuyến metro trong tương lai.
Đây là đề xuất này được đưa ra bởi Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII), đơn vị sẽ chịu trách nhiệm thuê tư vấn nghiên cứu và đề xuất mô hình để thành phố xem xét.
Theo CII, ý tưởng trên còn sơ bộ, dự kiến hoàn chỉnh vào quí 3 năm nay sau khi làm việc với tư vấn nước ngoài và học hỏi kinh nghiệm. Khu vực Hàng Xanh, nơi giao ba tuyến metro (số 1, 3A, 5), sẽ được nghiên cứu không chỉ theo mô hình đô thị nén mà còn tái cấu trúc đô thị, hạ tầng và kết nối giao thông thuận tiện.
Đơn vị đề xuất cần nghiên cứu kỹ lưỡng cơ chế, chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư bao gồm đền bù theo giá thị trường, đảm bảo sinh kế cho người bị ảnh hưởng, tái định cư tại chỗ nếu có thể.
Kết quả nghiên cứu cần được báo cáo cho Sở Giao thông Vận tải để đơn vị này tham mưu cho UBND thành phố.
Về đường sắt đô thị, các bộ, ngành dự kiến trình Quốc hội thông qua nghị quyết về cơ chế đầu tư trong kỳ họp sắp tới, giúp đẩy nhanh tiến độ đường sắt đô thị. Trên cơ sở đó, ba tuyến quan trọng sẽ triển khai trước 2030 gồm, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, metro trung tâm TPHCM - Cần Giờ và đường sắt TPHCM - Cần Thơ.
Ngoài ra, thành phố đang tập trung thực hiện các dự án lớn như mạng lưới đường sắt đô thị, trung tâm tài chính quốc tế và cảng trung chuyển quốc tế, đồng thời thu hút các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn đầu tư.
TOD là nội dung TPHCM được trao cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98. Tại cuộc họp với lãnh đạo TPHCM, theo TS. Ngô Viết Nam Sơn, nếu triển khai tốt, mô hình này có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hai con số, tạo hiệu ứng lan tỏa và nâng cao hiệu quả các dự án liên quan.
Tuy nhiên, đây là thách thức lớn khi TPHCM đặt mục tiêu hàng trăm km đường sắt đô thị trong một thập kỷ, dù metro số 1 dài 20km mất gần 2 thập kỷ để hoàn thành. Ông Ngô Viết Nam Sơn cho biết, TOD cần một hệ sinh thái toàn diện, không chỉ xoay quanh metro.
Hệ sinh thái TOD không thể chỉ dựa vào metro mà cần tích hợp với xe buýt, sân bay, cảng biển, đường sắt và giao thông đường thủy. Hệ thống xe buýt phủ rộng sẽ tăng hiệu quả metro và đảm bảo kết nối đa phương tiện.
Ngoài ra, TOD phải đảm bảo hiệu quả kinh tế. Nếu không phát triển song hành các khu vực dọc tuyến metro, thành phố có thể phải bù lỗ hàng triệu đô la Mỹ mỗi năm. Do đó, cần quy hoạch các dự án trọng điểm trong vùng ảnh hưởng metro để ổn định nguồn khách và tạo giá trị đô thị.
Ông Sơn nêu ba yếu tố cần thiết để phát triển TOD. Thứ nhất, về cơ chế, thành phố cần khung pháp lý đồng bộ từ giải phóng mặt bằng, đấu giá đất đến hợp tác liên ngành và thu hút đầu tư, tránh trì hoãn dự án.
Thứ hai, về kinh phí, metro tiêu tốn hàng tỉ đô la Mỹ nhưng TOD có tiềm năng sinh lợi cao, TPHCM cần kịch bản tài chính rõ ràng để thu hút đầu tư. Thứ ba, về nhân lực, thành phố cũng cần sớm đào tạo đội ngũ vận hành và bảo trì metro để đáp ứng nhu cầu khi hệ thống hoạt động.