Mối đe dọa nghiêm trọng từ bệnh dại
Bệnh dại đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam. Năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong và 675.000 người phải điều trị dự phòng. Năm 2024, con số tử vong tăng lên 84 ca. Dịp Tết Nguyên Đán năm nay số người bị chó, mèo cắn cũng gia tăng.
![Người dân đi tiêm vaccin phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sau Tết. Ảnh: Thanh Niên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_113_51432104/5569458f7ec1979fced0.jpg)
Người dân đi tiêm vaccin phòng bệnh dại tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM sau Tết. Ảnh: Thanh Niên.
Người tiêm ngừa dại gia tăng
Trong 3 ngày 26, 27 và 28 Tết, hệ thống tiêm chủng VNVC đã ghi nhận gần 4.500 lượt tiêm vaccine dại, trong đó hơn 50% tiêm dự phòng, tăng 30% so với 2024 và gần 4.000 lượt tiêm dại trong hai ngày 1-2/2 (tức mùng 4-5 Tết Nguyên đán).
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, thời điểm này nhiều người bị vật nuôi cắn, cào khi đi chơi, đi chúc tết, khiến tỷ lệ tiêm vaccine dại tăng cao. Song hầu hết cơ sở tiêm chủng tạm nghỉ vào ngày Tết, khiến những ngày đầu tiên mở cửa, trung tâm đón khá nhiều người đến tiêm phòng.
Như ông Lê Văn Dũng, 57 tuổi ở Vĩnh Long, tiêm vaccine phòng dại ngay sáng mùng 4, sau khi bị mèo cắn vào đầu ngón tay chảy máu trong đêm 28/1 (tức mùng 1 Tết Nguyên đán). Ông Dũng cho biết, dù mèo nhà đã tiêm phòng và khỏe mạnh nhưng ông vẫn tiêm phòng dại cho bản thân để đảm bảo an toàn.
Còn bà Bùi Thị Mai (71 tuổi) ở Tam Kỳ, Quảng Nam bị chó cắn vào chân khi đi chúc Tết ở nhà người thân, vết thương chảy máu và xây xát nhiều. Tại trung tâm tiêm chủng, bà được chỉ định tiêm thêm vaccine và huyết thanh uốn ván, hướng dẫn sơ cứu, vệ sinh và băng bó vết thương.
Tại Hà Nội, một bé trai 8 tuổi bị chó nhà nuôi cắn vào tai được đưa đến Bệnh viện Nhi Hà Nội hôm 3/2 trong tình trạng đa vết thương, chảy nhiều máu. Phần vành tai tổn thương nặng, đứt rời sụn ống tai ngoài và sụn vành tai. Nhiều vết cắn răng sâu và vết thương rách da tại vùng đầu và cánh tay phải. Hiện bệnh nhi được điều trị ổn định, sử dụng kháng sinh, tiêm phòng vaccine dại và uốn ván.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk vừa ghi nhận ca tử vong do bệnh dại đầu tiên năm 2025 trên địa bàn. Nạn nhân là bé Y.N.H. (11 tuổi, xã Băng A Drênh, huyện Krông Ana), khởi phát ngày 1/1 với triệu chứng sợ nước, sợ gió, nôn ói, mệt mỏi, được chẩn đoán dại giai đoạn toàn phát. Dù được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, bé tử vong tại nhà vào ngày 5/1 sau khi gia đình xin về.
Bệnh dại thường bùng phát mạnh vào mùa nóng từ tháng 5 đến tháng 9, nhưng hiện nay các ca bệnh dại ở người lại có xu hướng gia tăng cuối năm khi thời tiết lạnh. Đặc biệt, dịp Tết Nguyên Đán, nhu cầu đi lại, thăm gia đình, du lịch tăng cao, trong khi việc quản lý chó, mèo lỏng lẻo, thả rông, không rọ mõm và không tiêm phòng dại càng làm nguy cơ lây lan bệnh dại nghiêm trọng hơn.
Khởi phát triệu chứng tỷ lệ tử vong gần 100%
Theo nghiên cứu của WHO, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus dại gây ra, lây truyền từ động vật sang người. Bệnh đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nguy cơ bệnh dại lây truyền từ chó qua vết cắn, cào chiếm 96,1%, nguy cơ lây truyền qua vết cắn từ các động vật khác chiếm 3,9%. Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Bộ Y tế phân tích nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vaccine. Nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp; công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo.
Bệnh dại là bệnh do virus hướng thần kinh, gây viêm não tủy cấp tính và là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Bệnh dại có thể gặp ở tất cả động vật máu nóng và lây truyền cho người thông qua các chất bài tiết có chứa virus dại từ vết cắn, cào, liếm của động vật mắc bệnh. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong là 100% (kể cả người và động vật). Các triệu chứng ban đầu gồm sốt, đau, cảm giác ngứa, châm chích hoặc nóng rát bất thường tại vết thương. Khi virus di chuyển đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển và gây tử vong.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính do virus dại gây nên, thường tác động lên hệ thần kinh con người. Bệnh dại lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo). Thông thường thời kỳ lây truyền bệnh dại ở chó nhà là từ 3 - 7 ngày trước khi chết và trong khoảng thời gian từ 1 - 3 ngày trước khi có biểu hiện dại thì virus dại đã thải ra đến tuyến nước bọt của con vật. Vì vậy, nếu bị cắn trong giai đoạn này vẫn có thể mắc bệnh, mặc dù tại thời điểm bị cắn thấy vật nuôi vẫn bình thường. Thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày. Vết thương càng nặng thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Thời kỳ phát bệnh thường 2-4 ngày.
Phòng dại và điều trị dự phòng bằng vaccine
Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Bộ Y tế cho biết, bệnh dại gặp ở mọi lứa tuổi và hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh dại đều không tiêm vaccine. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70-110 người tử vong vì bệnh dại trong vòng 10 năm qua.
Bệnh chưa có thuốc đặc trị, tỷ lệ tử vong gần 100% khi khởi phát triệu chứng. Các triệu chứng ban đầu gồm sốt, đau, cảm giác ngứa, châm chích hoặc nóng rát bất thường tại vết thương. Khi virus di chuyển đến hệ thần kinh trung ương, tình trạng viêm não và tủy sống tiến triển và gây tử vong.
Theo bác sĩ Bạch Thị Chính, biện pháp dự phòng bệnh dại duy nhất là tiêm vaccine. Người chưa từng tiêm vaccine cần 5 mũi vào các ngày 0-3-7-14-28 (đối với đường tiêm bắp) hoặc 8 mũi vào các ngày 0-3-7-28 (đối với đường tiêm trong da). Bác sĩ có thể chỉ định dùng thêm huyết thanh kháng dại, huyết thanh và vaccine uốn ván dựa trên tình trạng vết thương. Số mũi vaccine dại phù hợp được chỉ định căn cứ vào tình trạng vết thương và việc theo dõi được con vật trong 10 ngày.
Người dân có thể chủ động tiêm dự phòng vaccine trước phơi nhiễm với ba mũi vào các ngày 0-3-21 nhằm linh động về thời gian. Khi bị chó, mèo cắn, cào, dù vết thương nặng, mọi người chỉ tiêm thêm 2 mũi và không cần dùng huyết thanh. Theo khuyến nghị, các vết thương nặng gần đầu, mặt, cổ, khu vực gần thần kinh trung ương cần tiêm cả huyết thanh kháng dại lẫn vaccine.
Ngoài ra, theo ông Trần Đắc Phu, người dân nên sơ cứu đúng cách bằng cách rửa vết thương dưới vòi nước chảy và xà phòng trong vòng 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45-70 độ hoặc cồn i-ốt. Gia đình, người bị cắn không chăm sóc vết thương theo phương pháp dân gian chưa được kiểm chứng, gây chậm trễ thời gian tiêm chủng, tăng nguy cơ tử vong do dại.
Theo Cục Thú y, Việt Nam hiện có hơn 4,9 triệu hộ gia đình nuôi tổng cộng 7,6 triệu chó, mèo. Quy định yêu cầu tiêm phòng dại cho 70% đàn vật nuôi từ 2022 – 2025, song công tác quản lý tại nhiều địa phương còn hạn chế.