Mỗi cá nhân, đơn vị phải tăng năng suất gấp đôi để đạt tăng trưởng 8% trở lên
Trung ương đã quyết nghị và chỉ đạo điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng năm 2025, đặt ra yêu cầu phải đạt từ 8% trở lên. Để đạt mục tiêu này, mỗi cá nhân, mỗi đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi so với hiện tại.
Chiều 5/2, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1, một nội dung được nhiều phóng viên quan tâm là mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và các giải pháp để thực hiện.
Điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ 8% trở lên
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, theo nghị quyết của Quốc hội, mục tiêu tăng trưởng năm 2025 được đặt ra là từ 6,5 - 7%, phấn đấu đạt 7 - 7,5%.
Tuy nhiên, tại Hội nghị Trung ương tháng 1 vừa qua, nhiều nghị quyết quan trọng đã được thông qua. Trong đó, việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt từ 8% trở lên. Mục tiêu này không chỉ giúp hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của cả giai đoạn 5 năm, mà còn tạo nền tảng vững chắc để bước vào một giai đoạn phát triển mới.
![Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp báo.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_578_51406688/76fa71d54e9ba7c5fe8a.jpg)
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại cuộc họp báo.
Để triển khai các nghị quyết của Trung ương, tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội đề xuất điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế quan trọng. Về hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ trước khi đưa ra kỳ họp bất thường của Quốc hội để xem xét thông qua.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chuẩn bị một dự thảo nghị quyết riêng của Chính phủ nhằm triển khai nhiệm vụ quan trọng này.
Cùng với các các động lực tăng trưởng truyền thống, trong phiên họp Chính phủ sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.
Hiện nay Việt Nam đang có vị thế rất tốt trên bản đồ công nghệ toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực AI và các công nghệ cao khác. Đây là lợi thế và cơ hội quan trọng để Việt Nam bứt phá trong lĩnh vực khoa học - công nghệ, tạo nên những động lực tăng trưởng mới.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, nội dung chính của nghị quyết này là cụ thể hóa nhiệm vụ tăng trưởng từ 8% trở lên. Theo đó, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể cho từng địa phương trên cả nước, đồng thời xác định một số chỉ tiêu chính dành cho các bộ, ngành ở Trung ương. Các mục tiêu sẽ đảm bảo phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi thay vì áp đặt cứng nhắc cho từng địa phương.
Hiện nay, các giải pháp tổng thể, toàn diện trên tất cả các ngành, lĩnh vực đã được thể hiện trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Tuy nhiên, với yêu cầu tăng trưởng cao hơn, cường độ thực hiện các giải pháp này cũng phải được nâng lên tương ứng. “Nói một cách đơn giản, mỗi cá nhân, mỗi đơn vị phải làm việc với năng suất gấp đôi so với hiện tại thì mới có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng mới” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ.
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế pháp luật, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh các giải pháp về thúc đẩy đầu tư, bao gồm cả đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và đầu tư tư nhân.
Kinh tế tăng trưởng 10% thì tín dụng phải tăng 18 - 20%
Từ phía lĩnh vực ngân hàng tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, để đạt mục tiêu 8% đòi hỏi nhiều chính sách cũng như giải pháp đồng bộ. Trong đó, ngành ngân hàng xác định nhiệm vụ đảm bảo nguồn vốn để có mức tăng trưởng cao là nhiệm vụ rất nặng nề.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, tổng dư nợ cuối năm 2023 khoảng 13,4 triệu tỷ đồng, đến cuối năm 2024 là 15,5 triệu tỷ đồng. Như vậy riêng năm 2024, chúng ta tăng thêm vào nền kinh tế vốn dư nợ khoảng 2,1 triệu tỷ đồng. Tổng cả năm 2024, doanh số cho vay năm 2024 là 23 triệu tỷ đồng, doanh số thu nợ là 21 triệu tỷ đồng để có được 7,09% tăng trưởng GDP.
Năm 2023, khi GDP tăng trưởng gần 7% thì tăng trưởng tín dụng ở mức 14,55%. Năm 2024, GDP tăng trưởng 7,09% thì tín dụng tăng trưởng 15,08%. Trung bình tăng trưởng hơn 2% tín dụng thì sẽ giúp tăng trưởng 1% GDP. Do đó, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16% cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%. “Nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%. Trách nhiệm sẽ đặt nặng cho chính sách tiền tệ, tín dụng trong năm 2025” - ông Đào Minh Tú chia sẻ.
Trước nhiệm vụ này, NHNN xác định đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh vốn huy động, vốn nhàn rỗi cho nền kinh tế từ doanh nghiệp, người dân; có chính sách lãi suất hợp lý để huy động vốn này.
Trong trường hợp cần có vốn đầu tư để đáp ứng nhu cầu, NHNN sẽ sử dụng các công cụ điều hành của mình trong việc cung ứng vốn, tái cấp vốn hoặc các hình thức phù hợp thông qua các nghiệp vụ điều hành thị trường tiền tệ.
![Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_05_578_51406688/c046c569fa2713794a36.jpg)
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú
Bên cạnh đó, trong điều hành hạn mức tín dụng, mức 16% vẫn có thể được nâng cao hơn nếu vẫn kiểm soát được lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô cho phép, để đạt mục tiêu tăng trưởng.
Về điều hành tỷ giá, NHNN xác định tiếp tục hóa giải những tác động của thế giới để duy trì một thị trường ngoại tệ ổn định. Theo ông Đào Minh Tú, ngay từ đầu năm, mặc dù đã có tác động không tích cực đối với nền kinh tế, nhưng NHNN đã chủ động điều hành. Từ giữa tháng 1 đến nay, hầu như thị trường trở lại trạng thái rất tích cực trên cơ sở ngoại hối, kiều hối, dòng tiền xuất nhập khẩu. NHNN cũng sử dụng các biện pháp can thiệp khi cần thiết để đảm bảo tỷ giá ở mức hợp lý, tránh tâm lý găm giữ cũng như đối phó./.