Mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại

Các chuyên gia chia sẻ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ năm 2018 không chỉ là vấn đề song phương, mà đã lan rộng và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Sáng 21/5, tại tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Viện Nghiên cứu và Phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA) tổ chức Diễn đàn CEO: “Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại”.

Tại diễn đàn, các chuyên gia chia sẻ, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bắt đầu từ năm 2018 không chỉ là vấn đề song phương, mà đã lan rộng và ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức khác như tình trạng bảo hộ thương mại gia tăng, xung đột giữa các cường quốc kinh tế, hàng loạt rào cản kỹ thuật mới… dẫn đến hoạt động giao thương và mở rộng thị phần trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA công bố khảo sát về thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA công bố khảo sát về thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Đơn cử, ngành thép Việt Nam đã đối mặt nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá, với 32 vụ việc khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại từ 12 thị trường khác nhau trong năm 2024, tăng gần gấp đôi so với năm 2023; trong đó, Mỹ là nước điều tra nhiều nhất với 11 vụ việc, tập trung vào nhóm sản phẩm như sắt, thép, xơ sợi…

Hay EU triển khai Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ tháng 10/2023, yêu cầu doanh nghiệp chứng minh lượng khí thải CO₂ phát sinh trong quá trình sản xuất để có thể tiếp cận thị trường. Điều này, đặt ra yêu cầu cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không chỉ phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng mà còn phải đầu tư vào sản xuất xanh, công nghệ minh bạch và chiến lược dài hạn nếu muốn duy trì hoặc mở rộng thị phần quốc tế.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin về chính sách thương mại tại diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thông tin về chính sách thương mại tại diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Còn đối với thị trường trong nước, doanh nghiệp Việt Nam đang chịu sức ép kép, là vừa hàng nhập khẩu giá rẻ tràn vào và thói quen tiêu dùng thay đổi nhanh, vừa có sự cạnh tranh khốc liệt giữa những thương hiệu nội địa. Nhiều doanh nghiệp phải co hẹp sản xuất, cắt giảm nhân sự hoặc tìm hướng đi mới trong thị trường ngách để tồn tại.

Tuy vậy, một số chuyên gia cũng đánh giá, giữa những biến động thị trường đầy thách thức thì cũng có cơ hội, bởi Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra cửa ngõ vươn đến thị trường hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để tận dụng được lợi thế này, doanh nghiệp cần chiến lược bài bản hơn về logistics, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và chuyển đổi số. Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho rằng, dù chỉ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng TP. Hồ Chí Minh luôn xác định đây là thị trường quan trọng do tính dẫn dắt hành vi tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính vì vậy, gợi mở cho doanh nghiệp tìm cách khai thác hiệu quả FTA sẽ là những giải pháp thiết thực trong bối cảnh hiện nay, đồng thời doanh nghiệp tham mưu ngược lại cho cơ quan quản lý để phát huy chính sách tốt hơn.

Đại diện doanh nghiệp đóng góp giải pháp phát triển thị phần tại diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Đại diện doanh nghiệp đóng góp giải pháp phát triển thị phần tại diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

“Thống kê giá trị xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm 2025, TP. Hồ Chí Minh đạt 36,6 tỷ USD, tăng 11%, là tín hiệu phục hồi nhưng cũng đang trong sức ép của thời gian vàng 90 ngày, tuy nhiên thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước với 100 triệu dân có sức mua ngày càng tăng là thị trường lớn. Đặc biệt trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp của TP. Hồ Chí Minh đã có sản phẩm cung ứng ra thị trường, chiếm tỷ trọng nhất định trong thị trường nội địa”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho hay, một số giải pháp cho doanh nghiệp là chủ động nâng cao năng lực thủ và truy xuất nguồn gốc, định vị lại thị trường mục tiêu, tận dụng FTA và chính sách hỗ trợ từ chính phủ, tăng cường giá trị thương hiệu và chuyển từ “gia công” sang “sở hữu”. Để mở rộng thị phần bền vững, doanh nghiệp cần chuyển đổi để không phụ thuộc vào xuất khẩu gia công (OEM), mà cần đầu tư xây dựng thương hiệu riêng (OBM); cũng như chuyển hướng khai thác thị trường nội địa, theo hướng sản xuất – Make by Vietnam, với các sản phẩm phù hợp, cạnh tranh và thay thế nhập khẩu.
Liên quan đến giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA đề xuất, tổ chức diễn đàn công – tư định kỳ để cùng tháo gỡ vướng mắc theo ngành; kết nối chuỗi cung ứng nội địa từ doanh nghiệp nhỏ đến FDI; xếp hạng tín dụng mở để tăng khả năng vay vốn không cần tài sản thế chấp…. Đặc biệt, cần có giải pháp dùng chung cho doanh nghiệp để giảm chi phí sản xuất, kinh doanh tạo sức bật tăng trưởng mới.
Dự kiến trong thời gian tới, khi TP. Hồ Chí Minh với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu hợp nhất thì không gian phát triển mở rộng hơn cho doanh nghiệp, trong đó TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục phát huy vai trò là trung tâm trong nhiều lĩnh vực. Doanh nghiệp còn có điều kiện thuận lợi nâng cao năng lực nội sinh trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện “bộ tứ trụ cột” theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị gồm: Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng phân tích, Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW) với quan điểm chính là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, ổn định, an toàn, dễ thực thi, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế, bảo đảm khả năng cạnh tranh khu vực, toàn cầu. Từ đó, không còn quan niệm “con buôn”, xem doanh nhân là “chiến sĩ” trên mặt trận kinh doanh.
Mặt khác, những nhóm giải pháp đột phá, trọng tâm của Nghị quyết số 68-NQ/TW có thể kể đến là đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này cũng đưa ra những tiêu chí cụ thể, đặt mục tiêu đến năm 2045 có khoảng 3 triệu doanh nghiệp; đồng thời dự tính năm 2030 thì khối kinh tế tư nhân đóng góp từ 55-58% GDP và đến 2045 sẽ tăng lên với đóng góp trên 60%.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước lớn mạnh với tâm thế mới - vận hội mới, Nhà nước cần đặt hàng doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án, công trình lớn, trọng điểm quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân phát triển thành doanh nghiệp dân tộc (căn cứ theo mức độ đóng góp, thay vì theo quy mô). Nhà nước chú trọng tăng tính kết nối, hợp tác, phát triển thị trường..., nên quy định chi tiết về cơ chế, nguyên tắc phối hợp trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước; các đối tác khác của nhà nước trong dự án đầu tư công, dự án PPP, dự án trọng điểm quốc gia… và hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, cơ sở dữ liệu về kinh tế tư nhân, cơ chế chia sẻ/liên thông dữ liệu - Tiến sĩ Cấn Văn Lực chia sẻ thêm.

Mỹ Phương/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mo-rong-thi-phan-cho-doanh-nghiep-trong-boi-canh-chien-tranh-thuong-mai/374339.html
Zalo